Sốc vì phải làm “nghề đàn ông”
Chị Nguyễn Thị Hằng (quê Ân Thi, Hưng Yên) sang Nhật tháng 2/2020 theo diện thực tập sinh, làm việc tại tỉnh Hyogo. Trước đó, chị được người môi giới “quảng cáo” đơn hàng cho thu nhập cao, việc nhiều nhưng chi phí lúc đi khá cao.
Nghe vậy, Hằng tức tốc vay mượn 200 triệu đồng rồi học hành chăm chỉ để sang Nhật. Sau gần 1 năm, chị cũng được xuất cảnh để bắt đầu hành trình làm giàu trên đất nước mặt trời mọc.
Tuy vậy, ngay khi vừa đặt chân đến Nhật, chị Hằng “sốc” khi công việc không như lời quảng cáo. 6 tháng trời công ty ít việc, ngày chỉ làm 6 tiếng khiến cô gái quê Hưng Yên “vỡ mộng”.
“Biết là thực tập sinh không được lựa chọn công việc nhưng khi biết mình làm thợ hàn, tôi khá sốc. Ở Việt Nam, công việc này phù hợp với nam giới nhưng ‘trót’ vay tiền để sang đây, tôi chỉ biết cố gắng.
Bố mẹ gọi sang hỏi thăm làm công việc gì, có vất vả không tôi đều giấu, sợ ông bà ở nhà lo lắng. Công việc vất vả đến mấy cũng không dám than thở hay chia sẻ, chỉ nói làm công việc liên quan đến cơ khí”, chị Hằng chia sẻ.
Thời gian đầu học việc, nữ thực tập sinh đứng quan sát đồng nghiệp người Nhật làm. Tiếp đó, chị được học về bản vẽ kỹ thuật để sau này có thể đọc và hiểu được trước khi bắt tay vào thực hiện sản phẩm.
Những ngày đầu cầm mối hàn, chị Hằng thường xuyên bị bỏng, da mặt bị bong tróc. Thậm chí chị bị đau mắt hàn (tình trạng mắt bị đau khi tiếp xúc trực tiếp với hồ quang điện được phát ra khi hàn kim loại).
“Mắt tôi khi đó bị tổn thương khá nặng, cứ thấy ánh mặt trời là nước mắt lại chảy ra. Cả tháng trời, tôi không dám soi gương, không dám gọi về nhà”, chị Hằng nhớ lại.
Dẫu công việc vất vả, độc hại, chị Hằng quyết bám trụ lại Nhật kiếm tiền để sau này cho các con cuộc sống tốt hơn.
“Tôi sợ phải nghe câu ‘ở nhà bao việc không làm lại chọn công việc này, ‘làm vất vả vậy về nước còn hơn’ nên chỉ biết im lặng. Nhiều người không hiểu, nơi đất khách quê người đâu như ở Việt Nam, không làm công ty này thì làm chỗ khác.
3 năm thực tập sinh, hầu như ai cũng phải cam chịu. Người nào may mắn thì tìm được công ty tốt, công việc nhẹ nhàng. Ai không may thì phải chấp nhận và cố gắng. Bỏ ra 200 triệu để sang đây đâu ai dám về khi chưa có tiền trả nợ”, nữ thực tập sinh tâm sự.
Sau vài tháng cầm mỏ hàn, chị Hằng đã thành thục được công việc tưởng chừng chỉ đàn ông mới có thể làm tốt. Mỗi khi làm ra được sản phẩm hay đường hàn đẹp, nữ thực tập sinh lại chia sẻ lên mạng xã hội để làm động lực cố gắng hơn.
“Tôi rất bất ngờ khi có nhiều người quan tâm, động viên mình đến vậy. Có người hỏi tại sao lại chọn làm công việc của đàn ông như vậy. Cũng có người khen mối hàn đẹp. Nghe xong, tôi như được tiếp thêm sức mạnh.
Mới đầu thấy người ta hàn là tôi sợ. Dần dần quen việc chỉ thấy mệt chứ không sợ nữa”, chị Hằng chia sẻ.
Ngày làm thợ hàn, đêm về bán hàng online
Nhờ tay nghề hàn ngày càng “điêu luyện”, nữ thực tập sinh được công ty tin tưởng, giao cho làm các sản phẩm đòi hỏi về mặt thẩm mỹ nhiều hơn, công việc nhàn hơn 2 năm đầu.
“3 năm thực tập sinh, thu nhập trung bình của tôi khoảng 10-11 man/tháng (tương đương 17-22 triệu đồng, giá man thay đổi qua các năm). Trừ hết chi phí, tôi cầm về tay 12-15 triệu đồng”, chị Hằng nói.
Năm cuối hợp đồng, công ty không thể hỗ trợ chuyển sang visa kỹ năng đặc định, chị Hằng buộc phải về nước khi hết hạn. Trong lúc đang làm hồ sơ quay lại Nhật Bản, nữ thực tập sinh bất ngờ tìm được việc nhờ những clip chị chia sẻ lên mạng xã hội.
“Một bạn nữ đồng hương sau khi xem được clip tôi chia sẻ về công việc đã gửi cho công ty bên Nhật xem. Sau đó, công ty ngỏ lời muốn nhận tôi vào làm việc, công việc cũng liên quan đến nghề hàn”, chị Hằng khoe tìm được việc nhờ chơi mạng xã hội Tiktok.
Hiện tại, chị Hằng đang làm việc tại một công ty cơ khí ở thành phố Osaka (Nhật Bản) theo diện kỹ năng đặc định. Mặc dù có thể lựa chọn ngành nghề khác, song nữ tu nghiệp sinh quê Hưng Yên vẫn lựa chọn làm nữ thợ hàn.
“Thu nhập của tôi hiện giờ cao hơn khi còn là thực tập sinh nhưng giá man thấp nên cũng buồn. Công ty mới trả lương 13 man/tháng, thi thoảng có tháng tăng ca được 15 man”, chị Hằng chia sẻ.
Gần 1 năm trở lại đây, công ty ít việc, chị Hằng quyết định bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Trước đó, chị làm thêm tại một công ty chuyên về đồ da, công việc hằng ngày là lọc mỡ bò.
“Trước đây, tôi làm thêm từ 4 đến 7h sáng. Mỗi tháng làm thêm được 40-50 giờ, tháng nhiều nhất 70 giờ, lương 200.000 đồng/giờ. Công việc tuy vất vả vì làm ngoài trời nhưng đổi lại thu nhập cao, mình làm 1 tiếng bằng bố mẹ làm cả ngày”, nữ thợ hàn chia sẻ.
Xin nghỉ ở chỗ làm thêm, chị Hằng nhập quần áo về bán. Mỗi tối, người phụ nữ livestream đến 1h sáng, đóng đơn hàng cho khách tới 2-3h sáng mới nghỉ.
“Công việc bán hàng online tuy không kiếm nhiều tiền so với đi làm thêm bên ngoài nhưng đỡ vất vả hơn. Thời gian đầu bán hàng cũng hơi chán vì mọi người xem clip mình chia sẻ về công việc chứ không thích xem bán hàng.
Trước mỗi buổi livestream, tôi thường nói chuyện với mọi người, chia sẻ về công việc trước rồi mới bắt đầu bán. May sao đến giờ mọi người cũng ủng hộ nhiều”, chị Hằng nói.
Nói về tương lai, nữ lao động dự tính gắn bó với đất nước Nhật Bản thêm 5 năm. Công ty mới cũng hứa tạo điều kiện để chị xin được visa lưu trú vĩnh viễn tại Nhật.
“Sang Nhật gặp được công ty tốt, đồng nghiệp tử tế không dễ. Do đó, tôi vẫn gắn bó với công ty này cho tới khi hết hợp đồng”, cô thợ hàn chia sẻ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm