Bán hàng nghìn phần ăn mỗi tháng
19h, quán ăn vặt trong con hẻm ở đường Tôn Thất Thuyết (phường 16, quận 4, TPHCM) tấp nập khách ra vào. 6 chiếc bàn gỗ ở quán đã chật kín người ngồi, nhiều thực khách đến sau phải xếp hàng, mua mang về.
Chị Nguyễn Tống Thanh Ngân (SN 1997), chủ quán, chia sẻ rằng, quán có thể bán 70-150 đơn hàng/ngày, tương đương với hơn 4.000 đơn/tháng.
Có nhiều lúc, doanh thu của quán còn đạt gần 700 triệu đồng/tháng. Quán của Ngân chuyên về đồ ăn vặt, đa dạng hơn 10 món chính, với giá dao động 40-80.000 đồng/phần.
“Vì quán được nhiều người ủng hộ, có không ít “bạn hàng quen” nên tôi luôn dặn bản thân phải chỉn chu ở từng công đoạn. Nếu có bất kỳ lỗi nào, tôi sẵn sàng miễn phí phần ăn đó cho khách. Còn nhân viên sẽ… không yên với tôi nếu để xảy ra sai sót”, chị Ngân nói nửa đùa, nửa thật.
Ngân bộc bạch, cô đã nghỉ học từ năm lớp 8, bắt đầu ngày tháng bôn ba kiếm tiền, làm thuê ở quán cà phê để tự nuôi bản thân. Thời điểm đó, Ngân phải làm việc từ sáng đến tối, “cân” công việc của 3 người cùng lúc chỉ để đổi lấy đồng lương “ba cọc ba đồng”.
“Vì tính tôi quá thẳng thắn nên chủ thường không hài lòng. Bản thân tôi cũng không thích nghe theo người khác nên chỉ làm được vài năm là xin nghỉ việc”, Ngân bộc bạch.
Với đam mê khởi nghiệp, Ngân lên mạng xã hội để tìm mặt hàng phù hợp. Năm 2014, thấy món cơm cuộn Hàn Quốc được nhiều người ưa chuộng, Ngân cầm số vốn chưa đến 200.000 đồng để ra chợ mua nguyên liệu.
Chưa có kinh nghiệm nấu ăn, chị lên mạng tìm tòi, thử nghiệm hết lần này đến lần khác. Khi đã thành công, Ngân bắt đầu đăng lên mạng bán thử và may mắn nhận được những đơn hàng đầu tiên.
Làm chủ không bao giờ là dễ
17 tuổi, cô gái một mình làm hết mọi thứ. Nhiều lần gia đình khuyên nhủ, tỏ vẻ không tin rằng việc này sẽ thành công, Ngân đều bỏ ngoài tai mà âm thầm cố gắng.
“Lúc đó chỉ nghĩ đơn thuần là làm cho vui, kiếm tiền ăn qua ngày thôi nên không ngờ khó khăn đến nhiều như vậy. Có những hôm không có đơn hàng, ngồi ở nhà buồn hiu, nhưng không vì vậy mà bỏ cuộc”, chị Ngân nói.
Đối với Ngân, tủi thân nhất là những hôm cô bị bùng hàng, phải đội nắng, mưa một mình đi giao món.
“Nhớ nhất là hôm chỉ được 2 đơn nhưng không may, tôi lại giao nhầm địa chỉ của 2 đơn ấy. Lúc đó phải chạy đi chạy lại 2 chỗ cách xa nhau hàng chục cây số. Khi đến nơi thì trời cũng tối muộn, tôi phải đứng chờ ở nơi không có bóng người.
Cảm giác lúc ấy rất sợ hãi nhưng vẫn kiên trì đứng chờ hơn nửa tiếng, cuối cùng nhận lại được là cú khóa máy của khách hàng. Hôm đó đành tay trắng ra về”, Ngân nghẹn ngào, nói.
Có những hôm, cô gái còn phải dầm mưa đi giao hàng. Lội nước qua những khu nước ngập đến hỏng cả xe máy, Ngân không nhịn được mà bật khóc giữa đường. Thế nhưng, cô gái vẫn cố tìm cách giao hàng đến tận tay khách.
5 năm sau, từ kinh doanh trực tuyến, chị Ngân quyết định thuê mặt bằng, mở quán để khách được ăn tại chỗ khi thức ăn được nóng. Tiền tích cóp nhiều năm khởi nghiệp, Ngân thuê thêm nhân viên, trang hoàng lại quán ăn và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu trên mạng xã hội.
Trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như đã bỏ cuộc, Ngân giờ đã mỉm cười hạnh phúc khi hành trình khởi nghiệp của mình được đền đáp xứng đáng. Cô gái 27 tuổi có thể lo cho cả gia đình nhờ vào tiền kiếm được từ quán ăn.
“Đối với tôi, người trẻ muốn khởi nghiệp thì phải biết bản thân muốn gì, phải giỏi tính toán và hiểu rõ lĩnh vực mình sẽ khởi nghiệp.
Ngày nay, thị trường đã dần bão hòa, nếu chạy theo xu hướng thì rất khó thành công. Vậy nên ngoài sự đam mê, kiên trì, người trẻ cần tìm ra được cái riêng, khác biệt với thị trường, phù hợp với thị hiếu”, chị Ngân chia sẻ.
Chị cho hay hành trình khởi nghiệp không chỉ giúp kinh tế gia đình trở nên tốt hơn mà còn thay đổi cả con người cô. Ngân từ một người nóng tính, cứng đầu, nay trở nên lắng nghe và trầm tính hơn.
Nhiều người nói rằng khởi nghiệp để làm chủ cho sướng, Ngân chỉ cười xòa khi nghe câu nói đó.
“Làm chủ là lúc bản thân gánh nhiều trách nhiệm hơn. Tối nào tôi cũng mất ngủ, phải đến 2, 3h sáng mới ngủ được vì bận suy nghĩ làm sao để vận hành quán một cách tốt nhất. Người chủ phải tạo môi trường làm việc như một gia đình, để yên tâm rằng nhân viên có thể gắn bó, cống hiến hết mình.
Bản thân đã tạo việc làm cho hàng chục người thì phải có trách nhiệm đảm bảo thu nhập cho nhân viên. Dù trải qua nhiều khó khăn, tôi vẫn cố gắng không giảm lương hay sa thải bất kỳ nhân viên nào”, cô gái bộc bạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm