Quyết định thay đổi cuộc đời
Anh Trịnh Ngọc Tuyên (32 tuổi, ngụ tại TP Hà Nội) từng là tài xế xe ôm công nghệ từ năm 2015. Mặc dù thời điểm đó, công việc cho anh thu nhập cao gấp 5 lần lương cử nhân mới ra trường nhưng anh vẫn quyết định bỏ việc sau 3 năm theo đuổi.
8 năm trước, anh Tuyên khởi nghiệp thất bại, ôm một khoản nợ khá lớn. Cầm tấm bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin và tài chính – ngân hàng, anh Tuyên thử đi xin việc nhưng mức lương của sinh viên mới ra trường chỉ vỏn vẹn 4-5 triệu đồng.
Số tiền này không đủ để Tuyên vừa lo cho chi phí sinh hoạt và trả nợ hằng tháng. Vì vậy, anh đã đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ.
Thời điểm đó, nếu làm việc cả tuần không nghỉ ngày nào, anh Tuyên có thể kiếm được 20-25 triệu đồng/tháng. Vậy nên chỉ sau 2 năm, anh đã có thể trả hết số nợ.
Thấy thu nhập cao, bản thân lại chưa có kỹ năng, kinh nghiệm, chưa thể quay về với công việc cũ, anh nấn ná chạy xe thêm 1 năm.
“Trả hết nợ rồi, tôi thấy thoải mái. Công việc chạy xe linh hoạt, tiền kiếm được hằng tháng cũng rất dư dả. Nhưng rồi tôi nhìn sang bạn bè, mỗi người đã đạt được những thành tựu khác trong cuộc sống, còn tôi chẳng có gì ngoài khoản thu nhập phải “cày bục mặt” ngày đêm mới có được. Tôi tự thấy xấu hổ”, anh Tuyên bộc bạch.
Không lâu sau, ngày càng có nhiều sinh viên đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ, thu nhập của Tuyên giảm 30% so với trước. Lúc này, anh Tuyên mới nhận ra rằng càng về sau, sức cạnh tranh sẽ tăng dần. Anh sẽ phải tăng năng suất lao động nếu muốn giữ thu nhập như cũ.
Điều này có thể khiến sức khỏe tài xế sụt giảm nghiêm trọng vì phải làm việc 11-12 giờ/ngày trên đường phố. Hôm nào không may bị ốm, anh Tuyên đứt luôn nguồn thu nhập vì không chạy xe được.
“Tôi chợt tỉnh ra, quyết định dừng chạy xe, tìm lại tấm bằng đại học để đi xin việc đúng chuyên ngành mình được học, đào tạo”, anh Tuyên cho hay.
Phải học cách thích nghi, chịu đựng
Cầm tấm bằng trên tay, anh Tuyên ứng tuyển vào một công ty với vị trí học việc trong 3 tháng, được trả mức lương chỉ 2,3 triệu đồng/tháng.
Kết thúc 3 tháng học việc, anh Tuyên được nhận vào làm chính thức, được tăng lương lên mức 6 triệu đồng/tháng. Lúc ấy, nghề lái xe ôm công nghệ đối với Tuyên vẫn là công việc phụ. Anh tranh thủ chạy xe mỗi buổi tối hoặc cuối tuần để đảm bảo đủ chi phí sinh hoạt.
Sau 5 năm nỗ lực, anh Tuyên có những bước thăng tiến trong công việc, trở thành trưởng nhóm. Giờ đây, thu nhập mỗi tháng của anh cao hơn việc chạy xe trước đây và còn được hưởng nhiều chế độ phúc lợi từ công ty.
Để có được thu nhập đó, anh chỉ cần làm việc 8 giờ/ngày, 21 ngày/tháng mà không cần phải “cày cuốc” không ngừng nghỉ, chịu cảnh dãi nắng, dầm mưa mỗi ngày.
Ngoài ra, chàng trai cũng có nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe, tìm tòi những kiến thức, kỹ năng mới. Công việc làm trong môi trường doanh nghiệp, gặp gỡ nhiều đối tác nên anh cũng học hỏi được nhiều thứ mới mẻ, nâng cấp bản thân.
Nam nhân viên thở phào, nếu ngày đó không đưa ra quyết định bỏ làm tài xế để quay về công việc chính, có thể cuộc sống hiện tại của anh đã rất khác.
TS.Huỳnh Thanh Điền cho biết, nghề tài xế xe ôm công nghệ vốn không cần đào tạo, có tay nghề, ai cũng làm được nên lượng tài xế ngày càng tăng khiến cho cung vượt quá cầu.
Khi đó, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Ông Điền dự đoán, tới đây sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được “trả” lại cho các ngành nghề khác.
“Người lao động nên học nghề và làm đúng với chuyên môn được đào tạo, không nên thấy lợi nhuận, công việc dễ dàng trước mắt mà bỏ phí thời gian, công sức đã dành để học nghề, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên”, ông nói.
Theo ThS.Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo UEH, hiện tại và trong tương lai, tài xế xe ôm công nghệ phải tập thích nghi với thu nhập giảm, phải làm việc nhiều hơn, đa dịch vụ hơn với hãng dịch vụ.
Ngoài việc ngày càng có nhiều người đăng ký làm tài xế, ông Nghĩa cho rằng, việc các hãng tăng mức chiết khấu cũng là một phần nguyên nhân khiến thu nhập của các tài xế không còn được như trước.
“Ngay từ đầu, hãng xe công nghệ sẽ dùng chi phí thấp để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng và các đối tác – tài xế, người giao hàng. Khi lượng tài xế ngày càng đông mà nhu cầu thị trường không thay đổi, họ sẽ “siết” lại để giảm quy mô tài xế, đảm bảo cân đối nhu cầu, lúc đó mới tăng được thu nhập của những tài xế còn lại”, ông Nghĩa nhận định.
Vị chuyên gia cho hay, các hãng xe công nghệ đang đứng trước thách thức giữa việc tìm cách tăng số lượng người sử dụng dịch vụ hay giảm quy mô tài xế để điều chỉnh, tạo lợi ích hài hòa chung. Đây là bài toán không dễ giải.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm