Đó là chia sẻ của TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL tại Diễn đàn chính sách phát triển ĐSBCL nhìn từ liên kết vùng và cơ chế hợp tác giữa các địa phương, diễn ra mới đây ở Cần Thơ.
Làm gì để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa?
TS Đặng Kiều Nhân cho biết, trong 10 năm qua giá lúa tăng hơn 3%/năm nhưng lợi nhuận lại không tăng tương ứng.
Qua thống kê, ước năm 2023 tổng thu từ sản lượng lúa gần 130 triệu USD, tăng khoảng 20 triệu USD so với năm 2012; tổng chi năm 2023 hơn 70 triệu USD, tăng gần 30 triệu USD so với năm 2012.
Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2023 ước chỉ đạt trên 50 triệu USD, thấp hơn so với năm 2012 gần 10 triệu USD. “Chỉ tính phân và thuốc bảo vệ thực vật tăng 50-62% trong chi phí sản xuất”, ông Nhân thông tin.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, ngành lúa gạo rất trăn trở trước thông tin người nông dân làm 10 năm vẫn thấy lỗ. Vậy làm gì để nâng cao thu nhập cho người nông dân từ sản xuất lúa gạo?
Ông Thòn đã tiếp cận vấn đề này bằng việc đưa ra bao nilon với chất liệu bằng polymer sinh học, một sản phẩm làm từ trấu nghiền, tấm phế phẩm,… của lúa gạo.
“Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm từ 43 triệu tấn lúa có thể thu gom 5 triệu tấn trấu. Với 5 triệu tấn trấu này, chúng ta làm ra được 25 triệu tấn polymer sinh học. Sau khi trừ các chi phí, sản phẩm mang lại lợi nhuận trong ngành lúa gạo 3-3,5 tỷ USD”, ông Thòn nói.
Theo ông Thòn, chỉ một mặt hàng trấu làm polymer sinh học đã cho ra con số khủng khiếp như vậy, chứ chưa nói đến các sản phẩm khác như sơn chống đạn, sơn chống cháy, vật liệu xây dựng,…
Những phụ phẩm từ lúa gạo hoàn toàn có thể biến thành sản phẩm chính có giá trị gia tăng rất cao, để bù đắp cho phần thu nhập thấp của người nông dân hiện nay.
“Vấn đề là hoàn thiện công nghệ, nâng cấp thiết bị từ quy trình đến sản xuất và việc này rất khả thi bởi thiết bị hoàn toàn trong nước”, ông Thòn kỳ vọng.
Chia sẻ về Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam vừa được thành lập, ông Huỳnh Văn Thòn (người cũng được bầu làm Phó chủ tịch hiệp hội) cho rằng, hiệp hội phải quyết liệt để giải quyết ngành lúa gạo cho đồng bằng.
Câu chuyện liên kết vùng, liên kết các tỉnh, thành miền Tây đã nói rất nhiều, theo ông Thòn, bây giờ hiệp hội làm thử bắt đầu việc đăng ký với TPHCM để cung ứng gạo cho thành phố.
Hướng đến ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, thu nhập của nông dân thấp có thể được giải quyết cơ bản khi chúng ta làm tốt, đúng, được đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL.
Muốn nâng cao vị thế cho người nông dân, theo ông Thòn, trong việc cung ứng cần dịch chuyển quyền thương lượng từ người mua sang người bán. Điều đó có thể dẫn đến ổn định, không còn cảnh trúng mùa mất giá.
“Việt Nam có khả năng đáp ứng gần như tất cả các đơn đặt hàng cho dù khó tính nhất của thế giới về số lượng, thời gian, chủng loại”, ông Thòn cho biết.
TS Lê Hoàng Kiệt, Giám đốc Dự án Sản phẩm mới và Giải pháp dịch vụ nông nghiệp (Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau), cho rằng hiệu quả của các mô hình liên kết có tính thị trường như “cánh đồng lớn”, “sản xuất lúa giảm phát thải”, “liên kết 4 nhà”, “liên kết theo chuỗi” … nhìn chung còn hạn chế.
“Chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL có nhiều tầng nấc trung gian mà lại quá ít giá trị gia tăng, người nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu từ đó”, TS Kiệt chia sẻ.
TS Kiệt cho rằng ĐBSCL cần đi tiên phong trong phát triển nông nghiệp giảm phát thải, bền vững và dẻo dai trước những biến động về môi trường và khí hậu.
Để thực hiện được mục tiêu này, ĐBSCL cần ưu tiên thúc đẩy sinh kế nông nghiệp phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học để hỗ trợ hấp thụ carbon, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.
Đồng thời, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm