“Xuất ngoại” bằng xe máy đi học cách làm giàu
Ngày đầu năm, ông Tặng Văn Lai, 49 tuổi, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) ra vườn cam sớm hơn thường lệ. Ông Lai mở vòi, tưới nước cho cây, nhặt bỏ lá vàng, cắt tỉa những cành sâu.
“Năm vừa rồi, gần 1ha cam Lào, gia đình tôi thu được hơn 2 tấn quả. Với giá bán 25.000 đồng/kg, tôi thu về 60 triệu đồng. Nhờ có tiền bán cam, tôi sắm sửa Tết đủ đầy, ăn Tết to nhất từ trước tới nay”, ông Lai khoe.
Kể về hành trình khởi nghiệp ở tuổi tứ tuần, ông Lai, cho biết, năm 2013, người thân ở Lào về quê ăn Tết mang theo cam biếu mọi người. Ông ăn thử và thấy ngon nên đã hỏi cặn kẽ về loại cam này.
“Khi được người anh giới thiệu rằng, ở bản Piêng Liềng, cụm Sóc Tong, huyện Viêng Xay, nước bạn Lào, nhờ trồng cam mà nhiều người trở thành đại gia. Nghe tới trồng cam có tiền, tôi hứng thú, muốn sang Lào để học cách làm giàu”, ông Lai hào hứng kể.
Tháng 2/2013, ông Lai làm giấy tờ để sang Lào học cách trồng cam. Dù biết cung đường từ bản Suối Tút sang bản Piềng Liềng (Lào) dài hơn 40km, chủ yếu là đường mòn, gồ ghề, khó đi, song ông vẫn quyết định đi xe máy. Sau nửa ngày vật lộn, băng qua 3 con suối, 2 cánh rừng, ông Lai cũng đến được “điểm hẹn làm giàu”.
Quả thực như lời giới thiệu của người thân trước đó, những quả đồi ở cụm Sóc Tong được bao phủ bởi vựa cam Lào. Người dân nơi đây có “của ăn, của để”, nhiều nhà có đến 3 xe máy, con cái được đến trường.
Theo ông Lai, cái bụng của người Lào cũng tốt như người Việt. Khi biết, ông là người Việt Nam nên đã niềm nở, đón chào, cho ở nhờ. Ngày ngày, ông Lai theo người dân lên đồi trồng, chăm sóc cam mà không lấy công.
“Tôi nói với bà con nơi đây rằng “Cho tôi được ăn cơm, uống nước, ở nhờ. Mong bà con dạy tôi cách trồng cam. Tôi sẽ ở lại đồi, trồng, chăm sóc cam giúp mà không cần trả tiền công”. Sau thời gian ở Piềng Liềng, tôi nhận ra, chất đất, khí hậu ở đây giống với Suối Tút nên đã mua thử 100 cây cam giống về trồng”, ông Lai cho biết.
100 cây cam đầu tiên trồng không bị chết, ông Lai tiếp tục lên đường sang Lào học thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cam. Cứ như thế, trong năm 2013, ông Lai đã 4 lần “xuất ngoại”, mang về 400 cây cam giống và trồng trên gần 1ha đất của gia đình.
“Nín thở” chờ gần 10 năm… và cái kết như mơ
Dù được bà con bản địa thông báo, cam Lào phải trồng 8-10 năm mới cho quả nhưng ông Lai vẫn rất nóng lòng, bởi ở Mường Lát chưa ai mạo hiểm trồng loại cam này. Ông sợ công sức của mình “đổ sông, đổ bể” sẽ bị vợ càu nhàu, bà con trong bản cười chê.
Vừa chăm sóc cam, ông Lai vừa “nín thở” chờ cây đến ngày đơm hoa, kết trái. Năm 2022, khi vườn cam đã bước sang tuổi thứ 9, có 30% cây cam bắt đầu ra hoa.
“Thấy cam có nhiều hoa, đậu quả tốt, lòng tôi rộn ràng. Chờ cam chín, tôi cắt xuống, quả cam nhỏ hơn nắm tay nhưng vỏ mỏng, nhiều nước, ăn thử có vị ngọt thanh. Lúc này tôi đã đi khắp bản, gọi điện cho cán bộ xã chia sẻ niềm vui”, ông Lai nhớ lại ngày đầu tiên nếm thử thành quả do chính tay mình trồng.
Theo ông Lai, năm 2023, 50% cây cam trong vườn đã cho quả. Cam Lào được người tiêu dùng ưa thích, chín đến đâu, thương lái thu mua đến đó. Đặc biệt, vào chính vụ từ tháng 10 đến tháng 12 Âm lịch, nhiều thương lái ở Hà Nội tìm về tận vườn, chọn những quả cam nám, với giá 30.000 đồng/kg.
Cam là cây trồng khó tính và rất dễ bị bệnh. Đất trồng cam phải luôn tơi, xốp và độ ẩm phù hợp. Hằng tuần, ông Lai tưới nước cho cây, mỗi năm ông đều ủ phân chuồng hoai mục, bón cho cây 2 lần. Để phòng bệnh cho vườn cam, ông rắc vôi bột quanh gốc.
Ông Lai cho biết, diện tích đồi ở bản Suối Tút trước đây rất khó canh tác, vì dốc lại khan hiếm nguồn nước. Ông đã trồng nhiều loài cây như ngô, sắn, mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất nhanh bạc màu. Trồng cam Lào, hiệu quả gấp đôi so với trồng ngô, sắn.
Ông Vi Văn Thứ, Phó chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết, toàn xã có khoảng 30 hộ trồng cam Lào, diện tích hơn 5ha, tập trung ở 2 bản Suối Tút và Con Dao. Ông Tặng Văn Lai, là người trồng nhiều nhất và chính ông sang nước bạn Lào học hỏi, mang giống cam Lào về trồng.
“Thấy vườn cam của ông Lai phát triển tốt, cho thu nhập cao, đồng bào Dao ở bản Suối Tút và Con Dao đã mạnh dạn đến nhà ông Lai để học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Sắp tới, UBND xã sẽ vận động bà con chuyển đổi thêm 5ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam Lào”, ông Thứ cho biết thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm