Góc hành lễ giữa văn phòng, khách sạn
12h, văn phòng im ắng, tắt hết đèn, các nhân viên trở về bàn làm việc của mình để nghỉ trưa. Cả phòng chỉ có Amin (28 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) nhẹ nhàng dọn gọn khu vực quanh bàn làm việc, rồi trải xuống sàn một chiếc thảm với hoa văn rực rỡ.
Amin quay mặt về phía bức tường, bắt đầu nhắm mắt, chắp tay cầu nguyện. Hành lễ khoảng 10 phút, xong chàng trai mới dọn dẹp để nghỉ trưa cùng các đồng nghiệp.
Amin là nhân viên của một công ty văn phòng phẩm gần 10 năm. Là một tín đồ Hồi giáo, có nhiều quy định, nghi thức tôn giáo cậu thực hiện hàng ngày tạo tò mò, khác biệt thú vị nơi công sở. Thời gian đầu, cậu nhiều lần phải giải đáp những thắc mắc mà những người xung quanh đặt ra cho mình.
“Đôi lúc đang trò chuyện với đồng nghiệp, tôi phải xin dừng một lát vì tới giờ cầu nguyện. Lúc đầu mọi người thấy lạ, nhưng sau đó cũng quen, rất tạo điều kiện để tôi thực hiện những nghi lễ tôn giáo của mình”, Amin kể.
Chàng trai cho hay, người theo đạo Hồi phải hành lễ, cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, sử dụng lịch riêng. Trước khi hành lễ, mỗi tín đồ đều cẩn trọng tìm một không gian thật sạch sẽ, rửa tay, chân, mặt để thanh tẩy cơ thể, tâm trí.
Đôi lúc công ty có những cuộc họp khẩn cấp, buộc phải bỏ lỡ giờ hành lễ thì Amin sẽ cầu nguyện “bù” ở nhà.
“Có một quy định là trong giờ cầu nguyện, nếu đang đi ngoài đường mà nghe tiếng chuông từ thánh đường, tín đồ Hồi giáo phải chạy ngang đến đó để hành lễ. Chuyện này tôi đã gặp nhiều lần, dù có đang bận rộn công việc cỡ nào tôi cũng nghiêm túc thực hiện”, Amin nói.
Hah Sanat (26 tuổi, ngụ tại quận 8), nhân viên của một khách sạn ở TPHCM, cho hay cô cũng thông báo trước cho người quản lý về những hoạt động tín ngưỡng của mình.
“May mắn, người quản lý rất thấu hiểu, tôn trọng. Các đồng nghiệp còn dọn sạch một chỗ trống ở khách sạn để tôi có thể cầu nguyện khi đến giờ hành lễ”, Sanat cho hay.
Kỷ niệm đáng nhớ nơi công sở
Theo Sanat, giáo luật quy định việc uống rượu, bia, ăn thịt heo là điều tối kỵ đối với tín đồ Hồi giáo. Ngoài ra, người theo đạo Hồi cũng chỉ ăn hải sản và thịt động vật được chính tay các tín đồ Hồi giáo giết mổ.
Vì thế, Sanat luôn tự nấu đồ ăn ở nhà mang đến công ty. Điều này tạo cho cô thói quen ít có những bữa ăn, cuộc vui bên ngoài với đồng nghiệp.
Đặc biệt, cô gái càng hạn chế ra ngoài cùng đồng nghiệp, bạn bè khi bước vào tháng Ramadan – tháng nhịn chay (diễn ra trong vòng 1 tháng, năm nay bắt đầu từ ngày 11/3). Vào tháng này, cô sẽ không ăn, uống từ 5h đến 18h10.
Thời gian đầu, Sanat không ít lần cảm thấy mệt mỏi, choáng váng giữa buổi làm việc. Thế nhưng, chỉ ít ngày là cô có thể làm quen với lịch sinh hoạt, cảm giác mệt mỏi cũng không còn.
Với Amin, anh chia sẻ bản thân chưa từng uống một giọt rượu, bia nào. Ngay cả khi tham gia những bữa tiệc liên hoan với toàn công ty, anh cũng chỉ uống nước lọc, ăn hải sản. Nếu không, chàng trai chấp nhận để bụng đói, về nhà mới ăn.
“Tôi tôn trọng những người xung quanh nên vẫn sẽ đến. Tuy nhiên, tôi cũng không thể yêu cầu mọi người phải ăn theo ý mình hay bỏ thời gian chuẩn bị cho mình một phần ăn riêng. Mọi người cũng thấu hiểu và thường để tôi về nhà sớm, dùng bữa với gia đình”, Amin bộc bạch.
Amin kể, một người đồng nghiệp từng muốn đãi anh ăn gà trong một dịp anh đến thăm nhà. Vì không thể ăn thịt do người ngoại đạo giết mổ, chàng trai liền nảy ra ý tưởng tự tay làm thịt gà, rồi để người đồng nghiệp chế biến.
“Khoảnh khắc đó vô tình cho tôi một kỷ niệm vui, đáng nhớ trong quá trình đi làm. Nhiều người lo rằng những quy định nghiêm ngặt sẽ khiến tôi cảm thấy bất tiện, nhưng thực tế, tôi rất thoải mái và tự hào về tín ngưỡng của mình. Vui hay buồn thì tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người thôi”, Amin tâm niệm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm