Sáng 5.5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức tọa đàm giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở.
Tiếp nhận 390 đơn khiếu nại, tố cáo… của người lao động
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết năm 2021, phía Thanh tra Sở tiếp nhận, xử lý và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người lao động đã và đang làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động trên địa bàn TP.HCM.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục đánh giá đây là một lượng đơn khá nhiều vì trong năm 2021 có hơn 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Trong số 390 đơn mà Thanh tra Sở tiếp nhận, có 256 đơn khiếu nại; 65 đơn tố cáo; 69 đơn phản ánh kiến nghị.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, phát biểu tại tọa đàm NGỌC DUY |
Cụ thể, các đơn khiếu nại các doanh nghiệp vi phạm về hợp đồng lao động (bố trí công việc không đúng, trả lương không đúng, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định…); không trả đủ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội dẫn đến việc người lao động không làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Các đơn tố cáo có nội dung tố cáo các doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; thay đổi mức lương hằng năm theo lương tối thiểu nhưng lương thực lãnh chỉ bằng hoặc hơn rất ít; không có nội quy, thỏa ước lao động; tăng ca nhiều; tính lương tăng ca, làm đêm, làm ngày nghỉ, ngày lễ không đúng…
Các nội dung tố cáo, theo bà Thục, thường thì doanh nghiệp vi phạm đối với số đông người lao động, việc vi phạm này dễ xảy ra đình công, lãng công tại doanh nghiệp. Hầu hết các nội dung tố cáo là tố cáo đúng, qua giải quyết có xử lý hành vi vi phạm với doanh nghiệp.
Theo Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhiều doanh nghiệp chưa nắm hết pháp luật về lao động, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động; một số doanh nghiệp vi phạm vì lý do kinh tế, do dịch Covid-19 không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như việc trả lương, tham gia BHXH…
Phía người lao động cũng chưa nắm rõ về những quy định của pháp luật dẫn đến quyền và lợi ích của mình bị xâm hại mà không biết; không có nơi hướng dẫn, tư vấn dẫn đến đình công, lãng công, khiếu nại vượt cấp, tố cáo không đúng nơi giải quyết… nhất là ở những doanh nghiệp công đoàn cơ sở chưa phát huy hết vai trò bảo vệ người lao động tại nơi làm việc hoặc tại những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
|
Ngày 5.5: Cả nước 4.305 ca Covid-19, 5.084 ca khỏi | Hà Nội 684 ca | TP.HCM 82 ca |
Phát huy vai trò của công đoàn cơ sở
Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho biết, vai trò của công đoàn cơ sở chưa phát huy, chưa thực sự là địa chỉ tin tưởng của người lao động.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho hay công đoàn cơ sở phải nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư của người lao động NGỌC DUY |
Tại hội nghị, để hạn chế tranh chấp lao động, nhiều đại biểu cho hay cần phải tăng cường tuyên truyền pháp luật lao động cho người sử dụng lao động, người lao động, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên; các quy định về chế độ tiền lương, thưởng…
Đồng thời, cần nâng cao năng lực, vai trò của công đoàn cơ sở, là tổ chức đại diện cho người lao động thật sự có hiệu quả.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, phát biểu: “Công đoàn tại các cơ sở, doanh nghiệp phải nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tâm tư tình cảm, nguyện vọng, môi trường việc làm, tiền lương và tiền thưởng của người lao động, qua đó hóa giải những mâu thuẫn mới phát sinh. Đứng ra làm cầu nối để đối thoại, thương lượng, giải quyết trên cơ sở công bằng lợi ích của hai bên, không ép doanh nghiệp và không để người lao động phải chịu thiệt thì sẽ hạn chế được những tranh chấp lao động”.
Theo thống kê của LĐLĐ TP.HCM năm 2021, TP.HCM xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể với 3.696 người tham gia.
Tin liên quan
Lao động – Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm