TÌM VIỆC LÀM

Việc làm
quản lý
Việc làm
chuyên môn
Lao động
phổ thông
Việc làm
bán thời gian
  • Trang chủ
  • Cẩm nang việc làm
  • Phỏng vấn việc làm
  • Tư vấn nghề nghiệp
  • Việc làm tổng hợp
  • Diễn đàn

Tại sao nhà tuyển dụng không nên bỏ qua những ứng viên lớn tuổi?

5th March 2020 by admin

Trong quá trình tìm kiếm nhân sự cho công ty, hầu hết các nhà tuyển dụng thường bỏ qua những ứng viên lớn tuổi.

Có thể họ lo sợ rằng người lớn tuổi thường khó quản lý hơn hoặc những đối tượng này sẽ khó theo kịp nhịp độ làm việc trong môi trường công sở hiện đại. Thế nhưng bạn sẽ gạt bỏ ngay những suy nghĩ này nếu nhận ra 5 lợi ích sau đây từ việc tuyển dụng ứng viên lớn tuổi.

1. Tạo môi trường làm việc đa dạng hơn

Nếu trong công ty của bạn tồn tại nhiều lứa tuổi cùng làm việc với nhau sẽ tạo nên một môi trường làm việc đa dạng. Điều này có thể tăng năng suất và tiềm năng của các nhân viên trẻ tuổi, đồng thời thúc đẩy các kỹ năng của nhân viên phát triển hơn. Hơn nữa, một nơi làm việc đa dạng có thể làm tăng nhận diện thương hiệu của công ty. Bạn sẽ nhận được nhiều ứng viên ứng tuyển nếu công ty có văn hóa hòa nhập giữa nhiều lứa tuổi với nhau.

Tại sao nhà tuyển dụng không nên bỏ qua những ứng viên lớn tuổi?

Nếu có nhiều tầng lớp cùng làm việc với nhau sẽ tạo nên một môi trường làm việc đa dạng

2. Họ có nhiều kinh nghiệm

Một lợi ích chắc chắn và rõ ràng nhất khi tuyển dụng ứng viên lớn tuổi là họ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm làm việc. Những người thuộc thế hệ cũ có thể có sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình làm việc của họ. Kinh nghiệm này chắc chắn đã dạy cho họ một loạt những điều có thể được áp dụng cho vai trò hiện tại. Có thể bạn cho rằng, người lớn tuổi sẽ không bắt kịp được những kỹ năng về công nghệ; tuy nhiên, những kỹ năng này có thể học được. Ngược lại, đào tạo những người trẻ tuổi có sự khôn ngoan hoặc suy nghĩ chín chắn như những người đã có nhiều năm “lăn lộn” với nghề là điều hoàn toàn không thể.

3. Lòng trung thành

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lao động càng lớn tuổi càng mong muốn được kéo dài thời gian làm việc của họ lâu hơn so với các thế hệ trước. Khoảng hơn 50% những người ở độ tuổi trên 55 dự định sẽ làm việc ngoài tuổi về hưu. Tuổi nghỉ hưu mặc định cũng không còn bị ép buộc ở tuổi 65. Điều này có khả năng mang lại kết quả tích cực cho tỷ lệ duy trì trong một tổ chức và tất cả chúng ta đều biết lòng trung thành quan trọng như thế nào đối với một doanh nghiệp .

4. Họ có sự trưởng thành

Một lợi ích nữa sẽ khiến bạn an tâm nếu tuyển dụng ứng viên lớn tuổi là ở họ có sự trưởng thành nhất định. Điều này có nghĩa là họ biết cách cư xử, biết những gì nên và không nên làm tại nơi làm việc. Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường có cái tôi và tự ái rất cao, đây cũng là nguyên nhân dễ gây nên xích mích trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, khả năng một nhân viên lớn tuổi bị lôi kéo vào chính trị văn phòng, bè phái hoặc vi phạm nội quy công ty thường rất hiếm khi xảy ra. Họ thường sẽ né tránh những ồn ào nơi công sở và luôn tập trung vào công việc của mình.

Tại sao nhà tuyển dụng không nên bỏ qua những ứng viên lớn tuổi?

Nhân viên lớn tuổi thường chỉ tập trung vào công việc của họ

5. Tiết kiệm chi phí

Thông thường, các ứng cử viên lớn tuổi thường mong đợi mức lương cao hơn so với ứng viên trẻ, nhưng điều này đáng giá để đảm bảo cho một nhân viên có kinh nghiệm hơn. Nhân viên lớn tuổi có thể tiết kiệm chi phí của bạn về lâu dài chỉ bằng cách giúp bạn tránh những sai lầm tốn kém hoặc mất thời gian. Hơn nữa, nhân viên lớn tuổi có thể trở thành những người quản lý, đào tạo cho những nhân viên trẻ tuổi hơn, giúp công ty tiết kiệm được một khoảng thời gian đáng kể.

Trên đây là 5 lợi ích phổ biến nếu bạn nhận thuê người tìm việc lớn tuổi. Mặc dù vẫn có một số bất lợi nhưng nhìn chung tuyển dụng nhân viên lớn tuổi có thể mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích tuyệt vời khác.

Nguồn: Internet

Filed Under: Cẩm nang việc làm

Ngành công nghệ thông tin và những điều cần biết

1st March 2020 by admin

nganh-cong-nghe-thong-tin-va-nhung-dieu-can-biet

Đối với nhiều người, công nghệ thông tin (CNTT) về cơ bản đồng nghĩa với những vấn đề máy tính mà bạn hay gặp hàng ngày. Mặc dù quan điểm về công nghệ thông tin này không hoàn toàn sai nhưng nó chưa bao quát hết phạm vi của lĩnh vực nghề nghiệp quan trọng này.

Nếu bạn đang muốn hiểu rõ hơn về công nghệ thông tin là gì và các khía cạnh của lĩnh vực này, thì bạn đã đến đúng nơi. Hãy cùng tham khảo những thông tin hữu ích cho người mới bắt đầu trong lĩnh vực này.

Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin tiếng Anh là Information Technology. Định nghĩa công nghệ thông tin cơ bản nhất là ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề về công việc hoặc liên quan đến tổ chức doanh nghiệp trên phạm vi rộng. Bất kể vai trò là gì, một thành viên của bộ phận công nghệ thông tin làm việc với những người khác để giải quyết các vấn đề công nghệ, cả những chuyện lớn lao hoặc nhỏ nhặt nhất. 

Nói cách khác, Công nghệ thông tin đề cập đến việc sử dụng máy tính và phần mềm để quản lý thông tin. Các chuyên gia CNTT tập trung vào việc cải thiện khả năng sử dụng và hiệu quả của các hệ thống và quy trình công nghệ trong khi đảm bảo máy tính và mạng của tổ chức của họ không có lỗi, trục trặc và gián đoạn làm ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp.

Tại sao công nghệ thông tin lại quan trọng?

Hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp sẽ chậm lại nếu không có hệ thống công nghệ thông tin. Bạn khó có thể tìm thấy một doanh nghiệp không có ít nhất một phần dựa trên máy tính và kết nối mạng. Duy trì mức độ dịch vụ, bảo mật và kết nối tiêu chuẩn là một nhiệm vụ quan trọng nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu hoặc thách thức tiềm năng với người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ngày càng có nhiều công ty muốn thực hiện các giải pháp trực quan và tinh tế hơn để vươn lên trên các đối thủ cạnh tranh. Hãy cùng xem các nhu cầu mà các chuyên gia công nghệ thông tin hiện tại và tương lai sẽ làm:

Quá tải dữ liệu: Doanh nghiệp cần xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Điều này đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh xử lý, phần mềm tinh vi và kỹ năng phân tích của con người.

Các dịch vụ đám mây: Hầu hết các doanh nghiệp không còn vận hành các máy chủ của họ để lưu trữ dữ liệu khổng lồ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang làm việc với các dịch vụ đám mây – nền tảng lưu trữ dữ liệu bảo mật, hạn chế việc hosting bị “chết” đến 99%. 

Băng thông cho lưu trữ video: Các giải pháp hội nghị qua video ngày càng trở nên phổ biến, do đó cần nhiều băng thông mạng hơn để hỗ trợ đầy đủ.

Dựa trên khối lượng của những nhu cầu này, bạn sẽ không quá ngạc nhiên khi biết rằng việc làm trong ngành công nghiệp máy tính và công nghệ thông tin được dự đoán sẽ tăng 13% từ năm 2016 đến năm 2026, nhanh hơn mức trung bình của tất cả các ngành nghề khác.

Công nghệ thông tin gồm những chuyên ngành nào?

Nên học ngành gì trong công nghệ thông tin là điều mà hầu hết các bạn trẻ quan tâm trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Dưới đây là một số chuyên ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin:

–   Kỹ thuật máy tính là một ngành công nghệ thông tin chuyên về nghiên cứu. Đây là một lĩnh vực kỹ thuật trong đó sinh viên sẽ học cách thiết kế và phát triển phần cứng máy tính như máy tính cá nhân, máy tính xách tay, máy tính bảng, bộ nhớ, lưu trữ, thiết bị mạng và các thành phần phần cứng khác của máy tính.

–   Hệ thống thông tin quản lý (MIS) là một chuyên ngành nghiên cứu CNTT khác. Đăng ký vào ngành này, sinh viên sẽ được dạy về cách quản lý dự án, ngân sách, thiết bị công nghệ và con người.

–   Khoa học máy tính là ngành tập trung vào lập trình phần mềm và bao gồm các lĩnh vực như phần mềm ứng dụng, hệ chuyên gia (hệ thống dựa tri thức), trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển web, mã nhúng và robot.

–   Hệ thống thông tin máy tính (CIS): tốt nghiệp chuyên ngành này sinh viên sẽ có thể làm việc như một Quản trị viên mạng, Quản trị viên hệ thống, Kỹ sư hệ thống, Quản trị viên cơ sở dữ liệu, Chuyên gia bảo mật máy tính và Kỹ thuật viên máy tính.

–  Một ngành Công nghệ thông tin quan trọng khác là Phần mềm và Dịch vụ. Lĩnh vực này bao gồm thiết kế phần mềm, xuất bản phần mềm và quản lý trang thiết bị tổng hợp.

Ngành công nghệ thông tin học những môn gì?

Ngoài các môn đại cương như Giải tích, Đại số tuyến tính, Xác xuất thống kê, Kỹ thuật lập trình, Hệ điều hành, Công nghệ phần mềm, Ngoại ngữ thì tùy thuộc vào từng chuyên ngành mà sinh viên Công nghệ thông tin sẽ học các môn sau:

–   Ngành kỹ thuật máy tính: Hệ thống nhúng, Xử lý tín hiệu số, Cơ sở dữ liệu, An toàn và bảo mật thông tin, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Lập trình trong kỹ thuật, Quản lý dự án CNTT, Trí tuệ nhân tạo, Vẽ kỹ thuật…

–  Ngành Hệ thống thông tin quản lý: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Cơ sở dữ liệu nâng cao, Cơ sở dữ liệu phân tán, Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin doanh nghiệp, Thống kê và dự báo trong kinh doanh…

–  Ngành Khoa học máy tính: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Dữ liệu và khai thác dữ liệu, An ninh mạng, Các loại ứng dụng hệ thống thông tin, Xây dựng hệ thống và phát triển phần mềm, Lập trình mạng, Quản trị, kiểm soát và bảo trì mạng, Điện toán đám mây…

–   Hệ thống thông tin máy tính: Nền tảng về máy tính và mạng, Phân tích dữ liệu, Lập trình, Các hệ thống thông tin quản lý, Các hệ thống nhúng, Đồ họa máy tính và thực tế ảo, Phân tích thiết kế hệ thống thông tin…

Học công nghệ thông tin ra làm gì?

Dưới đây là một số công việc phổ biến nhất trong ngành Công nghệ thông tin, cũng như mô tả về từng chức danh, hãy cùng tham khảo nhé.

–    Lập trình viên máy tính: Các lập trình viên viết mã cho máy tính và biến các thiết kế phần mềm thành hiện thực. Các lập trình viên máy tính thường làm như viết chương trình bằng nhiều ngôn ngữ máy tính, như C ++ và Java; Cập nhật và mở rộng các chương trình hiện có; Kiểm tra và sửa lỗi; Xây dựng và sử dụng các công cụ kỹ thuật phần mềm hỗ trợ máy tính (CASE) để tự động hóa việc viết một số mã…

–    Chuyên viên phân tích hệ thống máy tính: Các nhà phân tích hệ thống sẽ đánh giá hệ thống máy tính và quy tình kinh doanh hiện tại của công ty ở cấp độ chi tiết. Họ sẽ đưa ra các khuyến nghị cho việc sử dụng và tương tác công nghệ thông tin nhằm giúp việc kinh doanh hiệu quả hơn. Thông thường, họ làm việc như một cầu nối giữa việc kinh doanh và công nghệ thông tin. Các nhà phân tích hệ thống máy tính phải có bằng cử nhân, thường là Cử nhân Khoa học về Máy tính.

–    Quản lý hệ thống máy tính và thông tin (IT Manager): Các nhà quản lý CNTT chỉ đạo các nhóm và điều hành các dự án cho các nhu cầu liên quan đến máy tính trong một tổ chức. Ngoài ra, họ giúp xác định các mục tiêu công nghệ thông tin và triển khai các hệ thống máy tính cần thiết để đáp ứng các mục tiêu đó.

Các IT Manager thường cần có bằng Cử nhân Khoa học Thông tin hoặc Cử nhân Khoa học Máy tính. Nhiều nhà quản lý cũng có bằng tốt nghiệp như Thạc sĩ Khoa học Thông tin hoặc thậm chí bằng tiến sĩ.

–   Quản trị viên cơ sở dữ liệu: Quản trị viên cơ sở dữ liệu là các chuyên gia phần mềm tập trung vào các ứng dụng và dịch vụ có chức năng tổ chức và lưu trữ dữ liệu (như hồ sơ tài chính hoặc địa chỉ giao hàng hoặc hồ sơ sức khỏe) cho một doanh nghiệp. Họ cũng đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu và tính sẵn có của nó cho người dùng dự định. Các Quản trị viên Cơ sở dữ liệu phải có bằng Cử nhân về Thông tin hoặc Khoa học Máy tính.

–   Chuyên viên phân tích bảo mật thông tin, Nhân viên phát triển web, Kiến ​​trúc mạng máy tính: Tất cả ba loại chuyên gia công nghệ thông tin này đều sử dụng công nghệ thông tin để đưa một tổ chức đến gần hơn với các mục tiêu kinh doanh của mình. Các nhân viên phân tích bảo mật có trách nhiệm giữ an toàn thông tin khỏi các cuộc tấn công mạng. Các nhân viên phát triển web thực hiện các yêu cầu hình ảnh, bố cục để tạo ra một trang web trực quan và dễ sử dụng. Các kiến ​​trúc sư mạng chịu trách nhiệm tạo ra các mạng nội bộ mà tất cả nhân viên của một tổ chức sử dụng. Người đảm nhận các vị trí này thường có bằng Cử nhân Khoa học Máy tính hoặc Khoa học Thông tin. Biết nhiều ngôn ngữ lập trình cũng rất quan trọng.

–   Quản trị viên hệ thống mạng và máy tính: Họ sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động hàng ngày của mạng máy tính của công ty, bao gồm tổ chức, cài đặt và hỗ trợ các hệ thống máy tính, kết nối mạng, mạng nội bộ và các hệ thống truyền thông dữ liệu khác. Họ cũng sẽ cần có bằng Cử nhân về Khoa học Máy tính hoặc Hệ thống Thông tin. Tuy nhiên, đôi khi, bạn có thể được chọn nếu có chứng nhận chuyên nghiệp và có kinh nghiệm làm việc liên quan.

–   Nhân viên phát triển phần mềm: Các nhân viên phát triển phần mềm tạo ra các ứng dụng chạy trên máy tính hoặc các thiết bị khác như điện thoại thông minh. Một số nhà phát triển phần mềm tập trung nhiều hơn vào các hệ thống máy tính cơ bản chạy trên các thiết bị hoặc kết nối mạng. Họ cần có bằng Cử nhân Khoa học Máy tính, cũng như các kỹ năng lập trình mạnh mẽ.

Những đặc điểm nào được các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên Công nghệ thông tin?

–   Kỹ năng giao tiếp: Ứng viên phù hợp nhất với công việc Công nghệ thông tin là những người có kỹ năng giao tiếp mạnh. Từ việc giúp các Giám đốc điều hành phát triển các giải pháp công nghệ đến xử lý sự cố mạng, những người làm trong ngành công nghệ thông tin cần có một mức độ đồng cảm cho phép họ tìm hiểu chính xác những gì khách hàng hoặc đồng nghiệp đang gặp phải và bình tĩnh giúp họ đạt được mục tiêu hoặc giải quyết vấn đề.

–  Hiểu về dữ liệu: Xem xét dữ liệu cung cấp giúp điều hành doanh nghiệp đúng cách và cung cấp các giải pháp kinh doanh tốt hơn. Các chuyên gia Công nghệ thông tin có hiểu biết sâu sắc về phân tích dữ liệu có thể nghĩ ra các giải pháp tốt hơn, từ đó tạo ra một dịch vụ hướng tới khách hàng tốt hơn.

–   Yêu thích công nghệ: Làm những gì yêu thích, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Cũng giống như vậy, một người yêu thích làm việc với công nghệ và có kiến thức vững chắc về các kỹ thuật hiện đại chắc chắn sẽ thành công trong lĩnh vực này. Ngoài ra, khi một người làm việc tốt hơn sẽ thúc đẩy nhiều nhân viên công nghệ thông tin khác thực hiện công việc tốt hơn.

–   Có tinh thần đồng đội: Tất cả nhân viên cùng nhau nỗ lực là điều cần thiết để tạo ra một doanh nghiệp thành công và điều này cũng đúng đối với lĩnh vực công nghệ thông tin. Một người có thể làm việc như một người có tinh thần đồng đội cao sẽ không chỉ được cấp trên xem trọng mà còn trở thành nhân tố quan trọng trong sự phát triển của ngành nghề. Nhà tuyển dụng luôn luôn tìm kiếm những cá nhân như vậy.

–   Yêu thích học hỏi: Lĩnh vực công nghệ thông tin không ngừng phát triển. Với việc công nghệ mới xuất hiện mỗi ngày, các công nghệ trước đó sẽ trở nên lỗi thời nhanh chóng. Để bắt kịp nhu cầu, người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần phải sẵn sàng học các công nghệ mới thường xuyên.

Tìm việc công nghệ thông tin ở đâu?

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng công nghệ thông tin tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố khác trên các trang web việc làm uy tín như trang việc làm IT của CareerLink.

Công nghệ thông tin học trường nào?

Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin “hot” tại Hà Nội

–  Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với 3 chuyên ngành Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin, Khoa học máy tính

–   Học viện Kỹ thuật Quân sự với chuyên ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin quản lý

–   Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội với các ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ thông tin định hướng thị trường, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu.

–   Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông với các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Kỹ thuật điện tử – truyền thông, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử.

–  Học viện Kỹ thuật mật mã với các ngành An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông

–  Đại học FPT với các ngành Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – Truyền thông.

Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin hàng đầu tại TPHCM

–  Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử viễn thông.

–  Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính

– Trường Đại học Công nghiệp TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin

–  Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn

–   Trường Đại học Mở TPHCM với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin quản lý

–   Trường Đại học Hoa Sen với các ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm.

–   Trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định với các ngành Mạng máy tính truyền thông và dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm.

Các trường đại học đào tạo Công nghệ thông tin tại các tỉnh thành khác

–  Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

–  Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

–  Trường Đại học Nha Trang

–  Trường Đại học Quy Nhơn

–  Trường Đại học Cần Thơ

Ngành công nghệ thông tin thi khối nào?

Hiện nay ngành Công nghệ công ty tiến hành xét tuyển theo các khối như sau:

–  Khối A00 gồm các môn Toán, Lý, Hóa

–  Khối A01 gồm các môn Toán, Lý, Anh

–  Khối D01 gồm các môn Toán, Văn, Anh

–  Khối D10 gồm các môn Toán, Địa, Anh

–  Khối D07 gồm các môn Toán, Hóa, Anh

Điểm chuẩn Công nghệ thông tin năm 2019

–  Điểm chuẩn Công nghệ thông tin Bách Khoa Hà Nội: Công nghệ thông tin Việt Nhật (25,7) – Công nghệ thông tin Global ICT (26) – Công nghệ thông tin Đại học Grenoble (Pháp) (20) – Công nghệ thông tin Đại học Victoria New Zealand (22), Hệ thống thông tin quản lý (24,8), Khoa học máy tính (27.42), Kỹ thuật máy tính (26,85)

–  Học viện Kỹ thuật Quân sự với chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm (22,5), Khoa học máy tính (19,25), Hệ thống thông tin quản lý (20), Công nghệ thông tin (23,5)

–   Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội với các ngành Công nghệ thông tin (25,85), Công nghệ thông tin định hướng thị trường Nhật Bản (25,85), Hệ thống thông tin quản lý (25), Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (25,85).

–  Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông với các ngành Công nghệ thông tin (24,10), An toàn thông tin (23,35), Công nghệ đa phương tiện (22,55), Kỹ thuật điện tử – truyền thông (21,95), Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử (21,05).

–  Học viện Kỹ thuật mật mã với các ngành An toàn thông tin (21,50) và Công nghệ thông tin (22,90), Kỹ thuật điện tử viễn thông (20,75).

–  Đại học FPT với các ngành Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Điện tử – Truyền thông với 21 điểm.

–  Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM: Khoa học máy tính (24,60), Công nghệ thông tin (23,20), Máy tính và Công nghệ thông tin (25), Kỹ thuật điện tử viễn thông (20)

–  Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TPHCM: Khoa học máy tính (22,55), An toàn thông tin (24,45), Khoa học dữ liệu (23,50), Công nghệ thông tin (24,65), Kỹ thuật máy tính (23.80)

–  Khoa công nghệ thông tin IUH – Trường Đại học Công nghiệp TPHCM:  Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ thông tin có điểm chuẩn 19,50

–  Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn: ngành Công nghệ thông tin điểm chuẩn là 14

–  Trường Đại học Mở TPHCM: Khoa học máy tính (19,20), Công nghệ thông tin (20,85), Hệ thống thông tin quản lý (18,90)

–  Trường Đại học Hoa Sen: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (15), Công nghệ thông tin (15), Kỹ thuật phần mềm (15).

–  Trường Đh Công nghệ thông tin Gia Định: Mạng máy tính truyền thông và dữ liệu (14), Kỹ thuật phần mềm (14,5)

–  Ngành Công nghệ thông tin Đại học Đà Nẵng: 23

–  Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế: Công nghệ thông tin (13,5), Kỹ thuật phần mềm (13)

–  Trường Đại học Nha Trang: Hệ thống thông tin quản lý (15), Công nghệ thông tin (17)

–  Trường Đại học Quy Nhơn: Kỹ thuật phần mềm (14), Công nghệ thông tin (14)

– Trường Đại học Cần Thơ: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (15), Kỹ thuật phần mềm (17,5), Hệ thống thông tin quản lý (15), Kỹ thuật máy tính (15), Công nghệ thông tin (19,75)

Hoàn thành một chương trình đại học là điều cần thiết nếu bạn quan tâm đến một công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng có nhiều thứ hơn là chỉ hoàn thành các khóa học. Để nổi bật hơn trong ngành công nghệ thông tin, sinh viên phải chủ động và phát triển sự hiểu biết sâu sắc hơn về cách sử dụng các kỹ năng của mình trong các môi trường làm việc khác nhau. Cũng là một ý tưởng tốt nếu bạn nói chuyện với các chuyên gia trong lĩnh vực này để có ý tưởng tốt hơn về các yêu cầu và kỳ vọng của các vị trí đó.

Huyền Nguyễn

Cẩm Nang Việc Làm

Filed Under: Cẩm nang việc làm Tagged With: biết, cần, công, điều, Ngành, nghề, những, THÔNG

7 điều cần ghi nhớ để mô tả bản thân ấn tượng trong CV

24th February 2020 by admin

Hồ sơ xin việc làm thường được xem là cơ hội duy nhất giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng tiềm năng. Do đó, hãy chắc chắn rằng những từ bạn sử dụng để mô tả bản thân là một ứng viên đáng chú ý cho công việc. Để làm được điều này, bài viết sau đây sẽ giúp bạn.

Lưu ý khi mô tả bản thân bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong hồ sơ xin việc

Cẩn thận khi tự đưa ra danh xưng – Thông thường một người phải mất 10.000 giờ thực hành trong một lĩnh vực cụ thể mới trở thành chuyên gia trong vấn đề hoặc kỹ năng đó. Thế nên, trước khi bạn tự cho mình là một chuyên gia về bất cứ điều gì trong hồ sơ xin việc làm, hãy dành một phút để xem xét liệu bạn có thực sự đạt đến trạng thái chuyên gia khi nói đến chủ đề cụ thể đó không. Hãy sử dụng các thuật ngữ chỉ mức độ trải nghiệm một cách khiêm tốn nếu bạn không có bằng chứng thuyết phục.

Sử dụng các ví dụ minh họa để hỗ trợ – Một khi bạn đã mô tả bản thân là người có ý tưởng, nhà tuyển dụng sẽ mong đợi bạn có thể đưa ra bằng chứng về lời khẳng định đó. Vì vậy, nếu bạn tập trung vào việc mô tả bản thân là một người sáng tạo, tốt hơn hết bạn nên có một số ví dụ về hoàn cảnh cụ thể khi bạn sử dụng sự sáng tạo ở nơi làm việc. Hãy làm cho khả năng sáng tạo của bạn trở nên hữu hình với nhà tuyển dụng và cho thấy các ý tưởng sáng tạo của bạn đã tạo ra sự khác biệt tích cực có lợi cho đội nhóm của mình.

Thể hiện bản thân đúng như mô tả – Hầu hết mọi người đều có khả năng tổ chức ở một mức độ nhất định để hoàn thành công việc của họ. Khi bạn thể hiện trong hồ sơ xin việc làm là bạn có khả năng tổ chức tốt, có phải là bạn kỳ vọng rằng bạn có thể tổ chức tốt hơn bất kỳ ứng viên nào khác?

Trước khi bạn mô tả bản thân là có tổ chức, hãy đảm bảo rằng bạn trình bày hồ sơ xin việc làm một cách hợp lý, gọn gàng và chính xác.

Không sử dụng các từ ngữ quá cường điệu – Bạn cực kỳ đam mê, nhiệt tình và siêng năng trong công việc của bạn? Nếu như vậy thì thật tốt. Nhưng sử dụng các từ này để định lượng mức độ phấn khích của bạn và mức độ bạn muốn có công việc này có thể không có lợi cho bạn. Sử dụng những từ như “cực kỳ” có thể khiến bạn trông có vẻ quá nhiệt tình, quá hào hứng.

Hãy để các thành tựu của bạn nói thay cho bạn – Hầu hết các nhà tuyển dụng tiềm năng đều có thể nhận ra hoài bão của bạn theo cách bạn mô tả bản thân trong hồ sơ xin việc làm và tại một cuộc phỏng vấn. Có hoài bão là một phẩm chất tuyệt vời, điều đó có nghĩa là bạn rất hào hứng phấn đấu để đạt được các thành tựu lớn.

Hãy để các thành tựu và thành công của bạn giải thích rõ cho hoài bão của bạn thay bạn. Bạn không cần phải nhắc nhở mọi người về việc bạn muốn thành công như thế nào và rằng bạn sẽ làm bất cứ điều gì để cạnh tranh. Bạn có thể vô tình thể hiện sự tự phụ hoặc quá tập trung vào việc hướng đến thành công của bản thân hơn là của đội nhóm và doanh nghiệp.

Thể hiện sự cẩn thận và biết kiềm chế – Các ứng viên trẻ tuổi có thể muốn thể hiện cá tính của họ. Họ là người mới ở nơi làm việc và mọi thứ đối với họ đều mới mẻ và thú vị. Lần đầu tiên gặp gỡ những người mới và trải nghiệm thế giới làm việc có thể rất vui và họ muốn nhà tuyển dụng biết họ sẽ phấn khích như thế nào khi làm việc và tạo ra các mối quan hệ trong văn phòng.

Hãy cẩn thận để không làm bản thân bạn trông giống như một người trẻ tuổi thiếu suy nghĩ và ham vui. Nếu bạn là người thân thiện và dễ gần thì điều đó sẽ thể hiện qua cách viết hồ sơ xin việc làm và khi tương tác với người phỏng vấn. Do vậy, bạn không cần phải nói ra điều này một cách trực tiếp.

Trung thực – Cách tồi tệ nhất để thể hiện bản thân trong hồ sơ xin việc làm là không phải mô tả chính bạn. Hãy trung thực, khiêm tốn và chính xác. Điều quan trọng là bạn phải mô tả các kỹ năng và đặc điểm tính cách tốt nhất của mình nhưng đừng tỏ ra khoe khoang về chúng.

Bạn đang tìm kiếm các tính từ tốt nhất để mô tả bản thân trong hồ sơ xin việc làm? Không cần phải tìm đâu xa. Hãy sử dụng danh sách các tính từ sau đây và ngừng bận tâm về cách làm thế nào để mô tả bản thân trong CV hoặc thư xin việc.

Những từ mô tả về bản thân bằng tiếng Anh và tiếng Việt trong CV

Có khả năng/ Có thể (Able) – Tôi có thể nói 4 ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Chăm chỉ (Hard working) – Tôi là một người chăm chỉ và tận tâm hoàn thành công việc.

Đáng tin cậy (Trustworthy) – Tôi thường được giao nhiệm vụ kiểm tra lại số tiền sau khi bán hàng để làm từ thiện.

Có động lực (Motivated)- Tôi có động lực làm việc vào cuối tuần để kịp hoàn thành công việc.

Kinh nghiệm (Experience)- Tôi có kinh nghiệm trong việc giải quyết các bất đồng ý kiến giữa các thành viên trong đội nhóm.

Linh hoạt (Flexible) – Tôi linh hoạt trong cách thức và thời gian làm việc, có thể làm việc vào buổi tối và cuối tuần.  

Có tổ chức (Organised) – Tôi đã tổ chức, sắp xếp phân chia công việc cho nhân viên trong 5 năm qua.

Hài hước (Humorous) – Hài hước là điều khiến tôi trở thành người được các đồng nghiệp yêu mến mặc dù trong công việc tôi rất nghiêm túc.

Đạt được (Achieved) – Tôi đã đạt được thành tích nhân viên xuất sắc trong 2 năm liên tiếp.

Quản lý (Managed) – Tôi đã quản lý một số dự án lớn cùng một lúc.

Đúng giờ (On time)- Bất cứ khi nào hẹn gặp với ai đó, tôi luôn đến đúng giờ.

Tiết kiệm (Savings) – Nhờ tiết kiệm, tôi có thể giảm được số lượng giấy in đáng kể cho phòng ban.

Giao tiếp rõ ràng (Articulate) – Tôi là một người giao tiếp rõ ràng trong mọi tình huống.

Mặc dù các từ trên có thể là những bổ sung tuyệt vời cho hồ sơ xin việc làm của bạn, nhưng cũng có một số từ khác mà bạn nên cẩn thận khi sử dụng.

Những từ miêu tả bản thân bằng tiếng Anh và tiếng Việt nên tránh trong CV

Sáng tạo (Think out of the box) – Tránh viết trong CV các kiểu câu như “Tôi đã quen với việc suy nghĩ sáng tạo”. Thay vào đó hãy cung cấp các ví dụ hấp dẫn về khả năng tư duy sáng tạo của bạn và nhấn mạnh vào lợi ích hoặc lợi thế mà sự sáng tạo đó mang lại cho công ty.

Tập trung vào chi tiết (Detail Oriented) – Ngay cả khi bạn xuất sắc về ngữ pháp hoặc văn phong, bạn vẫn có thể mắc lỗi trong hồ sơ xin việc làm. Trong khi một số nhà tuyển dụng có thể bỏ qua hoặc không chú ý đến một hoặc hai lỗi nhỏ thì việc sử dụng các cụm từ như “chú ý vào chi tiết” có thể dẫn đến nhiều rắc rối khác.

Hướng đến kết quả (Results – driven) – Tránh giới hạn bản thân bằng cách sử dụng những từ như vậy trong hồ sơ xin việc làm. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh cách bạn được thúc đẩy bởi mục đích phát triển cá nhân hoặc đội nhóm của công ty.

Đam mê (Passionate) – Nếu bạn không đam mê vị trí công việc này, có thể bạn sẽ không nộp hồ sơ ứng tuyển. Vì vậy, để nổi bật trong đám đông bạn nên áp dụng một chiến thuật mới.

Có tinh thần đồng đội (Team Player) – Bạn cần nhấn mạnh rằng bạn rất thích một môi trường làm việc hợp tác và thân thiện nhưng “có tinh thần đồng đội” không phải là điều bạn nên nói trong hồ sơ xin việc. Ngoài ra, hãy đưa vào các công việc mang lại lợi ích hấp dẫn cho công ty mà bạn và đồng nghiệp đã cùng nhau thực hiện.

Trên đây là một số lời khuyên về cách mô tả bản thân trong CV xin việc. Hi vọng những điều này sẽ truyền cảm hứng để bạn có thêm nhiều ý tưởng trong cách mô tả bản thân một cách thuyết phục và ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Đặng Hảo

Cẩm Nang Việc Làm

Filed Under: Cẩm nang việc làm Tagged With: ấn, bạn, cần, để, điều, nhỏ, tả, thân, trong, tượng

7 cụm từ làm hỏng đơn xin việc làm của bạn

20th December 2019 by admin

7-cum-tu-lam-hong-don-xin-viec-lam-cua-ban

Giống như một bản CV, viết đơn xin việc làm cũng là một trong những phần khó khăn nhất trong quá trình tìm kiếm việc làm. Nó không chỉ đòi hỏi sự chú ý nghiêm ngặt đến từng chi tiết mà còn tập trung vào việc “tiếp thị” bản thân một cách hiệu quả với những người bạn chưa từng gặp trước đây chỉ trong vài đoạn văn ngắn ngủi. Để giảm bớt áp lực và tiết kiệm thời gian, bạn có thể sẽ dựa vào một số cụm từ hoặc từ ngữ có thể dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ lá đơn nào khác, nhưng chúng lại là những điều mà nhà tuyển dụng “ngán ngẩm”. Nếu đơn xin việc làm của bạn có 7 cụm từ sau đây, đã đến lúc loại bỏ chúng và thay thế bằng những từ khác để tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng tiềm năng.   

“Tôi tên là…”

Theo định dạng chuẩn thì tên đầy đủ của bạn sẽ được đặt trong phần đầu và phần chữ ký của đơn xin việc làm. Thế nên, bạn không cần lặp lại trong nội dung chính. Thay vì bắt đầu thư bằng một lời giới thiệu không cần thiết, hãy đi thẳng vào phần cốt lõi về những gì bạn muốn trình bày. Điều này giúp bạn trông tự tin hơn và bạn cũng có nhiều không gian hơn để đưa vào các thông tin mà nhà tuyển dụng thực sự muốn đọc.

“Tôi viết thư này để xin ứng tuyển vào…”

Nếu bạn đang gửi thư xin việc, hiển nhiên rằng bạn đang muốn có một cơ hội việc làm. Thay vì sử dụng cụm từ cho thấy bạn có một chút khép nép này để đề cập đến vị trí ứng tuyển, hãy đặt tiêu đề công việc vào phần lập luận của bạn. Nên tránh viết “Tôi viết đơn này để ứng tuyển vào vị trí Quản lý chăm sóc khách hàng” như thường thấy ở các đơn xin việc mẫu, mà thay vào đó là “Năm năm kinh nghiệm làm nhân viên chăm sóc khách hàng, cùng với chứng nhận quản lý dự án có được giúp tôi tự tin ứng tuyển vào vai trò Quản lý chăm sóc khách hàng của quý công ty”.

“Tôi nghĩ…”

Khi bạn đang viết điều gì đó trong thư xin việc bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, rõ ràng đó là những gì bạn nghĩ. Thế nên cụm từ này không có bất cứ ý nghĩa nào ngoài việc làm giảm sức mạnh ngôn từ của bạn và cho thấy bạn đang thiếu tự tin – điều bạn không nên thể hiện với bất cứ nhà tuyển dụng nào.

“Như anh/chị có thể thấy trong CV của tôi…”

Nếu một số thông tin nhất định về bạn có sẵn trong CV thì bất cứ ai đã đọc qua sẽ biết điều đó, thế nên đây là cụm từ không nhất thiết phải có trong mẫu đơn xin việc viết tay hoặc đánh máy. Hơn nữa, nó còn mang một chút cảm giác rằng bạn đang tỏ ra là “kẻ bề trên”. Vì vậy, thay vì viết “Như anh/chị có thể thấy trong CV, tôi đã có 5 năm kinh nghiệm làm quản lý bán hàng”, thì chỉ cần nói “Tôi đã làm việc ở vị trí quản lý bán hàng trong 5 năm”. Điều này cung cấp cho bạn nhiều không gian hơn để chia sẻ các kỹ năng tuyệt vời bạn đã tích lũy được trong công việc. 

 “Suy nghĩ sáng tạo”

Thay vì sử dụng “sáo ngữ” này để mô tả về bản thân và không cung cấp bất cứ giá trị nào cho nhà tuyển dụng, hãy mô tả về những lần sáng tạo mà bạn đã thực hiện ở vị trí của mình. Đó có thể là các giải pháp hay, các sáng kiến mà bạn đã đưa ra và kết quả khả quan đạt được từ sự thay đổi. Đây là những điều mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn được nhìn thấy. 

“Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời”

Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời của bạn nên được thể hiện thông qua việc viết một lá thư xin việc nổi bật. Cụm từ này quá chung chung đến nỗi không ai có thể suy luận được bất cứ điều gì về bạn từ nó. Thay vì mô tả bản thân bạn là một người giao tiếp tuyệt vời – điều mà rất nhiều người sẽ nói về bản thân họ – hãy liệt kê các kỹ năng cụ thể mà bạn có được liên quan đến giao tiếp hiệu quả, nhất là khi chúng được đề cập trong mô tả công việc.

 “Hoàn toàn phù hợp”

Quy trình nộp hồ sơ xin việc và phỏng vấn là con đường hai chiều, nơi mà ứng viên và nhà tuyển dụng cùng tìm hiểu về nhau và quyết định lẫn nhau. Gửi đơn xin việc làm chỉ là bước tiếp cận đầu tiên về vai trò và bạn không biết liệu rằng công việc có phù hợp với bạn không và mức độ phù hợp như thế nào. Do đó, nếu cho rằng mình “hoàn toàn phù hợp” ngay từ khi mới viết thư xin việc thì có lẽ bạn đang quá khoa trương về bản thân, mà điều này không phải là phẩm chất nhà tuyển dụng yêu thích ở ứng viên. Thay vì cho rằng bản thân là sự phù hợp hoàn hảo cho vai trò, hãy mô tả về những trải nghiệm khiến bạn đủ điều kiện cho công việc và thể hiện sự quan tâm về cách bạn có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Pha Lê

Cẩm Nang Việc Làm

Filed Under: Cẩm nang việc làm Tagged With: bạn, CỦA, cụm, DỌN, hỏng, làm, TỬ, việc

7 yếu tố cần xem xét khi lựa chọn vị trí thực tập

1st October 2019 by admin

7-yeu-to-can-xem-xet-khi-lua-chon-vi-tri-thuc-tap

Là một sinh viên, trước khi tốt nghiệp đại học, bạn thường cần phải hoàn thành một chương trình thực tập. Đây là cách tuyệt vời để bạn có sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai bởi nó giúp bạn hiểu sâu hơn về con đường muốn hướng đến.

Lựa chọn một vị trí thực tập cũng quan trọng như công việc đầu tiên của bạn. Bạn cần tìm một công việc để được học hỏi nhiều nhất có thể về nghề nghiệp. Vậy, một chương trình thực tập thế nào là điều tốt nhất cho bạn? Để giúp bạn lựa chọn, dưới đây là một số yếu tố mà bạn nên xem xét.

Mức độ phù hợp với nghề nghiệp

Yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi chọn thực tập là nó sẽ ảnh hưởng đến bạn như thế nào khi bắt đầu tìm việc. Bạn nên chọn một kỳ thực tập, nơi mà sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm quý báu để giúp bạn nổi bật trong cuộc phỏng vấn xin việc đầu tiên. Đừng chỉ tìm kiếm một cơ hội thực tập nào đó chỉ vì mục đích muốn đáp ứng điều kiện tốt nghiệp. Có thể không dễ dàng để tìm một vị trí thực tập phù hợp nhưng những gì bạn nhận được sẽ rất đáng để nỗ lực.

Mở rộng mối quan hệ

Hãy tìm hiểu kỹ xem vị trị thực tập của bạn chủ yếu sẽ làm việc một mình, bị giới hạn ở một văn phòng duy nhất hay bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người khác nhau trong doanh nghiệp. Sẽ là tốt hơn nếu bạn có cơ hội được gặp gỡ mọi người ở các phòng ban khác, bởi nếu bạn tạo được ấn tượng tốt với họ, điều đó có thể giúp bạn có được một công việc toàn thời gian sau khi kết thúc đợt thực tập. Ngay cả khi bạn không được nhận công việc chính thức sau đó thì những người quen biết này cũng có thể giúp bạn nắm bắt các cơ hội khác trong lĩnh vực này.

 

Thư giới thiệu

Nếu đã thực hiện tốt kỳ thực tập thì liệu rằng bạn có thể có được thư giới thiệu của công ty hoặc nhờ giám sát trực tiếp làm người tham khảo? Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng trong tương lai biết được bạn đã thể hiện tốt như thế nào tại nơi làm việc trước đây và nâng cao cơ hội trúng tuyển. Do đó, nếu một chương trình thực tập không cung cấp điều này, bạn nên cân nhắc tìm kiếm một cơ hội khác.

Môi trường làm việc

Ngoài các yếu tố trên đây, bạn cũng đừng quên tìm hiểu về môi trường nơi bạn sẽ làm việc. Bạn có khả năng ở đó trong thời gian khá dài, vì vậy cần chắc rằng công ty có bầu không khí phù hợp với bạn. Hãy kiểm tra trang web của công ty, mạng xã hội và chú ý đến các dấu hiệu ở giai đoạn phỏng vấn để đảm bảo môi trường làm việc là điều bạn mong muốn.

Mức lương/ Chế độ đãi ngộ

Mặc dù thông thường các công ty sẽ không phải trả lương hoặc có các chế độ đãi ngộ cho thực tập sinh nhưng nếu có thì đây là điều rất tuyệt vời. Thay vì trả lương, một số công ty sẽ cung cấp cho bạn những kinh nghiệm quý giá hoặc cơ hội phát triển nghề nghiệp (chẳng hạn chịu trả phí để bạn tham dự các hội nghị chuyên ngành), tặng sách hoặc sản phẩm của công ty… Những ưu đãi này thường được liệt kê trong mô tả công việc thực tập nhưng nếu không có, đừng ngại hỏi trong quá trình phỏng vấn.

Cơ hội để chuyển sang một vị trí toàn thời gian

Có bao nhiêu thực tập sinh trước đây đã nhận được đề nghị làm việc khi kết thúc đợt thực tập của họ? Điều này cực kỳ quan trọng để tìm hiểu. Tất nhiên, một lời đề nghị làm việc chính thức sẽ phụ thuộc vào cách bạn thể hiện, nhưng biết rằng có cơ hội sẽ khiến bạn muốn đầu tư thời gian nhiều hơn.

Người hướng dẫn trực tiếp mà bạn có thể học hỏi
Khi đang tìm hiểu về những gì bạn muốn làm một cách chuyên nghiệp, điều quan trọng là phải có người hướng dẫn trực tiếp. Họ không chỉ giúp bạn khám phá ra công việc nào phù hợp với định hướng của bạn, giúp bạn liên kết được với nhiều người khác trong công ty và biết được những kinh nghiệm thực tế về ngành nghề với sự hiểu biết ở cấp độ chuyên gia, đồng thời chắn chắn rằng bạn không bị “bỏ rơi” và chỉ được làm việc lặt vặt không liên quan đến chuyên môn.

Có thể một số vấn đề sẽ được trả lời thông qua bản mô tả công việc, nhưng đôi khi chúng không xuất hiện. Nếu bạn có điều thắc mắc, hãy mạnh dạn trình bày. Thực tập là trải nghiệm đầy thú vị và biết được mình sắp trải qua điều gì thông qua việc tìm hiểu những điều đề cập là một trong những bước đầu tiên để đảm bảo rằng kỳ thực tập của bạn đem lại kết quả tốt nhất có thể.

                                                                                                          Pha Lê

Cẩm Nang Việc Làm

Filed Under: Cẩm nang việc làm Tagged With: “Vì, cần, chọn, lựa, tập, Thực, tố, trí, xét, yêu

  • 1
  • 2
  • 3
  • Next Page »

VIỆC LÀM MỚI

  • Nhu cầu nhân lực lớn ở 6 ngành công nghiệp tại TP.HCM
  • TUYỂN DỤNG KỸ SƯ KINH DOANH MẢNG TỰ ĐỘNG HÓA.
  • TP.HCM: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp điều chỉnh theo lương tối thiểu mới từ ngày 1.7
  • 4 năm tới, ngành dệt may – giày da tại TP.HCM cần gần nửa triệu lao động
  • Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam viết 'tâm thư' gửi Thủ tướng về tăng lương tối thiểu vùng




TÀI KHOẢN







Việc làm tốt nhất từ những nhà tuyển dụng hàng đầu

☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ

☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng

☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi

☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc

Tuyển dụng hiệu quả và nhanh chóng

☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng

☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại

☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng

☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn

  • NHÀ TUYỂN DỤNG
    • Cẩm nang tuyển dụng
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • NGƯỜI TÌM VIỆC (ỨNG VIÊN)
    • Cẩm nang tìm việc
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • THÔNG TIN CHUNG
    • Giới thiệu
    • Tin tức, sự kiện
    • Trợ giúp. hỏi đáp
    • Chính sách, quy định

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi

facebook
twitter
youtube
blogspot
pinterest

© Copyright 2023 · All Rights Reserved · Website Design By: WWW.TCTSHOP.VN