Ngôi nhà nhỏ vách đất nằm khuất giữa núi rừng thuộc xã Nàn Ma (huyện Xín Mần, Hà Giang) là nơi sinh sống của gia đình người phụ nữ 30 tuổi dân tộc Nùng – Cháng Thị Ngọc.
Những trải nghiệm mà Cháng Thị Ngọc có được đặc biệt hơn nhiều so với thanh niên cùng thế hệ trong xã, Ngọc vui vẻ kể lại quá trình lập nghiệp của mình với nhiều khó khăn nhưng cùng với đó là những hoài bão mong muốn thoát nghèo trên chính quê hương.
Hai vợ chồng chị Ngọc từng có thời gian rời xa quê hương về dưới xuôi làm ăn để hy vọng có một cuộc sống ổn định, dài lâu. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát khiến ý định lập nghiệp nơi xa phải dừng lại, hai vợ chồng khăn gói trở lại cuộc sống xoay quanh việc trồng trọt và chăn nuôi ở quê nhà.
Vốn là người có chút kiến thức về chăn nuôi, chị Ngọc đăng ký tham gia dự án “Tăng cường trao quyền phát triển sinh kế cho thanh niên”, đây là dự án của một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận kết hợp cùng huyện Xín Mần triển khai, phổ biến xuống các xã.
Biết được khí hậu và địa hình vùng núi phù hợp với việc nuôi dê, chị Ngọc quyết định đăng ký nuôi dê nái sinh sản. Thời gian đầu, dự án đã hỗ trợ gia đình chị một con dê giống với giá hơn 2 triệu đồng, tuy nhiên, sau khi tham khảo một số mô hình nuôi dê gần nhà, chị Ngọc bàn với chồng bán hết đồ đạc trong nhà để đầu tư mua thêm 2 con dê nữa để nhân giống.
Tham gia dự án từ tháng 8/2022, tới nay đàn dê của chị Ngọc chuẩn bị sang lứa thứ 3, nâng tổng số dê lên 9 con. Được biết, giá thành mỗi con dê chị Ngọc bán khoảng 3 triệu đồng.
“Dê này mình thả lên đồi, lên núi thì không phải mất thức ăn, thời gian đầu nuôi buộc vào một chỗ cho quen rồi sau sẽ tự biết tìm đường về. Hơn nữa, nuôi dê ít bệnh tật, ít tốn kém tiền chữa bệnh”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Chị Ngọc cũng cho biết, ngoài việc nuôi dê, gia đình chị còn nuôi thêm trâu, lợn nái, vẫn đi trồng ngô, trồng lúa để lấy lương thực, xoay sở cho gia đình mà không phải bán bớt đồ đạc trong nhà lấy vốn làm ăn nữa.
Tương tự, chị Cháng Thị Chẳm (dân tộc Nùng, xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần) vượt khó cố gắng thoát nghèo bằng việc tạo dựng thương hiệu giò lụa lợn đen trên vùng cao.
Chị Chẳm cho biết, trước kia chị chưa từng biết tới việc làm giò, kể từ khi tham gia dự án phát triển sinh kế cho thanh niên trong huyện, chị đã được tập huấn, hỗ trợ cách chế biến, hỗ trợ máy móc, thiết bị làm ra thành phẩm giò.
Thời gian đầu, chị Chẳm cảm thấy khá khó khăn trong công việc làm giò, những thất bại cứ đến liên tiếp. Đặt quyết tâm cao, làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng những sản phẩm giò lụa lợn đen đầu tiên đã được tạo ra bởi đôi bàn tay của người phụ nữ dân tộc Nùng.
Làm nhiều, làm đều, làm quen, bán được cho người dân trong bản và xung quanh huyện. Cứ thế chị Chẳm dần đưa giò lụa lợn đen trở thành nguồn thu nhập cho bản thân chị và gia đình.
“Mỗi tuần mình làm một mẻ, mỗi mẻ mình làm 5kg, giá thành 200 nghìn đồng/kg, bán trực tiếp tại nhà”, chị Chẳm cho biết.
Ngoài việc làm giò, chị Chẳm còn tham gia mô hình trồng rau xanh, từng bước áp dụng những gì được học, đưa mảnh đất bỏ hoang, nhiều cỏ rác của gia đình thành một vườn rau tươi tốt. Mô hình thử nghiệm đã mang tới sự thay đổi về cảnh quan và cải thiện đời sống cho gia đình.
Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, với chiếc điện thoại thông minh trong tay, chị Chẳm tham gia một số nền tảng mạng xã hội, đưa những sản phẩm của mình tới với đông đảo mọi người.
“Mình cũng mới tham gia mạng xã hội một thời gian, gần đây đã đưa video các sản phẩm của nhà như giò, rau sạch lên trên đó với hy vọng mọi người sẽ biết tới nhiều hơn”, Chị Chẳm nở nụ cười hạnh phúc chia sẻ với phóng viên.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm