Theo kế hoạch, người lao động (không quá 50 với nam và 45 tuổi với nữ) đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn được cử tham gia các khoá đào tạo nghề. Theo UBND TP.HCM, chương trình này nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM; đồng thời, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Người lao động trên khi tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần 100% chi phí đào tạo, nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học. Nguồn kinh phí từ ngân sách TP.HCM bố trí tại Sở LĐ-TB-XH để thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM hàng năm.
Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và các chi phí phát sinh khác thì phần chi phí chênh lệch sẽ do doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người lao động thỏa thuận đóng góp (có thể có sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác).
UBND TP.HCM cũng cho biết, kế hoạch này sẽ ưu tiên cho người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo sẽ do doanh nghiệp lựa chọn dựa trên ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng (Quyết định 3560/2021 của UBND TP.HCM về ban hành Danh mục nghề đào tạo cho người lao động trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2025).
|
TP.HCM tuần thứ 3 liên tiếp có cấp độ dịch là “vùng xanh” Covid-19 |
UBND TP.HCM cũng nêu rõ, đơn vị đào tạo là tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động trên địa bàn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc văn bản chấp thuận chủ trương của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM được giao xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp các sở, ngành liên quan, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để đáp ứng nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp và tổng hợp vào kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp hàng năm.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu các doanh nghiệp thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động; đề xuất kế hoạch theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH cũng như chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đề xuất việc cử người lao động tham gia khóa đào tạo nghề.
Tin liên quan
Lao động – Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm