Từ loại cây ít người biết đến, thường trồng trang trí ở các chùa Khmer, vài năm gần đây, cây hồng nhung trở thành nông sản giúp chị Lý Thị Thanh Xuân (35 tuổi, dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập khá.
Chị Xuân cũng là tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất hồng nhung với 10 thành viên tại địa phương.
Chị Xuân cho biết, hồng nhung là cây thân gỗ, tán lá to, ít bị sâu và rụng lá, hình dạng quả đào. Lúc trái còn non thì lớp lông bên ngoài màu xanh, khi chín lớp lông chuyển sang màu vàng cam và đỏ nâu. Hồng nhung ra quả từng chùm, mỗi chùm từ 3 đến 4 trái hoặc nhiều hơn.
Khi chín, trái hồng nhung tự rụng xuống. Để ăn, cần chà sạch lớp lông mịn như nhung bên ngoài, gọt bỏ vỏ, ăn liền hoặc ướp lạnh trước khi dùng.
“Lúc trước, chưa ai biết giá trị của cây nên chỉ ngồi dưới gốc cây cho mát, có trái chín rụng xuống thì trẻ con nhặt lên ăn. Về sau khi mọi người ăn thử, thấy hương vị trái thơm ngon nên hái trái bán cho du khách. Từ chỗ đó tôi có ý định trồng hồng nhung để cải thiện thu nhập”, chị Xuân chia sẻ.
Năm 2018 tận dụng cây hồng nhung con mọc trong sân chùa, chị đem về ươm thử sau vườn nhà. Đến nay, cây đã bắt đầu cho trái, năng suất có thể đạt 150-200kg trái/vụ/năm.
Tuy nhiên, cũng có một số cây thì không cho trái hoặc ra hoa nhưng không đậu trái, hiện tượng này thường được người dân địa phương gọi là cây “đực”.
Do số lượng khách mua trái thương phẩm và cây giống khá nhiều, chị Xuân phải liên kết các hộ trong vùng mới đủ cung cấp cho thị trường. Tới mùa, chị Nhung bao tiêu trái hồng nhung chín còn cây giống thì thu mua quanh năm.
Hiện trái hồng nhung được chị Xuân bán trái giá dao động 50.000-70.000 đồng/kg; riêng cây giống có giá từ 30.000 đến 400.000 đồng/cây (tùy cây lớn nhỏ).
“Trồng hồng nhung ít công chăm sóc lại chẳng cần phân, thuốc nên nhẹ chi phí đầu vào. Chủ yếu, mình tốn tiền mua cây con hoặc hạt của bà con rồi đem về ươm, nhân giống”, chị Xuân nói thêm.
Ngoài bán hồng nhung thương phẩm, chị Xuân còn có cơ sở ươm cây giống. Mỗi năm, cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 cây, phân phối ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh…
Từ lao động nông nhàn, nhờ trái hồng nhung, chị Xuân có thể kiếm gần 100 triệu đồng/năm, đồng thời tạo thêm thu nhập cho các hộ trồng hồng nhung ở địa phương.
Lãnh đạo UBND xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết, cây hồng nhung được người dân địa phương trồng nhiều nhưng cơ sở sản xuất cây giống và bán trái thương phẩm nổi trội nhất là hộ chị Xuân.
Xã cũng đang xây dựng hồng nhung là sản phẩm tiềm năng OCOP để góp phần quảng bá thêm sự đa dạng sản phẩm cây trồng. Từ đó đưa cây hồng nhung trở thành cây sinh kế mang tính bền vững của người dân địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm