Ông là Hà Đức Tài (46 tuổi, trú thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) được nhiều người ví von là “kỹ sư chân đất”.
“Nhiều người nghĩ tôi bị điên”
Xưởng chế tạo khoảng 40m2 của ông Tài nằm ở phía sau khu chợ thị trấn Lang Chánh. Ông cho hay, hơn 2 năm qua, thời gian ông ở xưởng chế tạo máy vót đũa nhiều hơn ở nhà.
Từng là công nhân xây dựng ở TPHCM, năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công ty cắt giảm giờ làm, ông Tài mất việc trở về quê hương. Khoảng thời gian này, ông trăn trở trước bài toán tìm việc làm để mưu sinh.
Sau thời gian suy nghĩ, ông Tài nhận thấy vùng đất nơi mình sinh sống là thủ phủ tre, luồng, vài năm trở lại đây, những đôi đũa tre vót thủ công được nhiều người tin dùng, trong khi số lượng đũa sản xuất ra mỗi ngày quá ít so với nguồn cung ra thị trường. Ông nảy ra ý tưởng chế tạo máy sản xuất đũa để nâng cao năng suất.
Ông Tài cho hay, bản thân chưa học hết lớp 6, chưa một ngày làm cơ khí, lại không có vốn nên hành trình chế tạo máy của ông vô cùng gian nan. Để thực hiện ý tưởng, ông tham khảo các tài liệu, mô hình trên mạng rồi đi vay lãi mua sắt vụn về chế tạo máy sơ chế tre, luồng.
Đều đặn mỗi ngày 15 tiếng, ông “nhốt” mình trong căn phòng nhỏ, tự mày mò, cắt gọt các thanh thép, đinh vít để chế tạo máy. Mỗi công đoạn chế tạo đều được ông quay clip làm tư liệu cho sau này.
“Sau khi tham khảo, tôi nghĩ việc đầu tiên phải chế tạo máy sơ chế, sau đó mới nghĩ đến làm máy vót đũa. Không có tiền, tôi mua nợ sắt vụn ở khắp nơi, nhiều khi còn vay lãi để mua sắt vụn, linh kiện. Suốt 3 tháng, không ai biết tôi làm gì, mọi người hỏi tôi chỉ im lặng. Có người nghĩ tôi bị điên. Thậm chí, nhiều ngày tôi và vợ không nói chuyện với nhau. Nhưng thấy tôi đam mê nên vợ và gia đình cũng đồng tình ủng hộ”, ông Tài chia sẻ.
Nhiều lần chảy máu, giác mạc dính đầy vụn sắt
5 tháng sau khi miệt mài thi công, tháng 12/2021, máy sơ chế tre, luồng đầu tiên được ông Tài hoàn thiện. Theo ông Tài, máy sơ chế nhằm giảm bớt công sức chẻ từng cây luồng, tre thành thớ nhỏ.
“Cách vận hành khá đơn giản, khi đưa khúc tre, luồng vào xử lý, chiếc máy sẽ dập thành một chiếc đũa thô. Công đoạn này nếu làm thủ công rất mất thời gian”, ông Tài nói.
Thành công với máy sơ chế, ông Tài chưa bắt tay vào sản xuất đũa mà tiếp tục công trình nghiên cứu của mình với máy vót đũa và máy làm bóng. Máy vót đũa tiếp theo được ông chế tạo trong thời gian 11 tháng.
Đây là cỗ máy có nhiều chi tiết và kỹ thuật khá phức tạp khiến ông tốn rất nhiều công sức, thậm chí mất ăn, mất ngủ. Khi máy chạy thử nghiệm thành công, ông rất vui mừng.
“Sau hơn 2 năm vật lộn với đống sắt vụn để chế tạo máy, tôi vay mượn hơn 400 triệu đồng. Số tiền này là quá lớn đối với gia đình, nhưng vì đam mê và tương lai sau này, tôi đã chấp nhận đánh đổi. Có thời gian vì quá áp lực tinh thần, để chiến thắng được bản thân và suy nghĩ của mọi người, tôi lựa chọn cách ăn chay, im lặng, tĩnh tâm để vượt qua tất cả”, ông Tài tâm sự.
Vị “kỹ sư chân đất” chia sẻ, quá trình làm 3 cỗ máy sản xuất đũa, ông sử dụng khoảng 450 viên đá cắt sắt, 20 bó que hàn và một lượng lớn sắt thép, linh kiện. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm làm cơ khí, ông thường xuyên bị thương. Từ 66kg cân nặng, giờ đây ông chỉ còn 52kg.
“Nếu nhìn tôi của 2 năm trước và tôi của bây giờ thì không ai nhận ra. Tôi đã đánh đổi bằng tiền, mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu thịt. Không có công nghệ hiện đại, tôi làm thủ công là chính.
Có những chi tiết làm từ 3 đến 10 lần mới thành công. Nhiều khi viên đá cắt sắt bị vỡ, bắn cả vào mắt, hiện trên giác mạc của tôi có tới 7 vết sẹo do đá cắt gây ra”. Ông Tài nói về những vất vả, nhưng bản thân chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ đam mê.
Theo ông Tài, so với làm thủ công, những cỗ máy này cho ra năng suất cao, khoảng 200 đôi đũa/giờ. Biết tin ông Tài chế tạo thành công chiếc máy, nhiều người đã tìm đến hỏi mua, tuy nhiên ông Tài không bán.
“Đây là tâm huyết tôi dành cho cỗ máy suốt thời gian dài. Tôi không bán chiếc máy với bất kỳ giá nào. Thời gian tới tôi sẽ làm các thủ tục để đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình”, ông Tài cho hay.
Bật mí về những dự định trong tương lai, ông Tài cho biết, thời gian qua ông nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đây chưa phải thời điểm để ông đi vào sản xuất.
Ông Tài cho hay, ông đang xây dựng lò sấy để thử nghiệm các sản phẩm đũa an toàn. Sau khi hoàn tất quy trình sấy đũa, ông bắt tay vào việc sản xuất để bán ra thị trường.
“Mục tiêu duy nhất của tôi là tạo ra sản phẩm tốt nhất, đáng tin cậy cho bà con. Vì vậy, tôi đang nghiên cứu xây dựng lò sấy bằng phương pháp truyền thống, dùng trấu làm nguyên liệu sấy đũa. Song song với đó là nghiên cứu cách sử dụng thảo dược để bảo quản đũa, hướng đến một sản phẩm an toàn và thân thiện”, ông Tài nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm