Đi thật xa để… trở về
Đường Hà Nội ùn tắc vào giờ cao điểm là thông tin quá quen thuộc với mọi người. Nhưng từ tháng Chạp trở đi, trong mọi khung giờ, mật độ phương tiện giao thông trên nhiều cung đường rất lớn.
Trong năm, đây cũng là thời điểm ám ảnh với bất kì người lao động nào. Chị Ánh Tuyết cũng không phải người ngoại lệ khi nhà ở quận Hoàng Mai, cách nơi làm việc ở quận Nam Từ Liêm gần 20km.
Giờ làm việc của giáo viên là lúc 7h15, chị phải dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị trước khi đến trường học. Thời tiết Hà Nội mưa, lạnh, mây mù, chị bước chân ra khỏi nhà khi mọi người vẫn ngủ ngon giấc.
Ngày thường, chị mất hơn 1h để di chuyển đến nơi làm việc. Tuy vậy, những ngày cận Tết, thời gian di chuyển trên đường có thể lên đến 1,5-2h. Song ám ảnh nhất đối với chị là việc tan sở lúc 18h30. Cứ ngồi trên xe, như một thói quen, chị bật kênh Vov giao thông để nghe ngóng tình hình đường sá tại các cung đường mình sẽ đi qua.
Nhiều ngả đường báo “đỏ lòm” trên google map, chị Ánh Tuyết loay hoay lựa chọn những tuyến phố đỡ ùn tắc hơn. Chị tự động viên bản thân “đi thật xa để trở về” vì xác định phải mất vài tiếng đồng hồ “bò” trên đường.
“Những ngày tâm trạng vui vẻ, tôi coi việc tắc đường là lúc mình thư giãn, hát ca thỏa mái trong danh sách nhạc có sẵn trên xe. Nhưng những ngày này, thật khó có thể vui vẻ vì phải chôn chân trên đường nhiều giờ đồng hồ”, chị Tuyết kể.
Mới hôm trước tại ngã tư đường Trung Kính, chị đã mất 1,5h để di chuyển đoạn đường chưa đầy 1km. Chiều tối hôm đó trời mưa nặng hạt, các phương tiện giao thông nối đuôi nhau, nhích từng cm.
Đường sá Hà Nội những ngày này quả là thử thách sự kiên nhẫn của chị. Không còn lựa chọn nào khác, chị Tuyết cũng nhích theo dòng xe để thoát khỏi đoạn đường tắc.
“Có những lúc, tôi nghĩ rằng mỗi ngày mất quá nhiều thì giờ cho việc di chuyển trên đường liệu có đáng? Song vì quá đam mê công việc, thấy phù hợp nơi đây nên tôi vẫn gắn bó trong nhiều năm qua”, chị Ánh Tuyết nói.
Ở góc độ là người phụ nữ trong gia đình, việc về nhà quá trễ khiến chị không thể bắt tay vào nấu nướng, phải có gia đình hỗ trợ.
Từ đó, giúp chị yên tâm với công việc giảng dạy tại trường học. Những giờ tắc đường, chị tranh thủ thời gian trau dồi vốn tiếng Anh qua radio, tự tìm những niềm vui thú khác để giảm bớt căng thẳng, áp lực trên đường.
21h mới ăn cơm tối
Cả tuần nay, đồng hồ điểm 20h chị N.T.L.P. mới về đến nhà. Chị phải vượt qua chặng đường hơn 15km từ Cầu Giấy về Tân Triều (Hà Đông, Hà Nội) trong cảnh ùn tắc trên đường Phạm Hùng, Nguyễn Trãi…
Chị P. cho biết: “Cận Tết Nguyên đán, rất nhiều đầu việc phải xử lý. Ai ai cũng tất bật, bận rộn, việc về trễ hơn là điều khó tránh. Nhưng tôi vẫn sợ nhất di chuyển trên đường lúc 18h, bởi ngả nào cũng ùn ứ”.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, với chị P. việc phải ngồi 1-1,5h để di chuyển trên quãng đường 15km quả là hoang phí thời gian. Nghe gần hết danh sách nhạc vẫn chưa trở về nhà, ngồi lâu trên ô tô khiến chị P. thêm bồn chồn, mệt mỏi.
Dù đi làm về muộn, chị vẫn muốn tự tay nấu nướng, chăm chút cho bữa cơm trong nhà. Lao vào nhà, bỏ túi xách xuống ghế, chị bắt tay ngay vào đun nấu trong căn bếp nhỏ.
“Dịp cuối năm, lúc 21h cả gia đình tôi mới ngồi ăn bữa cơm tối. Dù vất vả, nhưng cả ngày đi làm, chỉ có bữa tối gia đình mới có thể quây quần nên về muộn đến mấy tôi cũng nấu cơm”, chị P. nói.
Theo chị này, thông thường, Hà Nội sẽ ùn tắc trong giờ cao điểm. Những ngày Tết ra đường lúc 9h hay 16h đều đã ùn ứ ở các nút có đèn giao thông. Việc này khiến tâm lý của chị luôn bất ổn, thường xuyên dễ nổi giận.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, riêng phương tiện có đăng ký là trên 8 triệu xe; trong đó, hơn 1,1 triệu là ô tô, 6,7 triệu xe máy và khoảng hơn 200.000 các loại xe đạp điện, xe đạp.
Ngoài ra, còn chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác lưu thông trên địa bàn.
Dân số Hà Nội hiện nay xấp xỉ 10 triệu người, bao gồm người dân của các tỉnh khác đến sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn.
Điều này cho thấy số lượng phương tiện cũng như mật độ người sinh sống, làm việc, tham gia giao thông trên địa bàn thành phố là rất lớn”.
Về hạ tầng giao thông, tỉ lệ đất dành cho giao thông hiện nay mới có 12,13% mà theo quy hoạch thì ít nhất phải đạt 20-26%; giao thông tĩnh hiện nay chưa đạt đến 1% và theo quy hoạch là phải đạt từ 3-4%.
Do vậy, một loạt các tuyến đường, các nút giao thông, các cây cầu chịu mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn; có những tuyến vượt quá tám lần so với thiết kế. Như đường vành đai 3 trên cao hoặc cầu Thanh Trì, lưu lượng vượt 8,1 lần, cầu Chương Dương vượt gấp 8 lần, tuyến đường Nguyễn Trãi vượt 3,3-5,6 lần, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đường Tố Hữu, đường Lê Văn Lương vượt 1,1-1,7 lần, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, lưu lượng của người dân Thủ đô và các tỉnh, thành khác đang đổ về sẽ dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố còn tiếp tục diễn biến phức tạp và ùn tắc hơn.
Ngoài nguyên nhân về hạ tầng, mật độ phương tiện thì trên địa bàn thành phố cũng đang triển khai rất nhiều công trình trọng điểm dẫn đến phải rào chắn thi công gây thu hẹp mặt đất. Một số tuyến điển hình như đường Âu Cơ, đường Nguyễn Xiển…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm