Ông Lưu Quang Trương (66 tuổi) sinh sống ở một vùng quê thuộc xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời chiến tranh, gia đình ông thường xuyên chuyển nơi sinh sống từ Quảng Nam lên các tỉnh Tây Nguyên rồi về lại Khánh Hòa nên việc học hành dang dở. Do đó, ông Trương học hết lớp 3 rồi ở nhà phụ bố mẹ làm việc đồng áng.
Thấy người nông dân làm việc vất vả nhưng hiệu quả công việc thấp, ông Lưu bắt đầu nghiên cứu sáng chế các loại máy với mong muốn giảm công lao động, tăng năng suất.
Với đôi bàn tay khéo léo, kiến thức tự tích lũy qua quá trình làm việc ông Trương bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế các loại máy móc bằng những vật liệu cũ, tái chế.
Thế là các loại máy do ông cải tiến, sáng chế lần lượt ra đời như máy cày chạy bằng động cơ honda, máy tuốt đậu đen, đậu phộng, máy phát cỏ kết hợp xới cỏ…
“Nhà cũng có đất để trồng cây ăn quả, muốn cày bừa phải nuôi bò cực quá nên tôi kiếm ít vật liệu cũ như động cơ xe máy, sắt phế liệu hết chừng 4 triệu đồng về làm một con máy cày. Máy này cơ động, thích làm khi nào chỉ cần đổ xăng vào rồi cày thôi”, ông Trương nói.
Theo ông Trương máy cày cầm tay dễ điều khiển theo mong muốn của mình, đặc biệt là đi vòng vun gốc, làm cỏ trong phạm vi hẹp – điều này bò, trâu không làm được. Mặc khác, nuôi bò, trâu phải chăm sóc cỏ, rơm.
Trong các sáng chế của mình, ông Trương tâm đắc nhất với sản phẩm máy ép dầu vì nhờ nó mà gia đình ông có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
“Có máy nhiều người trong làng đem đậu phộng, mè đến để tôi ép dầu, nhờ vậy mà gia đình có thu nhập ổn định”, ông Trương cho hay.
Để làm được máy ép dầu, ông Trương tận dụng động cơ của xe ô tô cũ sau đó cải tiến lại công năng theo mong muốn của bản thân.
“Đây là chiếc máy ép dầu đầu tiên trong vùng, ngày xưa người ta toàn phải ép bằng thủ công vừa tốn công, lại không kiệt dầu trong hạt đậu phộng, hạt mè. Thấy máy hoạt động hiệu quả, một số nơi đã nhờ tôi hỗ trợ họ lắp đặt”, ông Trương cho hay.
Phía trong chi tiết máy do ông Trương sáng chế.
Máy xay bánh dầu (phụ phẩm còn lại khi ép kiệt dầu) được ông Trương làm với giá 10 triệu đồng.
Ông Giang Thượng (62 tuổi), người dân địa phương cho hay các sản phẩm do ông Trương chế tạo đều rất hữu ích, giúp giảm công lao động, tăng năng suất và giá thành hợp lý.
“Anh Trương được người trong làng vô cùng quý mến và đặt cho biệt danh kỹ sư chân đất”, ông Thượng nói.
Với những sáng chế, cải tạo của mình “kỹ sư chân đất” Lưu Quang Trương đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ cấp địa phương đến Trung ương.
Bà Triệu Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam cho biết ông Trương tuy là nông dân nhưng rất am hiểu về cơ khí, ông đã có nhiều cải tiến có giá trị phục vụ công việc của nhà nông.
Các máy móc cải tiến đều có giá thành rẻ, tận dụng vật liệu cũ, nâng cao công năng so với máy móc cùng loại bán trên thị trường mà lại gần gũi với các hoạt động nhà nông.
Đến nay, ông Trương đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh 3 lần, trong đó 2 lần đạt giải khuyến khích, 1 lần đạt giải ba. Ngoài ra ông Trương còn được tặng bằng khen từ UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm