Quyết nghỉ thêm 4 ngày không lương
2 tháng trước, chị Nguyễn Thị Thanh đã đọc được thông tin về lịch nghỉ Tết năm 2024. Giống mọi năm, dịp này, người lao động được nghỉ 5 ngày theo quy định của pháp luật. Do trùng với ngày nghỉ hằng tuần, nên họ được nghỉ bù thêm 2 ngày nữa, tổng là 7 ngày.
Sinh ra ở tỉnh Ninh Thuận, sau khi tốt nghiệp, chị làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin ở TPHCM. Tháng 6/2023, chị Thanh nghỉ việc và đầu quân về công ty chuyên về phân phối các sản phẩm thiết bị lưu trữ. Chị làm ở vị trí liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử của công ty.
Cả một năm làm việc quần quật tại thành phố lớn, số lần về quê của chị đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, tết Nguyên đán là dịp lý tưởng để chị đoàn tụ, sum họp bên gia đình.
Đây cũng là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm nên chị Thanh muốn dành trọn vẹn thời gian ở quê hương để thăm hỏi người thân. Vì lẽ đó, chị vô cùng quan tâm đến số ngày nghỉ đã được công bố.
Với chị, nghỉ 7 ngày liên tiếp là phù hợp, thời gian đủ dài để quây quần bên gia đình và làm mới tinh thần, chuẩn bị cho một năm mới làm việc hứng khởi hơn.
Song, sau khi nhận được thông báo về ngày nghỉ Tết chi tiết của công ty, chị Thanh bàng hoàng khi bị trừ một nửa ngày phép trong năm. Nguyên nhân do công ty làm việc 1/2 ngày thứ bảy, mà ngày này rơi vào mùng 1 Tết.
Chính vì vậy, để được nghỉ 7 ngày liên tiếp, công ty sẽ trừ 1/2 ngày nghỉ phép cho ngày nghỉ bù của người lao động.
Sự thất vọng xâm lấn trong tâm trí của chị Thanh. Bên cạnh đó, công ty đã thông báo lịch khá muộn nên chị không thể đặt vé xe về quê ăn Tết.
“Di chuyển từ TPHCM, tôi mất 6 giờ đi xe khách mới đặt chân về đến nhà. Những người lao động ở xa quê, cuối năm phải đặt vé tàu xe sớm”, chị Thanh nói.
Tính đi tính lại, chị quyết định phải nghỉ thêm 4 ngày không lương, chia đều trước và sau Tết. Có như vậy, chị Thanh mới dễ dàng hơn trong việc mua vé xe về quê.
Công ty có quy định riêng, không được sử dụng phép của những tháng kế tiếp. Chính vì vậy, buộc lòng chị phải chọn phương án nghỉ việc không lương.
Chị ước tính, mỗi ngày nghỉ không lương sẽ mất khoảng 600.000 đồng. Chị mong mỏi công ty có những quy định về ngày nghỉ lễ, Tết thông thoáng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân viên xa quê.
Thông báo cho người lao động biết trước
Không chỉ công ty chị Thanh làm việc, doanh nghiệp mà anh Nguyễn Văn Tuấn đã thông báo về lịch nghỉ Tết năm 2024, cũng bị trừ 1/2 ngày phép. Nguyên nhân cũng do công ty anh Tuấn làm việc buổi sáng thứ bảy hằng tuần.
Theo anh này, công ty cũng dựa trên đúng quy định pháp luật về ngày lễ, Tết trong năm. Chính vì vậy, khi thông báo đến toàn thể lao động, anh cũng phải chấp nhận theo.
Bà Vũ Thùy Trang, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương 5 ngày dịp tết Âm lịch.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định về nghỉ hằng tuần. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, Tết quy định thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo bà Trang, về nghỉ hằng năm, tại Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động có quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo cho người lao động được biết…”
Căn cứ vào quy định trên, bà Trang cho biết, ngày nghỉ hằng tuần là một buổi sáng ngày thứ bảy và cả ngày chủ nhật. Bên cạnh đó, ngày nghỉ tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hằng tuần (mùng 1 và mùng 2 Tết trùng ngày thứ bảy, chủ nhật).
Như vậy, người lao động của công ty ngoài được nghỉ 5 ngày tết Âm lịch thì sẽ được nghỉ bù 1,5 ngày vào ngày làm việc kế tiếp (tức nghỉ cả ngày thứ ba ngày 13/2 và nửa ngày thứ tư 14/2).
“Công ty có thể cho nghỉ thêm một nửa ngày nữa vào dịp Tết và trừ vào ngày phép năm của người lao động sau khi đã tham khảo ý kiến của họ và thông báo cho họ biết trước”, bà Trang nói.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm