Ông Nguyễn Văn Hậu (72 tuổi) lớn lên từ mảnh đất miền núi nghèo khó, từ nhỏ ông gắn bó với công việc đồng ruộng. Tuy nhiên gần 10 năm trở lại đây, sau khi “nghỉ hưu” công việc đồng ruộng, bắt đầu học tập nuôi ong.
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, ông Hậu thử nuôi vài đàn nhưng ong không cho mật, chết hàng loạt. Tiếp tục thử nuôi lại đàn mới, ong lại chết không rõ lý do khiến ông Hậu trắng tay. Mãi đến lần nuôi thứ 4, đàn ong bắt đầu sinh trưởng tốt và cho mật đều trong niềm hạnh phúc của lão nông già. Hiện tại gia đình ông Hậu có khoảng 35-40 đàn ong.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong, ông Hậu cho biết, gia đình tận dụng diện tích vườn xung quanh nhà để đặt thùng nuôi. Tất cả các thùng nuôi ong đều được làm bằng gỗ sung vì nó ít hút ẩm hơn so với nhiều loại gỗ khác; giúp giữ cho môi trường bên trong thùng nuôi ong luôn khô ráo và thoải mái cho ong làm tổ.
Nuôi ong chi phí thấp nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Trong quá trình chăm sóc, phải nắm rõ đặc tính của ong; phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh từng thùng theo dõi tình trạng ong, đặc biệt là phải chú ý đến ong chúa, tránh tình trạng chia đàn tự nhiên.
“Vào dịp mùa Xuân đến là thời điểm ong chia đàn nhiều. Vì thế khoảng 10 ngày phải kiểm tra một lần, nếu chậm quá ong sẽ chia đàn. Khi ong đã có nhu cầu chia đàn thì từ lúc xây tổ mới đến lúc hoàn thành chỉ trong phạm vi 12-15 ngày. Trong khoảng thời gian này tôi sẽ tách đàn để bán ong giống”, ông Hậu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông, đàn ong phát triển mạnh nhất vào mùa xuân; còn mùa hạ, mùa thu và mùa đông ít hoa nên kém phát triển, do đó đòi hỏi người nuôi ong phải giữ đủ lượng mật hoặc phải cung cấp phấn hoa cho chúng, nếu không đàn ong sẽ bay đi nơi khác.
Khi được hỏi về thời điểm thích hợp để thu hoạch mật ong, ông Hậu cho hay, gia đình tập trung khai thác mật từ tháng 2 đến tháng 6. Lúc này cây cối nhiều hoa nên ong cho mật nhiều, ngon và chất lượng nhất trong năm.
“Trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 ngày sẽ quay mật một lần. Tuy nhiên vào mùa hoa nhãn, hoa vải thì chỉ cần 6-7 ngày. Qua tháng 6, tôi nghỉ khai thác để tiếp tục tách đàn và nhân giống bán”, ông Hậu cho biết thêm.
Với 35-40 đàn ong, mỗi năm, gia đình ông thu về khoảng 150 chai mật; giá bán tại vườn 450.000 đồng/chai. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông còn bán thêm từ 25-30 đàn ong giống với giá 1.200.000 đồng/thùng (một đàn gồm 4 cầu ong). Thu nhập từ bán mật và ong giống của gia đình mỗi năm lên đến 100 triệu đồng.
Được biết, hiện nay ông Hậu là một trong những hộ cung cấp ong giống lớn uy tín trên địa bàn xã Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc). Không chỉ vậy, ông còn tận tình đến các gia đình khác nuôi ong để chia sẻ kinh nghiệm làm cầu ong, nhân giống giúp họ.
Hán Thương – Trần Thể
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm