Men theo trục đường qua các xã Phong Bình, Gio An, Gio Hòa (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), dễ dàng bắt gặp những bãi đá lớn nằm ngổn ngang bên vệ đường hay trong những mảnh vườn.
Người dân ở khu vực này thường quen gọi là đá mồ côi, bởi lẽ những hòn đá này nằm tách rời và rải rác trên các ngọn núi hoặc nằm len lỏi dưới lòng đất, khe suối.
Trên các bãi đá, người thợ hằng ngày vẫn đội nắng, cần mẫn đánh vật với những khối đá thô, bụi bặm, tiếng ồn để cho ra những phiến đá vuông vắn.
Theo những người thợ ở huyện Gio Linh, bên cạnh làm nghề chẻ đá, họ còn trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Tranh thủ lúc nông nhàn, người thợ lại đi chẻ đá để cung ứng ra thị trường, tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên nghề chẻ đá không phải ai cũng làm được, bởi đòi hỏi sự khéo léo, kinh nghiệm, luôn phải đối mặt với những chấn thương, nắng nóng, bụi bặm.
Ghé vào một bãi đá tại thôn Bình Minh, xã Phong Bình, giữa tiết trời nắng nóng hơn 40 độ C, ông Bùi Xuân Long (52 tuổi) miệt mài đục đẽo, chẻ những viên đá nhỏ để ra những hình thù ưng ý.
Ông Long cho hay, từ năm 18 tuổi đã bắt đầu làm nghề chẻ đá. Những khối đá mồ côi kích thước lớn khi mua về sẽ được ông Long dùng máy khoan tạo thành những mảnh nhỏ, sau đó dùng búa, đục để đục đẽo, chẻ thành những viên đá nhỏ, vuông rồi bán ra thị thường.
Với kinh nghiệm và bàn tay khéo léo, mỗi ngày ông Long có thể đục, đẽo được 30-50 viên đá thành phẩm. Mỗi viên đá được bán ra với giá 17.000-18.000 đồng.
“Nghề chẻ đá đã ra đời khá lâu ở vùng này, thời xưa ông cha chế tác đá thành các vật dụng như cối xay lúa, xay bột, trụ nhà… Nhưng nay, cánh thợ chúng tôi chủ yếu chẻ đá viên để phục vụ các công trình. Ở đây rất nhiều nhà làm nghề này nên được mệnh danh như “thủ phủ” nghề chẻ đá”, ông Long tâm sự.
Ghé vào một lô cao su bên đường, nơi có bãi đá khá to ở xã Gio An, ông Thanh Văn Sỹ (54 tuổi, thôn Xuân Tiến) đang hì hục làm việc dưới cái nắng như “nung”. Những tiếng đục đẽo đinh tai vẫn liên tục vang lên dù trời đã gần trưa.
Ông Sỹ cho hay, đá thành phẩm nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước của từng viên đá mồ côi và mẹo riêng từng người. Nghề đá này chỉ làm vào mùa nắng, mùa mưa những người thợ thường đi làm đồng hoặc các công việc khác.
“Làm nghề chẻ đá thì chuyện dập tay, chân, chảy máu do va phải cạnh đá, mảnh đá bắn vào người là chuyện thường ngày, thế nhưng vì mưu sinh, vẫn phải làm, làm mãi rồi quen. Bản thân tôi cũng chẳng mong con cái theo cái nghề này, vừa cực nhọc, vừa dễ mắc bệnh mãn tính. 10 người theo nghề hết 9 người mắc bệnh phổi về già”, ông Sỹ nói.
Quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, uống vội ly nước, ông Nguyễn Quốc Đạt (62 tuổi), cho hay, đến nay ông đã có hơn 30 năm theo nghề chẻ đá. Theo ông Đạt, hiện nay, nghề chẻ đá chủ yếu lứa tuổi trung niên, còn thanh niên rất ít người theo vì rất vất vả.
“Mấy ngày nay nắng nóng, chúng tôi che bạt ở bãi đá, kéo cả quạt điện ra nhưng cũng không ăn thua. Biết là nghề vất vả nhưng không làm đá thì không biết làm gì. Hơn nữa đây là nghề cha ông để lại, không thể nói bỏ là bỏ ngay được”, ông Đạt tâm sự.
Ông Đạt cho biết thêm, sản phẩm đá chẻ có hai loại đá hộc và đá thước. Đá thước thông thường có kích thước dài 30cm, rộng 20cm, dày 10cm, chủ yếu phục vụ xây dựng nhà ở và các công trình như tường rào, lăng mộ.
Còn đá hộc là loại đá cong vênh, bị vỡ trong quá trình chế tác, được bán theo khối với giá thấp hơn để làm móng nhà, lát đê kè, làm rọ đá.
Nghề chẻ đá ở một số xã miền tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã gắn bó với nhiều thế hệ của người dân địa phương, mang lại thu nhập khá cho người thợ. Tuy nhiên hiện nay, nguyên vật liệu đầu vào ngày càng khan hiếm, nghề vất vả nên thế hệ trẻ ngày nay chẳng mấy mặn mà.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm