TÌM VIỆC LÀM

Việc làm
quản lý
Việc làm
chuyên môn
Lao động
phổ thông
Việc làm
bán thời gian
  • Trang chủ
  • Cẩm nang việc làm
  • Phỏng vấn việc làm
  • Tư vấn nghề nghiệp
  • Việc làm tổng hợp
  • Diễn đàn

9 điều nên nhớ nằm lòng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc

12th March 2020 by admin

9-dieu-nen-nho-nam-long-khi-lan-dau-di-phong-van-xin-viec

Lần đầu đi phỏng vấn xin việc có thể là một trải nghiệm khiến bạn căng thẳng và lo lắng đến tột độ. Bạn là một người mới, không có kinh nghiệm đáng kể nào ngoài một vài công việc thực tập có thể không liên quan nhiều đến công việc ứng tuyển. Tương tác trực tiếp với nhà tuyển dụng là cơ hội duy nhất của bạn để tạo ấn tượng lâu dài và giúp bạn có được công việc đầu tiên.

Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được điều này? Dưới đây là 9 lời khuyên sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt khi lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, hãy cùng tham khảo nhé.  

Tìm hiểu về công ty

Nghiên cứu là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần làm trước khi xuất hiện trong bất kỳ cuộc phỏng vấn xin việc nào. Hãy nghiên cứu kỹ về công ty mà bạn ứng tuyển để nắm vững những thông tin cơ bản như Nhiệm vụ của công ty là gì? Ai là nhân vật chủ chốt trong tổ chức? Ai sẽ phỏng vấn bạn? Công ty có tiếng tăm như thế nào? Có những tin tức mới nào về công ty gần đây? Những loại kỹ năng, kinh nghiệm hoặc kiến thức nào công ty đánh giá cao nhất ở nhân viên của mình? Công ty đang kinh doanh các sản phẩm hoặc dịch vụ nào? Văn hóa công ty ra sao?…

Các thông tin này có thể dễ dàng được tìm thấy trên phần “Giới thiệu” trên trang web của công ty hoặc các trang web tìm kiếm việc làm.

Bạn cũng có thể tìm kiếm tin tức trên Google để xem các hoạt động của công ty gần đây hoặc vào fanpage của công ty để xem nhân viên hiện tại và nhân viên cũ nói gì về công ty. Bạn càng biết nhiều, bạn càng chuẩn bị tốt hơn để trả lời các câu hỏi và giúp bạn trở thành ứng viên giàu tiềm năng.

Tìm hiểu về công việc

Ngoài việc nghiên cứu các thông tin về công ty, bạn cũng cần đi sâu vào công việc của chính mình. Một số điều cần nắm vững ở đây bao gồm Nhiệm vụ, trách nhiệm với vai trò là gì? Những kỹ năng hoặc kinh nghiệm nào bạn cần có? Mức lương và phúc lợi nào mà bạn sẽ được nhận? Các trang web tìm kiếm việc làm như CareerLink sẽ rất hữu ích để tham khảo mức lương phù hợp cho từng vị trí công việc khác nhau.

Chuẩn bị các câu hỏi và câu trả lời

Nếu việc trải nghiệm phần hỏi đáp với nhà tuyển dụng khiến bạn căng thẳng thì bạn không cô đơn. Các cuộc khảo sát cho thấy, 35% sinh viên mới tốt nghiệp cho biết câu hỏi mà họ sợ nhất là “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”. Ngoài ra, một số câu hỏi khác bạn nên chuẩn bị sẵn câu trả lời bao gồm Hãy nói một chút về bản thân bạn? Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới? Thử thách (hay thất bại) lớn nhất của bạn là gì? Điều gì khiến bạn tự hào nhất?…

Mặc dù nhà tuyển dụng sẽ thực hiện hầu hết các cuộc nói chuyện, nhưng bạn cũng có thể hỏi một số câu hỏi của riêng bạn để thể hiện sự chủ động và đảm bảo công việc phù hợp với bạn. Các cuộc phỏng vấn nên là con đường hai chiều và hoàn toàn ổn khi đặt câu hỏi một cách lịch sự.

Tùy thuộc vào mối quan hệ giữa bạn và người phỏng vấn mà bạn có thể đưa ra câu hỏi theo nhiều hướng khác nhau nhưng nhìn chung, bạn có thể hỏi những câu như Một ngày làm việc bình thường sẽ diễn ra như thế nào? Tại sao công ty lại cần vị trí này? Mục tiêu của công ty trong ngắn hạn và dài hạn là gì? Văn hóa công ty như thế nào? Người phỏng vấn thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?

Hãy cố gắng đưa ra từ 3 đến 5 câu hỏi. Điều này đủ để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty mà không khiến người phỏng vấn cảm thấy bị “tấn công” dồn dập.

Thực hành nhuần nhuyễn

Luyện tập trước sẽ giúp bạn bớt căng thẳng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Hãy nhờ bạn bè hoặc người thân giúp bạn thực hành từng bước của cuộc phỏng vấn, từ chào hỏi cho đến lúc kết thúc. Tập trả lời những câu hỏi một cách nhanh chóng và chính xác và nhờ họ đưa ra những lời góp ý để bạn có thể cải thiện.

Nếu bạn không thể nhờ ai giúp đỡ hoặc bạn cảm thấy ngại khi nhờ vả, hãy sử dụng webcam hoặc nhìn vào gương trong khi nói chuyện. Điều này có thể giúp bạn đánh giá được biểu cảm và giọng điệu của mình để có ý tưởng về cách mà người phỏng vấn có thể cảm nhận về bạn.

Mang theo tất cả các tài liệu cần thiết

Ngay cả khi bạn đã gửi CV, thư xin việc hay các tài liệu qua email thì bạn cũng cần mang theo bảo sao của chúng đến buổi phỏng vấn. Nếu có hơn một người phỏng vấn và họ không chưa có hồ sơ về bạn thì bạn có thể cung cấp ngay lập tức. Bên cạnh đó, đừng quên mang theo các bản gốc của bất kỳ chứng chỉ hoặc bằng cấp liên quan nào nhé.

Ăn mặc phù hợp

Buổi phỏng vấn xin việc không phải là thời gian để thử nghiệm một diện mạo mới. Ấn tượng đầu tiên về bạn sẽ khắc sâu trong tâm trí của nhà tuyển dụng. Do đó hãy trông thật gọn gàng và lịch sự khi đi phỏng vấn xin việc, cụ thể là chọn quần áo phù hợp với vai trò và công ty, thoải mái và vừa vặn, tránh các màu sắc sặc sỡ hay có nhiều hoa văn, chú ý kiểm tra các vết bẩn hoặc nếp nhăn; cắt tóc nếu cần thiết; sử dụng các phụ kiện (bao gồm trang sức, thắt lưng, đồng hồ và túi xách) đơn giản và ở mức tối thiểu.

Đến sớm là đúng giờ

Các cuộc phỏng vấn thường bắt đầu sau một vài phút so với lịch đã hẹn nhưng bạn nên có mặt trong phòng chờ trước đó khoảng 10 phút để tạo ấn tượng tuyệt vời. Hãy sắp xếp đến sớm để bạn có đủ thời gian làm quen với môi trường văn phòng và cảm thấy thoải mái hơn.

Lịch sự nhất có thể

Đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, hãy nhớ để tâm đến cách cư xử của bạn trong suốt cuộc phỏng vấn. Hãy tắt điện thoại di động hoặc để chế độ im lặng; chào người phỏng vấn bằng một cái bắt tay chắc chắn và một nụ cười; tích cực lắng nghe khi người phỏng vấn lên tiếng và không ngắt lời họ; giao tiếp bằng mắt và bình tĩnh; cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian và cơ hội gặp gỡ…

Hãy là chính mình

Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng bạn nên là chính mình trong cuộc phỏng vấn xin việc làm. Điều này không có nghĩa là bạn nên hành động tự nhiên như với bạn bè của mình trong các cuộc vui chơi mà bạn cần chân thành và trung thực. Nếu bạn cố gắng trở thành một ai khác thì điều này sẽ không giúp ích cho bạn trong suốt cuộc phỏng vấn và có thể phản tác dụng bởi nó mang lại cho bạn một công việc không phù hợp.

Do đó, hãy trung thực trong câu trả lời của bạn, thực sự nghĩ về điểm yếu và điểm mạnh khi được hỏi và đừng sợ thể hiện tính cách thật của mình. Buổi phỏng vấn là cơ hội để xem bạn có làm việc tốt trong công ty hay không và cố gắng trở thành một ai khác không mang lại cho bạn hay công ty bất kỳ lợi ích nào. Thêm vào đó, việc là chính mình cho thấy bạn rất tự tin và đó là một điểm cộng lớn trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.

Có rất nhiều thứ bạn cần phải thực hiện để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc nhưng đưa những lời khuyên này vào hành động có thể giúp nâng cao cơ hội đạt được công việc mơ ước. Hãy nhớ rằng, cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên của bạn là một sự đánh dấu bạn bước vào con đường sự nghiệp và bạn càng chuẩn bị tốt, bạn càng trở nên thoải mái và chuyên nghiệp hơn. 

Huỳnh Trâm

Phỏng vấn việc làm

Filed Under: Phỏng vấn việc làm Tagged With: DẦU, điều, lần, lòng, năm, nên, nhỏ, phỏng, vấn, việc

7 điều nhỏ có thể tạo ra tác động lớn cho buổi phỏng vấn

17th September 2019 by admin

7-dieu-nho-co-the-tao-ra-tac-dong-lon-cho-buoi-phong-van

Bạn sắp có một cuộc phỏng vấn việc làm. Bạn đã dành thời gian để chuẩn bị những điều rất quan trọng như chọn trang phục phù hợp, nghiên cứu về công ty, liên hệ để có được các thông tin cần thiết… Tuy nhiên có những việc rất nhỏ bạn có thể làm trong ngày hoặc thậm chí vài phút trước khi bước vào cuộc gặp gỡ để tạo được tác động tích cực, hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé. 

Suy nghĩ tích cực

Ngay cả những người tự tin nhất cũng cảm thấy lo lắng và nghi ngờ về bản thân trước khi bước vào phòng phỏng vấn. Điều này rất tự nhiên bởi bạn sắp ngồi trên “ghế nóng” trong ít nhất 30 phút và kết quả có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn. Vấn đề là cảm giác nghi ngờ này có thể khiến bạn mất kiểm soát.

Để tránh điều này, hãy lập một danh sách nhỏ nhưng đầy đủ các lí do vì sao bạn là ứng viên lý tưởng trên giấy hoặc điện thoại và nhìn vào đó trước khi bạn bước vào phòng. Đây là cuộc nói chuyện mà bạn phải xuất hiện với sự tự tin cao nhất. Do đó, hãy tập trung vào những điểm tích cực, xóa bỏ các nghi ngờ và nhớ rằng: Bạn ở đây vì nhà tuyển dụng muốn nói chuyện với bạn.

Kiểm tra hơi thở

Hơi thở của bạn có thể có tác động rất lớn đến ấn tượng đầu tiên, ngay cả khi đó là do việc uống quá nhiều cà phê hoặc ăn một món gì đó có mùi quá nặng. Điều này có thể gây khó chịu và khiến bạn luôn được nhớ đến vì những điều tiêu cực. Tốt nhất là nên nhai kẹo bạc hà hoặc kẹo cao su để có hơi thở thơm mát, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không nhai kẹo trong quá trình phỏng vấn nhé.

Cập nhật các tin tức mới nhất

Bạn rất có thể có một chiếc điện thoại thông minh, vì vậy hãy sử dụng nó. Trong khi bạn đang ở trong phòng chờ, hãy lướt qua các tiêu đề tin tức. Chuyện gì đang xảy ra trên thế giới? Có điều gì có thể có tác động đến công ty mà bạn sắp phỏng vấn không?

Ngay cả khi không có, việc cập nhật các tin tức mới nhất cũng cho thấy bạn kiểm soát được tình huống. Nhà tuyển dụng có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng một vài câu chuyện về điều gì đó đang còn “nóng hổi” trên các mặt báo và nếu bạn không biết gì về nó, bạn sẽ trở nên khó xử. Bạn không cần phải là một chuyên gia nhưng cần biết một chút, điều đó sẽ có lợi cho bạn. 

Đọc qua CV một lần nữa

Có thể bạn đã biết rõ CV của mình như lòng bàn tay nhưng cũng nên nhìn lướt qua trước khi bạn vào phòng phỏng vấn. Hãy kiểm tra các chi tiết một lần nữa, chọn ra những điều bạn cảm thấy tự hào nhất và tập trung vào những điều đó trong cuộc phỏng vấn. Nếu có thể, hãy in thêm CV của bạn và sẵn sàng cung cấp cho cả người phỏng vấn và bất kỳ người nào khác mà họ đã mời đến trong cuộc gặp gỡ.

Đọc lại thông tin đăng tuyển

Bạn đã nộp hồ sơ ứng tuyển và sắp bước vào phòng phỏng vấn, vậy thì bạn cần đọc lại thông tin đăng tuyển để làm gì? Điều quan trọng mà bạn không nên làm là trông giống như người không có sự chuẩn bị. Có thể vài ngày, thậm chí vài tuần kể từ lần cuối bạn đọc bản mô tả công việc và bạn không nên để bất kỳ câu hỏi nào làm bạn ngạc nhiên. Cụ thể, hãy nhìn vào các kỹ năng hoặc nhiệm vụ cần thiết trong vai trò mà bạn ứng tuyển, chọn ra những điều phù hợp nhất với kỹ năng của bạn và đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn.

Đi sớm để đảm bảo đúng giờ

Lập kế hoạch tuyến đường chính để đi đến nơi phỏng vấn và các tuyến đường thay thế đề phòng trường hợp có điều gì đó xảy ra. Hầu hết các hệ thống GPS sẽ cung cấp cho bạn các tuyến đường vòng thay thế nếu bạn gặp sự cố bất ngờ, nhưng chúng có thể là một cơn ác mộng, nếu con đường đó quá xa trong khi bạn không có nhiều thời gian.

Vì vậy, hãy xem xét mất bao lâu để đi đến nơi phỏng vấn nhằm đảm bảo bạn sẽ đến đúng giờ. Bạn không nên đến nơi với sự vội vã cùng khuôn mặt hốt hoảng, đầy mồ hôi bởi điều này sẽ cho thấy bạn không có khả năng sắp xếp. Tốt hơn là đến sớm 15 phút hơn so với giờ hẹn.

Chuẩn bị các câu hỏi

Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ ở đó để trả lời câu hỏi mà còn để hỏi nhà tuyển dụng. Trên thực tế, một số người phỏng vấn chú trọng nhiều hơn vào các câu hỏi của bạn hơn là cách bạn trả lời những câu hỏi mà họ đặt ra. Nếu bạn có các câu hỏi thông minh thì sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sự nghiên cứu, nhiệt tình với công việc và muốn được có nhiều thông tin trước khi ra quyết định. Hơn nữa, hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ hỏi liệu bạn có câu hỏi nào không vào cuối buổi phỏng vấn, và nếu bạn trông có vẻ ấp úng, đồng nghĩa với việc bạn tự loại mình khỏi “cuộc đua” ngay khoảnh khắc đó.

Huỳnh Trâm

Phỏng vấn việc làm

Filed Under: Phỏng vấn việc làm Tagged With: buổi, điều, động, lớn, nhỏ, phỏng, tác, tạo, thể, vấn

5 cách trả lời cho câu hỏi “Vì sao bạn nghỉ việc?”

1st September 2019 by admin

vi-sao-ban-nghi-viec

“Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?” là điều mà các nhà tuyển dụng thường đặt ra cho các ứng viên trong khi phỏng vấn. Việc họ tò mò về lý do vì sao một người từ bỏ công việc hiện tại và muốn đảm nhiệm một vai trò mới ở công ty họ là điều dễ hiểu bởi họ muốn đảm bảo rằng bạn sẽ không mang lại rắc rối cho công ty của họ.

Khi câu hỏi này được đặt ra, đừng bắt đầu nói về các điều kiện làm việc tồi tệ, đối xử không công bằng hay những điều tương tự. Mặc dù điều này có thể là lí do nhưng bạn cần đưa ra câu trả lời một cách chuyên nghiệp. Dưới đây là một vài câu trả lời gợi ý mà bạn có thể tham khảo và linh hoạt thay đổi cho phù hợp với tình huống của bạn.

Một mối quan hệ xấu với cấp trên

Sếp của bạn cũng là con người và không có người nào là hoàn hảo cả. Nhiều cuộc khảo sát kết luận rằng nhân viên không rời bỏ công ty mà là người quản lý. Nếu bạn nghỉ việc vì sếp, bạn có thể nói: “Gần đây tôi đã nhận ra rằng định hướng mà cấp trên của tôi đang đi khác với con đường tôi muốn hướng đến. Điều này đã gây khó khăn cho tôi khi tiếp tục hợp tác với người quản lý. Do đó, tôi muốn tìm kiếm một công việc khác phù hợp mà ở đó tôi dễ dàng làm việc hiệu quả hơn, mang lại năng suất cho công ty cũng như ý nghĩa cho sự nghiệp của chính mình.”

Công việc quá tải

Số lượng công việc bạn làm rất quan trọng. Nếu quá nhiều, nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống cá nhân của bạn. Bạn có thể không có thời gian dành cho gia đình hoặc bạn bè trong khi đây là một phần quan trọng đối với bạn.

Nếu bạn nghỉ việc vì lịch làm việc không có lợi cho bạn, bạn có thể trả lời: “Mặc dù tôi rất yêu thích công việc của mình nhưng do khối lượng công việc tăng lên không ngừng nên tôi đã gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Một sự cân bằng tốt sẽ giúp tôi đạt được hiệu quả hơn trong công việc và thoải mái hơn trong cuộc sống. Tôi tin rằng công việc này sẽ giúp tôi có được sự cân bằng phù hợp.”

Tìm kiếm một mức lương cao hơn

Tiền lương của bạn sẽ phản ánh loại công việc bạn làm và các kỹ năng bạn có. Trong một số trường hợp, cùng với tiền lương, công ty còn có các phúc lợi khác. Nếu bạn không thoải mái với mức lương hiện tại của mình, điều đầu tiên cần làm là nói chuyện với sếp của bạn. Nếu không có giải pháp nào sau đó thì bạn sẽ không bị “trách móc” vì tìm cách thay đổi công việc.

Trong tình huống này, bạn có thể nói: “Tôi đã có những tiến bộ đáng kể trong công việc và học được các kỹ năng mới. Nhờ điều này tôi đã có được các biện pháp giúp tiết kiệm một phần chi phí trong hoạt động của phòng ban. Tôi cảm thấy rằng kiến thức và kỹ năng của mình có thể được đánh giá cao hơn so với hiện tại. Tôi tin rằng công việc này sẽ cho tôi mức lương phản ánh đúng chuyên môn và nỗ lực của tôi.”

Thay đổi chỗ ở

Làm việc gần nhà mang lại cho bạn khá nhiều lợi ích như không phải vội vã chen lấn giữa dòng xe cộ đông đúc để kịp giờ làm vào buổi sáng. Nếu bạn đang chuyển đến một khu vực khác quá xa nơi làm việc, thì rất có thể bạn sẽ cần phải thay đổi công việc và bạn có thể nói: “Gia đình tôi đã chuyển chỗ ở và điều đó khiến con đường đi làm của tôi khá xa và tôi mất nhiều thời gian để di chuyển. Mặc dù rất yêu thích công việc nhưng tôi phải tìm một vị trí khác để tránh đi làm muộn và trở về nhà trong thời gian tốt nhất. Tôi hi vọng sẽ đạt được điều đó với công việc này.”

Công việc không còn tính thử thách

Một công việc tuyệt vời nên mang đến cho bạn cơ hội phát triển tốt nhất thông qua các thách thức. Nếu bạn không gặp thử thách trong công việc, bạn sẽ không thể phát triển. Khi đưa ra lý do này, hãy cho thấy bạn có tham vọng và định hướng mục tiêu công việc như thế nào. Cụ thể, “Tôi đã làm công việc hiện tại trong 5 năm và đã hiểu mọi thứ về nó. Điều này làm cho công việc của tôi ít thú vị hơn. Tôi đã đăng ký một khóa học nâng cao mà tôi sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Xem xét mô tả công việc được đề cập trong tin đăng tuyển, tôi tin rằng công ty của bạn sẽ cung cấp cho tôi một cơ hội phát triển tốt hơn.”

Bạn cần lưu ý những gì?

Khi trả lời câu hỏi “Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?” của nhà tuyển dụng, bạn cần lưu ý một số điều cần tránh như sau:

Không than phiền về đồng nghiệp/sếp/công ty cũ

Điều này chỉ biến bạn thành kẻ hay tám chuyện và chuyên gây rắc rối. Mặt khác, người phỏng vấn không thích nghe những lời nói xấu của bạn về công ty hiện tại. Họ sẽ nghĩ, nếu bạn nói xấu công ty hiện tại, bạn cũng có thể nói xấu công ty của họ trong tương lai.

Đừng than phiền về tài chính công ty không ổn định, chậm lương bởi điều này sẽ khiến người phỏng vấn nghi ngờ về lòng trung thành của bạn với công ty.

Không nên trả lời rằng bạn nghỉ việc vì “lý do cá nhân”

Đây là một câu trả lời rất chung chung và thiếu thông tin cho nhà tuyển dụng, vì vậy, có thể họ sẽ không hài lòng. Thay vào đó, bạn nên nói chuyện càng chân thật càng tốt để tạo sự tin tưởng cho nhà tuyển dụng nhưng nhớ lưu ý 2 điều trên.

Nghe có vẻ đáng sợ nhưng nếu nhìn vào một khía cạnh khác thì câu hỏi về lí do nghỉ việc là cơ hội để bạn tạo được sự khác biệt và quảng bá bản thân với nhà tuyển dụng. Mong rằng với những cách gợi ý trên đây bạn sẽ có được ý tưởng để tạo ra câu trả lời thuyết phục nhất cho mình. 

Mai Hương          

Phỏng vấn việc làm

Filed Under: Phỏng vấn việc làm Tagged With: “Vì, bạn, cách, câu, hỏi, lợi, nghỉ, trả, việc

7 việc làm của ứng viên khiến nhà tuyển dụng khó chịu

28th August 2019 by admin

7-viec-lam-cua-ung-vien-khien-nha-tuyen-dung-kho-chiu

Bạn đã cố gắng để có được cuộc phỏng vấn việc làm và tất cả những gì đang “ngăn cách” bạn với công việc mơ ước là nhà tuyển dụng. Nhưng thuyết phục được họ có thể là điều nói dễ hơn làm.

Vậy điều gì khiến họ sẽ thích bạn? Một điều bạn có thể làm là tránh gây phiền hà cho họ bằng cách không làm một trong 7 điều sau đây.  

Không biết về công ty hoặc sản phẩm

Không có điều gì khiến nhà dụng “ghét” nhiều hơn là lãng phí thời gian và bạn chắc chắn sẽ bị coi là lãng phí thời gian của họ nếu bạn không hiểu về công ty hoặc sản phẩm. Điều này cho thấy rằng bạn không thực hiện các nghiên cứu để có được các thông tin cơ bản mà bạn cần cho buổi phỏng vấn. Có vẻ bạn không có bất kỳ đam mê hay hứng thú nào với công ty và đây là một trong những điều khó chịu nhất của bất kỳ nhà tuyển dụng nào.

Không tuân theo các hướng dẫn cơ bản

Đây là điều mà mọi nhà quản lý tuyển dụng đều đề cập. Nếu thông tin đăng tuyển đã nói rõ rằng “Gửi CV, thư xin việc qua email và không liên lạc qua điện thoại” thì hãy tưởng tượng họ sẽ khó chịu như thế nào nếu bạn không đính kèm thư xin việc hoặc liên tục gọi điện để được gặp. Hãy thực hiện theo các hướng dẫn, điều này không chỉ thể hiện bạn đã đọc kỹ thông tin tuyển dụng mà còn cho thấy bạn không gặp khó khăn khi làm theo các hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng cảm thấy rất khó chịu khi các ứng viên nộp hồ sơ vào các vị trí mà họ không có đủ điều kiện cần thiết. Bạn có thể có được công việc nếu bạn thiếu một yếu tố nhưng nếu bạn không đáp ứng hầu hết các yêu cầu mà họ mong muốn thì tốt nhất là đừng ứng tuyển.

Viết sai tên công ty trong hồ sơ ứng tuyển

Nếu bạn đang gửi hồ sơ xin việc của mình đến nhiều nơi, bạn có thể vô tình sao chép nhầm và viết sai tên công ty. Chắc chắn điều này sẽ khiến CV của bạn nhanh chóng bị bỏ qua mà không cần xét đến khả năng cũng như kinh nghiệm của bạn.

biểu hiện gây mất điểm nhà tuyển dụng

Không bao gồm các liên kết để dễ dàng tham khảo

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những chi tiết nhỏ giúp quá trình tuyển nhân viên mới của họ trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn đề cập đến các bài viết của bạn trên các trang web hoặc hồ sơ trên các mạng xã hội của bạn, hãy giúp nhà tuyển dụng dễ dàng xem được chúng. Họ muốn biết thêm thông tin về bạn và những gì bạn có thể làm nhưng họ sẽ không dành thời gian để “đào sâu” hơn nếu bạn không liệt kê rõ địa chỉ trong hồ sơ.

Không thể hiện sự quan tâm sau phỏng vấn

Đây có vẻ là một việc làm cần thiết, nhưng nhiều người không thể hiện bất cứ thái độ nào sau phỏng vấn. Ít nhất, bạn nên gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian đọc hồ sơ và cho bạn có cơ hội được thể hiện bản thân mình.

Không hỏi những câu hỏi liên quan

Không hỏi bất kỳ câu hỏi nào là một điều rất nguy hiểm cho ứng viên khi phỏng vấn, nhưng nếu bạn đưa ra câu hỏi mơ hồ, chung chung cũng mang lại kết quả xấu không kém. Điều này cho thấy bạn chưa dành thời gian để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và công việc này dường như không quan trọng đối với bạn. Các câu hỏi chung chung thể hiện rằng bạn không nhiệt tình với công việc mà bạn chỉ muốn có một việc làm giống với mọi người. Điều này gây khó chịu cho các nhà tuyển dụng – những người đang tìm kiếm các ứng viên có sự chuẩn bị tốt và hào hứng với vai trò mà họ ứng tuyển.

Tập trung quá nhiều vào các phúc lợi

Tìm hiểu về các phúc lợi là điều hoàn toàn cần thiết trong quá trình ứng tuyển bởi vì bạn đang tìm kiếm điều gì đó tốt hơn. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung hỏi về những điều bạn sẽ được hưởng là một hành động phản cảm. Không nhà tuyển dụng nào đánh giá cao ứng viên chăm chăm nghĩ về lợi ích của bản thân mà không cho thấy họ sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Do đó, nếu bước vào cuộc phỏng vấn và đưa ra các câu hỏi về  phúc lợi, bạn chắc chắn sẽ không giành được một điểm sáng nào. Thay vì vậy, hãy tập trung vào việc trả lời phỏng vấn trước và bày tỏ các thắc mắc về phúc lợi khi đã nhận được thư mời nhận việc. Bạn cũng sẽ có ưu thế trong việc thương lượng khi biết rằng nhà tuyển dụng đã “ưng ý” về bạn.

Hãy nhớ rằng, nhà tuyển dụng cũng giống như những người khác: họ bận rộn, họ có các deadline và họ sẽ không lãng phí thời gian của họ cho những người làm phiền họ. Do đó, hãy làm mọi thứ bạn có thể để giúp cho công việc của họ dễ dàng hơn và bạn sẽ có nhiều cơ hội nhận được cuộc phỏng vấn thứ 2 hoặc các tin tức tốt nhất từ họ.

Huỳnh Trâm

Phỏng vấn việc làm

Filed Under: Phỏng vấn việc làm Tagged With: chịu, CỦA, dụng, khiến, khó, làm, Nhà, Tuyển, ứng, việc, viên

6 lí do bạn nên đặt câu hỏi trong mọi cuộc phỏng vấn

3rd August 2019 by admin

6-li-do-ban-nen-dat-cau-hoi-trong-moi-cuoc-phong-van

Khi nói đến bí quyết thành công trong cuộc phỏng vấn việc làm, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến cách làm thế nào để trả lời các câu hỏi khác nhau mà nhà tuyển dụng đưa ra cho họ. Nhưng trả lời các câu hỏi chỉ là một nửa của “phương trình hai chiều” giữa bạn và nhà tuyển dụng. Lời khuyên quan trọng nhất mà các chuyên gia nhân sự đưa ra về cách để thành công trong cuộc phỏng vấn là phỏng vấn nhà tuyển dụng nhiều như họ đang phỏng vấn bạn. Và cách để thực hiện điều đó là hỏi những câu hỏi thông minh, có liên quan trong suốt cuộc trao đổi.

Dưới đây là lý do tại sao đặt câu hỏi hay trong một cuộc phỏng vấn rất quan trọng đối với bạn, hãy cùng tham khảo nhé.

Thể hiện sự quan tâm của bạn đối với vai trò

Một trong những chìa khóa để thực hiện tốt trong buổi phỏng vấn là thể hiện sự quan tâm đến công việc đúng mức, không quá nhiệt tình cũng không tỏ ra quá thờ ơ. Không nhà tuyển dụng nào muốn chọn một ứng viên trông quá “dữ dội”, khao khát một công việc đến mức sẵn sàng làm bất cứ việc gì và cũng không ai muốn thuê một người không quan tâm đến công việc. Đặt những câu hỏi hay cho người phỏng vấn thấy rằng bạn quan tâm đến vị trí đó và đã tìm hiểu thông tin ở tất cả các nguồn mà bạn có thể tìm thấy.

Cho thấy bạn là người thông minh

Nếu bạn có hứng thú thực sự với công việc và đặt các câu hỏi hay, được nghiên cứu kỹ lưỡng thì điều này sẽ cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn là người thông minh. Thông minh là một đặc điểm quan trọng đối với bất cứ vị trí công việc nào. Để một tổ chức có thể phát triển mạnh mẽ thì rất cần những người có thể thực hiện nhiệm vụ, chính sách và quy trình của tổ chức và ứng phó khéo léo với bất kỳ tình huống nào xảy ra.

câu hỏi trong cuộc phỏng vấn

Thể hiện kỹ năng tự nhận thức và giao tiếp của bạn

Trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ không chỉ đánh giá bạn qua những lời bạn nói mà họ còn cân nhắc hành vi của bạn để xem bạn có đáp ứng các yêu cầu về một ứng viên lý tưởng hay không. Bạn có tự tin không? Bạn có nhiệt tình không? Bạn có giao tiếp tốt không? Các câu hỏi bạn đặt ra trong buổi phỏng vấn là những dấu hiệu tốt cho thấy bạn sở hữu kỹ năng giao tiếp và sự tự nhận thức bản thân mà nhà tuyển dụng muốn thấy ở các ứng viên. Việc chỉ trả lời các câu hỏi mà họ đặt ra sẽ không thể hiện hết các ưu điểm bạn có và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ hội của bạn, nhất là khi bạn đang cạnh tranh với các ứng viên có kỹ năng tốt hơn.

Tìm hiểu thêm về vị trí ứng tuyển

Tìm một công việc phù hợp là điều quan trọng và bạn cần biết chính xác về vị trí ứng tuyển trước khi cam kết nhận việc. Chúng ta không có khả năng hiểu hết suy nghĩ và cảm xúc của người khác, vì vậy cách duy nhất để có được sự hiểu biết để đưa ra quyết định cuối cùng là đặt các câu hỏi hay. Mặc dù bạn có thể không biết chính xác công việc sẽ như thế nào cho đến khi bạn thực sự bắt tay vào nhưng bạn sẽ có được vài manh mối trong quá trình phỏng vấn, điều này sẽ giúp bạn dự đoán tốt hơn về tương lai.

Khiến người phỏng vấn cảm thấy được tôn trọng

Đặt câu hỏi hay và thể hiện sự tương tác qua lại trong buổi phỏng vấn khiến nhà tuyển dụng cảm thấy được đánh giá cao, điều này rất quan trọng để thiết lập mối quan hệ, bất kể người đó có thể nắm giữ bao nhiêu quyền lực trong tay. Cho dù đó là một trợ lý hoặc CEO thì họ đều cần cảm thấy mình có giá trị và một trong những cách tốt nhất để làm điều đó là thể hiện sự tò mò và quan tâm thực sự trong buổi phỏng vấn.

Bằng cách làm cho người phỏng vấn có cơ hội chứng minh giá trị của họ như dạy cho bạn một điều gì đó, cung cấp cho bạn một thông tin quan trọng hoặc thể hiện thành tích của họ, bạn sẽ cho thấy được mình là một người xứng đáng để nói chuyện cùng và biết quan tâm đến người khác. Mọi người đều thích nói về bản thân, vì vậy hãy cho họ cơ hội được làm điều đó. Lắng nghe họ trong cuộc phỏng vấn sẽ có lợi cho bạn nhiều hơn là khiến họ chỉ lắng nghe bạn.

Giúp cuộc phỏng vấn diễn ra tự nhiên

Có lẽ sẽ không ai thích một cuộc trò chuyện nhạt nhẽo, thiếu tự nhiên và nhà tuyển dụng cũng vậy. Bạn cần làm cho họ nhớ đến bạn như một người khiến cho cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng, một người mà họ cảm thấy thoải mái khi ở cùng. Đây là điều quan trọng, bởi vì sau cuộc phỏng vấn, họ có thể không nhớ những gì bạn nói nhưng họ sẽ nhớ bạn đã khiến họ có cảm giác như thế nào.

Nếu bạn không nghĩ ra những câu hỏi hay để hỏi người phỏng vấn khi chuẩn bị phỏng vấn, thì bạn đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để định vị mình là ứng viên mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Do đó, hãy tìm hiểu và tự trang bị cho mình những câu hỏi thông minh, hữu ích và xem qua chúng trước khi phỏng vấn để chắc chắn bạn không quên bất cứ điều gì. Điều này sẽ giúp bạn nổi bật so với các ứng viên còn lại và nâng cao khả năng được tuyển dụng.

Huỳnh Trâm

Phỏng vấn việc làm

Filed Under: Phỏng vấn việc làm Tagged With: bạn, câu, cuộc, đặt, hỏi, mọi, nên, phỏng, trong, vấn

  • 1
  • 2
  • Next Page »

VIỆC LÀM MỚI

  • Nhu cầu nhân lực lớn ở 6 ngành công nghiệp tại TP.HCM
  • TUYỂN DỤNG KỸ SƯ KINH DOANH MẢNG TỰ ĐỘNG HÓA.
  • TP.HCM: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp điều chỉnh theo lương tối thiểu mới từ ngày 1.7
  • 4 năm tới, ngành dệt may – giày da tại TP.HCM cần gần nửa triệu lao động
  • Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam viết 'tâm thư' gửi Thủ tướng về tăng lương tối thiểu vùng




TÀI KHOẢN







Việc làm tốt nhất từ những nhà tuyển dụng hàng đầu

☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ

☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng

☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi

☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc

Tuyển dụng hiệu quả và nhanh chóng

☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng

☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại

☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng

☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn

  • NHÀ TUYỂN DỤNG
    • Cẩm nang tuyển dụng
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • NGƯỜI TÌM VIỆC (ỨNG VIÊN)
    • Cẩm nang tìm việc
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • THÔNG TIN CHUNG
    • Giới thiệu
    • Tin tức, sự kiện
    • Trợ giúp. hỏi đáp
    • Chính sách, quy định

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi

facebook
twitter
youtube
blogspot
pinterest

© Copyright 2023 · All Rights Reserved · Website Design By: WWW.TCTSHOP.VN