Những ngày cuối tháng 10/2022, chị Minh bất ngờ được nhân sự gọi lên đưa quyết định thôi việc sau 10 năm gắn bó. Cầm lá đơn trên tay, chị thẫn thờ.
Suốt một tháng chị lủi thủi đi xin việc nhưng không nơi nào nhận. Túng thiếu, chị Minh đành làm tạp vụ với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đuổi về vì lý do “đã hết việc”.
Ngoài 30 tuổi, trình độ văn hóa dừng ở lớp 8, kinh nghiệm làm việc là công nhân, lần đầu tiên chị Minh không còn tự tin vào bản thân mình.
Trong một lần lướt mạng xã hội, chị Minh thấy thị trường bán hàng trực tuyến đang phát triển, bèn nảy ra ý tưởng khởi nghiệp xây dựng nội dung để bán mặt hàng thời trang.
Cuối tháng 11/2022, người phụ nữ bắt đầu khởi nghiệp với số tiền chưa tới 20 triệu đồng. Vừa làm, chị Minh vừa tìm hiểu cách kinh doanh trên mạng xã hội từ những đàn anh, chị đi trước. Đặc biệt, chất giọng miền Tây chân chất của Minh nhanh chóng chiếm được cảm tình của vô vàn dân mạng. Nhiều lúc trong túi không còn đồng nào vì “vét” sạch mua hàng, chị vẫn mạnh dạn mượn bạn 12 triệu đồng để mua máy tính.
Có được đơn hàng đầu tiên, chị Minh tích cực livestream. Chỉ sau 2 tháng, Minh đã có cho mình hơn 1.400 đơn hàng, thu về 100 triệu đồng. Trung bình, những tháng cận Tết, chị kiếm được lợi nhuận 50 triệu đồng/tháng.
Giờ đây, công việc livestream bán hàng không chỉ cho chị nguồn thu nhập ổn định, mà còn giúp đỡ gia đình ở quê. Sắp tới, chị Minh sẽ tiếp tục phát triển thêm quần áo, mở rộng các nền tảng mạng xã hội khác.
“Thị trường đang phát triển theo hướng 4.0 nên nếu tôi dừng lại thì sẽ bị thụt lùi ngay. Việc học hỏi sẽ không dừng lại và cũng không bao giờ là đủ”, chị Minh khẳng định.
Những video đời thường đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chàng công nhân Huỳnh Ngọc Bảnh (29 tuổi, quê tại tỉnh Hậu Giang) kể từ khi “khởi nghiệp” bằng mạng xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, kênh của anh đã đạt 365.000 lượt theo dõi, 6,5 triệu lượt thích cho các video bữa cơm tiết kiệm.
“Sau một ngày làm việc dài, thậm chí mỗi tối mọi người đều mong chờ được thấy video ăn cơm của gia đình mình”, anh Bảnh mỉm cười nói.
Một triệu đồng là thu nhập đầu tiên của Bảnh nhờ clip quảng cáo cho nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng. Không chỉ dùng một mạng xã hội, nam công nhân còn phát triển đa dạng các nền tảng khác. Chính nguồn thu nhập thứ 2 này khiến cuộc sống Bảnh ổn định hơn, không còn phụ thuộc vào lương công nhân.
“Với mức lương 6 triệu đồng ở nhà máy, vợ chồng tôi phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu và gửi về quê nuôi con. Giờ đây, mạng xã hội giúp cả hai không chật vật như trước nữa”, anh Bảnh bộc bạch.
“Bữa cơm nguyên ngày với 40.000 đồng”, “Giờ ăn trưa của công nhân nghèo”, “Quá trình đi tìm việc”… những video với nội dung đơn giản được Lý Thị Hồng (22 tuổi, quê Đắk Nông) chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày. Chính câu chuyện của những công nhân trong giai đoạn bị sa thải đã nhận được sự đồng cảm từ cư dân mạng.
Hồng cho biết, khi công ty thiếu đơn hàng, giảm giờ làm việc, chị tận dụng thời gian để xây dựng một kênh mạng xã hội, ghi lại đời sống công nhân tá túc trong những căn trọ chật hẹp ở khu vực Bình Dương.
“Chính nội dung thân thiện, phù hợp với nhiều người nên kênh mới xây dựng 5 tháng đã có hơn 77.000 lượt theo dõi”, chị Hồng chia sẻ.
Hiện tại, nhiều tháng Hồng có thể dư giả bỏ túi 10-15 triệu đồng nhờ bán hàng và quảng cáo trên mạng xã hội. Mức tiền này chị chưa bao giờ dám mơ đến khi bắt đầu cuộc sống công nhân.
Hoạt động đến năm thứ 7, anh Võ Thành Luân, CEO dự án Nhà của thời thanh xuân, tỉnh Lâm Đồng) đành biến tiệm trà trở thành khu vực tổ chức các phiên livestream.
Năm 2016, sau khi du học trở về, Luân thành lập dự án giúp đỡ việc làm cho các bạn trẻ khiếm thính, yếu thế. Năm 2021, công việc giúp anh mở rộng kinh doanh tại các chi nhánh Hội An, TPHCM, Hà Nội cùng hàng chục đại lý bán lẻ.
Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến khiến dự án rơi vào tình thế khó khăn, Luân phải đổ dồn toàn bộ tài sản để cứu lấy đứa con tinh thần và nhân viên. Sau dịch, tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài tiếp tục đưa việc kinh doanh của Luân về con số 0.
“Toàn bộ 3 cơ sở khác ở Hội An, TPHCM và một xưởng xà phòng ở Đà Lạt đều đóng cửa. Những ngày đầu thực hiện dự án, tôi mang theo hoài bão để các em có thêm cơ hội việc làm và nguồn kinh phí hầu như từ vay mượn, kêu gọi đầu tư. Vì vậy, khi đóng cửa cơ sở, tôi phải đối mặt với khoản nợ hơn 10 tỷ đồng”, ông chủ trẻ vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại.
Hàng đêm, anh cố nén nước mắt, “vặn óc” suy nghĩ mọi cách nhằm duy trì cuộc sống cho những người khiếm thính. 70% thành viên muốn rời đi nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính khiến ông chủ trẻ phải chuyển mình.
Nhận ra thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp quốc tế chuyển hướng kinh doanh online (trực tuyến), anh Luân quyết định bước sâu vào nền tảng số.
Chàng trai bắt đầu học hỏi từ các bước đơn giản nhất, trang bị dụng cụ cho phiên livestream và kêu gọi các bạn khiếm thính cùng đồng hành.
Dù không có đơn hàng, Luân vẫn duy trì livestream 3-5 giờ/ngày. Mỗi lần thất bại, làm chưa hay, anh liền tham khảo ý kiến bạn bè, đội ngũ của mình và hoàn thiện hơn. Dần dà, các phiên livestream đã mang về doanh thu 20 triệu đồng, rồi 60 triệu đồng.
Tháng 9, cả đội ngũ chợt vỡ òa khi các buổi livestream đạt mốc 30.000 đơn hàng, với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
“Chúng tôi đứng trước thách thức khi đón lượng khách trở lại trong dịp Tết. Vì vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho chất lượng phục vụ là rất quan trọng. Bởi nếu không đạt lượng khách như kỳ vọng trong giai đoạn này thì nguy cơ dừng hoạt động sẽ rất cao”, anh Luân nói.
Mặc dù còn tồn tại nhiều thách thức do khủng hoảng kinh tế, anh Luân tự hào dự án đến nay vẫn tạo thu nhập cho nhân viên 6-9 triệu đồng/tháng, chưa kể mức thưởng khi đạt hiệu suất mục tiêu.
Theo ông Lê Vũ Hồng Quân (Trưởng phòng nhân sự công ty TNHH Poong In Vina), đến nay doanh nghiệp đã phục hồi 80% đơn hàng so với trước đại dịch Covid-19. Nhờ việc hết “chảnh”, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng, ứng dụng công nghệ cao để giảm bớt công việc tay chân, hỗ trợ nghìn công nhân nữ tăng giờ làm và sản phẩm để vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Ngoài ra, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo môi trường doanh nghiệp xanh, chúng tôi còn yêu cầu người lao động phải có kiến thức “lãnh đạo” công nghệ, được tập huấn chuyên sâu về các kiến thức xã hội”, ông Quân nói.
Hiện tại, mỗi tuần, Công ty Poong In Vina dùng 1-2 ngày đào tạo cụ thể cho người lao động về các kiến thức liên quan đến quấy rối tình dục, bình đẳng giới và phát triển lao động nữ.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết ngày 13/5/2022, UBND TPHCM ban hành Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn TPHCM đến năm 2025.
Sau hơn 18 tháng thực hiện, chương trình đã đạt 87,27% tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận. Trong đó, thành phố đã có thêm 15 chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng đào tạo, nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng trên địa bàn là 46.
Đáng chú ý, chương trình còn triển khai thực hiện các kế hoạch bao gồm đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động nông thôn, người chấp hành xong hình phạt tù; chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
“Năm 2022, 2023, tổng thể kết quả tuyển sinh hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Điều này thể hiện nhận thức xã hội đã có cái nhìn đúng đắn hơn về nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp”, ông Thinh nói.
Ông Thinh cho biết thêm, tương lai, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ đề ra các nội dung thực hiện cụ thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ định hướng đào tạo các ngành mũi nhọn, trọng tâm của đơn vị theo các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở đó, các trường công lập sẽ tiến hành lập đề án đầu tư công trung hạn để đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến.
“Trong giai đoạn 2021-2025, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư để trình Hội đồng nhân dân xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trong giai đoạn 2026-2030 sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cho 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khác”, ông Thinh thông tin.
Tiếp đó, Sở Lao động sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức hoạt động giáo dục có sự đồng hành của doanh nghiệp trong suốt thời gian đào tạo. Từ đó, các đơn vị có thể phản biện, đóng góp ý kiến về sự phù hợp của chương trình đào tạo với thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp.
Sau quá trình đào tạo, các cơ sở giáo dục sẽ phải phối hợp với doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động thực tập tốt nghiệp, kiến tập sản xuất cho học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp.
“Mặt khác, Sở cũng đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, Ban Quản lý các Khu chế xuất – Công nghiệp, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức để khảo sát nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Từ đó, Sở có thể tiến hành đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu của xã hội”, vị giám đốc cho hay.
Để giải quyết vấn đề về chi phí hỗ trợ đào tạo nghề, Sở cũng có đề xuất gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với nội dung điều chỉnh tăng mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề lên 5 triệu đồng/người/khóa học.
Bài 1: Doanh nghiệp Việt “vượt sóng”, vực dậy cuối năm 2023
Bài 2: Những bữa cơm “lá rách đùm lá… tả tơi” của công nhân thất nghiệp
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm