Đây là cảnh báo được Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đưa ra ngày 13.9 về những thông tin không chính thống liên quan đến Chương trình EPS.
Theo bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị này phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực (HRD) Hàn Quốc và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều biện pháp để tuyển chọn và phái cử người lao động sang Hàn Quốc làm việc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây một số đối tượng sử dụng mạng xã hội cung cấp thông tin không chính xác, có chủ ý kích động, gây tâm lý hoang mang cho người lao động đang tham gia Chương trình EPS.
Chẳng hạn, một tài khoản trên Facebook chào mời: “Những anh chị em mới thi xong muốn kịp cấp phép cứ gặp em. Nếu không làm được cho anh chị em, em dừng làm EPS luôn”.
Một tài khoản khác đăng thông tin thất thiệt: “2.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển ngành nông nghiệp và ngư nghiệp; 7.000 hồ sơ đăng ký ngành chế tạo, xây dựng không kịp chấp thuận để cấp phép đợt này. Những hồ sơ được chấp thuận đợt này gần như được chủ chọn là tuyệt đối…”.
Đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước cũng khẳng định, theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc và Bộ LĐ-TB-XH, Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Chỉ những người đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại trung tâm mới được phía Hàn Quốc tuyển dụng.
“Những lao động đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn đều đã và đang hoàn thiện hồ sơ để chủ sử dụng lao động lựa chọn. Việc một số đối tượng lợi dụng kết quả chung và tâm lý sốt ruột của người lao động để gây ảnh hưởng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến chương trình. Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị người lao động tham gia Chương trình EPS không tham gia hoặc tiếp tay cho những hành vi nêu trên”, bà Lan nói.
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp HRD Hàn Quốc, Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động được nhiều lao động Việt Nam lựa chọn sang làm việc bởi mức thu nhập hấp dẫn, từ 1.500 – 2.000 USD/tháng.
Năm 2023, Hàn Quốc phân bổ hạn ngạch cho Việt Nam trên 12.000 lao động, gồm: sản xuất chế tạo là 6.344 người; xây dựng là 901 người, nông nghiệp 841 người, ngư nghiệp 4.035 người.
Kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề dành cho lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm nay có số lượng lao động đăng ký lớn nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó tập trung đông nhất là lao động ngành sản xuất, chế tạo với 19.202 người đăng ký.
Trước nhu cầu đi làm việc của người lao động tại thị trường này, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để quảng cáo, thu tiền trái phép của người lao động.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm