Chia sẻ tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau mới đây, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (người được mệnh danh là “vua tôm”), cho biết ngành tôm Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây luôn đối mặt với các dịch bệnh rất nghiêm trọng.
“Gần đây nhất năm 2022-2023 người nuôi lỗ rất lớn vì bị dịch bệnh tôm nuôi hoài tôm không lớn”, ông Quang thông tin và cho rằng đó là một trong những lý do làm người nuôi tôm lỗ nặng, cụt vốn, treo ao trên 70%.
Theo ông Quang, chính điều đó đã đẩy giá thành tôm nuôi Việt Nam đã cao lại càng cao hơn, vì thế không thể cạnh tranh được với Ecuador, Ấn Độ, Indonesia.
Tại sao giá thành tôm Việt Nam cao hơn gấp đôi Ecuador?, theo “vua tôm” Lê Văn Quang, Ecuador tiếp cận theo cách nuôi tôm kháng bệnh, chống chịu cao, vừa sức tải của môi trường nên 20 năm nay họ có tôm kháng bệnh rất tốt.
Còn Việt Nam tiếp cận theo cách nuôi tôm sạch bệnh, lớn nhanh, nhưng sạch bệnh khi thả vào môi trường đầy mầm bệnh thì đa số chết; lớn nhanh thì khả năng chống chịu với thời thiết khí hậu và môi trường kém nên tôm cũng bị chết.
Theo ông Quang, giá thành tôm nuôi Việt Nam cao hơn Ấn Độ 30%, bởi vì Ấn Độ và Indonesia chỉ nuôi với mật độ 60-70 con/m2. Trong khi đó, Việt Nam nuôi 200-250 con/m2 với cầu mong được sản lượng cao, giá thành thấp, lợi nhuận cao hơn.
“Vua tôm” thẳng thắn chia sẻ rằng, sau hơn 30 năm nuôi tôm, ông mới nhận thấy “lòng tham đã che mờ mắt mình”. Đó là trước kia nuôi tôm với mật độ 60-70 con/m2 thì thành công, lợi nhuận rất cao. Sau đó, cứ nuôi tăng dần 120-350/con/m2 và càng nuôi tôm tỷ lệ sống càng thấp, chỉ đạt dưới 40%, càng lỗ trầm trọng.
Ông đã giảm mật độ nuôi xuống 150 con/m2 và không để vượt sức tải 2,5kg/m3 thì tỷ lệ tôm sống tăng lên 77,5%, nhưng vẫn lỗ. Bởi vì, giá thành tôm nuôi cao mà giá bán thấp do phải cạnh tranh với 3 quốc gia trên.
“Chả lẽ mình bỏ nghề nuôi tôm sao, phải tìm được cách nào đó để vượt qua chứ”, “vua tôm” chia sẻ nỗi trăn trở.
Theo ông Lê Văn Quang, nhiều đêm thức trắng cùng các chuyên gia rà soát hơn 50 công nghệ mà ông đã học được và thử nghiệm để giải bài toán hóc búa là nuôi tôm với giá thành bằng hoặc thấp hơn Ecuador, tức dưới 80.000/kg 30 con.
Ông Quang cho biết, tập đoàn Minh Phú đã đưa ra công nghệ nuôi tôm sinh học với nhiều giải pháp và đạt được kết quả rất tốt.
“Đến giờ này ao nuôi dài nhất 100 ngày, thu 225 con/kg; ao trung bình 90-95 ngày, cỡ 28-34 con/kg; ao ngắn nhất 55-65 ngày, cỡ 20-25 con/kg”, ông Quang chia sẻ.
“Vua tôm” trăn trở, để tháo gỡ hơn 70% diện tích của các hộ dân treo ao, hướng đi đó là hợp tác nuôi theo công nghệ sinh học, bảo hiểm cho hộ nuôi để giảm thiểu rủi ro….
“Nếu có bảo hiểm nuôi tôm, hộ nuôi chỉ mua thức ăn tôm với giá khoảng 27.000 đồng/kg, chứ không thể mua 35.000-40.000 đồng/kg như hiện nay. Vì thế, làm giá thành giảm 25%”, ông Quang khẳng định.
Mong muốn tại hội nghị, ông Lê Văn Quang cho rằng, chặng đường ngành tôm phía trước còn gian nan vất vả. Khi được sự chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, sự hợp tác của hộ dân, chắc chắn giá thành nuôi tôm sẽ thấp hơn Ecuador.
“Lúc đó, Việt Nam là cường quốc chế biến tôm trên thế giới thì thị trường tôm toàn cầu sẽ là của nước ta”, “vua tôm” kỳ vọng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm