Ngày 14/3, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ về việc triển khai đề án bán tín chỉ carbon đã ấp ủ nhiều năm mà đến nay địa phương chưa thực hiện được.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam, dù trên thế giới đã làm.
“Đối với Việt Nam, hành lang pháp lý để đảm bảo việc bán tín chỉ carbon chưa có. Thứ 2 là nguồn thu từ bán tín chỉ carbon dùng vào việc gì, trực tiếp sử dụng cho công tác bảo vệ rừng, trồng rừng hay đưa vào ngân sách để chi cho các hoạt động đó, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng đề án mẫu, phù hợp với chuẩn quốc tế để mời các đơn vị tư vấn quốc tế tham gia xây dựng, giúp cho chúng ta chào bán trên thị trường quốc tế còn lúng túng.
Việc xác định các vùng ưu tiên tập trung lưu trữ carbon, quản lý rừng bền vững… tỉnh Quảng Nam còn phụ thuộc vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, các cơ quan cũng đang nghiên cứu để triển khai sao cho phù hợp nhất, vừa đảm bảo phát triển rừng bền vững, gắn với đảm bảo kinh tế rừng, phát triển nguồn dược liệu dưới tán rừng…
“Có nhiều nội dung cần phải làm liên quan đến đề án bán tín chỉ carbon. Vì vậy, việc triển khai dự án tại Quảng Nam còn những hạn chế nhất định, do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn rõ hơn, tạo điều kiện trong việc xây dựng đề án và đăng ký tham gia bán tín chỉ carbon trên thị trường thế giới”, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam trình bày.
Năm 2021, tỉnh Quảng Nam được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính, thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm, 2021-2025.
Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương.
Tỉnh Quảng Nam có gần 630.000ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được khoảng 1 triệu tấn carbon.
Đề án thí điểm bán tín chỉ carbon sẽ giúp tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong 10 năm tới, nâng độ che phủ lên 61% vào năm 2025, phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu m3 gỗ và giảm phát thải trên 14 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Theo đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về 130 tỷ đồng; tuy nhiên khi triển khai gặp vướng mắc về pháp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, bán tín chỉ carbon rừng được hiểu đơn giản là bán không khí, một khái niệm mới nên hành lang pháp lý chưa đầy đủ, do đó còn nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm