Những bước an toàn bắt buộc bị “lơ”
Trao đổi xung quanh vụ 7 công nhân tử vong trong máy nghiền của nhà máy xi măng ở Yên Bái, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, sự cố này lặp lại nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng phổ biến cách đây hàng chục năm.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thơ bất ngờ khi vẫn còn xuất hiện một vụ tai nạn lao động như vậy. Bởi, các nhà máy xi măng hầu hết đã chuyển đổi công nghệ sản xuất tiên tiến, an toàn hơn nhiều.
Đặc biệt, quy trình, quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động hiện không thiếu, buộc doanh nghiệp sản xuất phải chấp hành đầy đủ. Những yếu tố này giúp ngăn chặn những thảm kịch có nguy cơ xảy ra.
Với những thông tin đã được công bố về sự cố, Viện trưởng Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động chỉ rõ, nhiều bước an toàn bắt buộc trong quy trình bảo trì, bảo dưỡng tại một nhà máy có quy mô vừa đã không được thực thi.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, trước khi bảo dưỡng máy nghiền, đơn vị vận hành, công nhân phải tuân thủ nhiều quy định pháp luật như Luật An toàn vệ sinh lao động, Quy chuẩn Việt Nam số 05/2012 do Bộ LĐ-TB&XH ban hành về an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá, Quy chuẩn quốc gia số 06/2020 do Bộ LĐ-TB&XH ban hành về an toàn vệ sinh lao động trong không gian hạn chế…
Viện trưởng Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động phân tích, bảo dưỡng, bảo trì máy nghiền là công việc trong không gian hạn chế. Theo quy định, những công việc này bắt buộc phải được tập huấn, huấn luyện cho người lao động về các phương án, kỹ năng, quy trình một cách thành thạo, thuần thục.
Cùng với đó, phải có phương án khẩn cấp, có bộ phận giám sát an toàn đứng bên cạnh, để trường hợp xảy ra sự cố có thể khắc phục, kiểm soát được ngay.
“Một hệ thống máy móc công nghệ được bảo dưỡng với cả đội 10 người mà đột ngột hoạt động lại trong khi đang dừng, thật quá sức tưởng tượng. Nguyên nhân của việc máy nghiền hoạt động sẽ được điều tra cụ thể. Song có thể thấy, một hệ thống công nghệ đang được bảo dưỡng dù có người hay không đều không thể tự động?”, ông Thơ đặt nghi vấn.
Nhìn chung, một sự cố tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng, khiến 10 người thương vong, ông Thơ nhấn mạnh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, các cấp quản lý rất lớn.
Mặc dù hệ thống pháp luật có quy định đầy đủ song thực tế một bộ phận doanh nghiệp không có đủ năng lực, phương tiện đảm bảo an toàn, bảo vệ lao động, khắc phục được yếu tố hiểm họa cho người lao động.
Làm gì để tránh thảm kịch?
Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, Viện trưởng Viện khoa học An toàn và Vệ sinh lao động khái quát, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là biện pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất và rẻ nhất.
Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp mong muốn có những dịch vụ tốt được cung cấp về huấn luyện an toàn lao động. Song, các tổ chức, cơ quan thực hiện nhiệm vụ này chưa có sẵn những sản phẩm như chương trình, giảng viên tốt…
“Trong doanh nghiệp, dù người chủ mong muốn được tổ chức huấn luyện tốt, nhưng cán bộ phụ trách đào tạo an toàn lại có mục đích khác thì việc huấn luyện, trang bị phương tiện, kỹ năng cũng không đáp ứng yêu cầu. Trong trường hợp đó, người lao động là thiệt thòi nhất, rồi đến doanh nghiệp và xã hội”, ông Thơ nêu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng và tổ chức huấn luyện an toàn từ nguồn tại chỗ như cán bộ kỹ thuật, chuyên gia. Dần dần, họ được nâng lên thành huấn luyện viên an toàn. Đây là bài toán linh hoạt, đáp ứng ngay yêu cầu trong công tác đảm bảo an toàn lao động.
Trao đổi về giải pháp tổng thể, ông Thơ cho rằng, cần rà soát lại chính sách pháp luật hiện hành như trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác vệ sinh an toàn lao động. Hiện nay, doanh nghiệp thường thuê nhà thầu cung cấp dịch vụ chung. Khi có sự cố về an toàn lao động, vấn đề trách nhiệm của các bên chưa rõ ràng.
Thêm nữa, doanh nghiệp cần có đánh giá về nguy cơ của hệ thống công nghệ, máy móc thiết bị đang sử dụng, từ đó có phương án đảm bảo an toàn lao động phù hợp.
Theo vị này, cần quan tâm bố trí nguồn lực gồm con người và tài chính trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về an toàn lao động.
Hiện nay, nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều công nghệ mới được ứng dụng như lọc hóa dầu, hóa chất, điện tử… Để kiểm soát an toàn lao động trong những ngành nghề này, cần lực lượng lao động được đào tạo kỹ năng an toàn, văn hóa an toàn…
Năm 2023, trên toàn quốc xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết.
Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 16.300 tỷ đồng, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động trong năm qua.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm