Ông chủ cơ khí, trang trại theo mô hình mới
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An), anh Vũ Đình Giáp (40 tuổi) nhận thức, phải làm kinh tế mới có thể thoát nghèo và uớc mơ đổi đời bằng xuất khẩu lao động nhen nhóm trong anh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Năm 2006, khi đang theo học tại trường Cao đẳng công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (Cao đẳng Việt – Hàn) anh nghe giới thiệu về chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS). Nhắm cơ hội đổi đời, anh quyết tâm học và thi đỗ bằng được tiếng Hàn để xuất ngoại.
“Tôi nỗ lực học tiếng và thi đỗ, đạt điểm cao của kỳ thi năm 2006. Trong năm đó, tôi sang Hàn Quốc với tư cách thuyền viên, làm việc trên một tàu đánh cá tại đảo JeJu”, anh Giáp kể.
Năm đầu ở xứ sở Kim Chi, hầu hết thời gian trong ngày chàng thanh niên quê Nghệ An lênh đênh trên biển làm công việc kéo lưới và lặn bắt bạch tuộc… Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, có lúc mười đầu ngón tay của anh sưng vù, lưng đau nhức, cuộc sống trên thuyền thiếu thốn, không có sóng điện thoại để liên lạc về với gia đình.
“Những bữa cơm trên thuyền hầu hết đều chan nước mưa, thời tiết rất khắc nghiệt. Làm việc dưới nước nhiều, có lúc tôi không cầm nổi đũa, thìa, phải lấy tay bốc cơm ăn, nuốt đến đâu nghẹn ngào đến đó.
May mắn là tôi gặp được người chủ tốt, mua cho từng viên thuốc, nấu cho từng bát cháo, may cho từng bộ quần áo….”, anh Giáp nhớ lại.
Sau 1 năm làm việc trên tàu, anh Giáp quyết định nghỉ việc để tìm một công việc liên quan đến ngành cơ khí – ngành nghề anh được đào tạo ở Việt Nam. May mắn sau đó, anh được một công ty nuôi và sản xuất hàu thuê nhận vào làm.
Tại đây, anh chế tạo ra máy làm sạch hàu. Chiếc máy do anh làm có khả năng thay thế sức làm việc của 3 nhân công. Chưa dừng lại, anh còn phát minh thêm nhiều máy móc mới. Những lỗ lực của chàng trai Việt Nam giúp anh “lọt mắt xanh” ông chủ. Từ đó, thu nhập hàng tháng của anh thợ người Việt tăng lên đáng kể.
“Số tiền tôi gửi về Việt Nam dần dần nhiều hơn, ngoài giúp bố mẹ xây ngôi nhà khang trang hơn, tôi cũng mua thêm được mảnh đất ở quê. Ở bên Hàn, tôi rất được lòng vợ chồng ông chủ, thậm chí họ ngỏ lời nhận tôi làm con nuôi, hai lần giúp tôi xin quốc tịch Hàn Quốc nhưng thời gian lưu trú chưa đủ nên khi hết hợp đồng làm việc, tôi phải trở về nước”, anh Giáp chia sẻ.
Hồi hương, anh Giáp làm việc tại công ty chuyên về máy móc công nghiệp của Hàn Quốc. Công việc do Cơ quan Phát triển Nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) giới thiệu, kết nối.
Sau gần 8 năm làm việc tại công ty, đến 2019, anh lập công ty riêng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gia công cơ khí và tráng phủ kim loại, chuyên sản xuất băng tải, băng chuyền, cung cấp thiết bị phòng sạch…
“Mới đầu, công ty của tôi chỉ có 5 công nhân, doanh thu hàng năm khoảng 120.000 USD. Sau 5 năm thành lập, công ty hiện có 30 công nhân và doanh thu tăng lên mức 620.000 USD”, anh Giáp chia sẻ.
Hiện tại, công ty của anh Giáp không chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong nước mà còn là đối tác của nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung và LG.
Trở về sau khi được phái cử sang Hàn Quốc làm việc, anh Vũ Đình Gió (34 tuổi, quê Bắc Hà, Lào Cai) cũng là một tấm gương vượt khó làm giàu, hiện anh đang sở hữu một trang trại trồng dâu tây và rau sạch.
Tại ngày hội việc làm, tôn vinh lao động hồi hương lập nghiệp thành công diễn ra cuối tháng 11/2023, anh Gió chia sẻ, sau khi tốt nghiệp cao đẳng du lịch, anh đi làm nhưng đồng lương thấp, gia đình lại khó khăn nên quyết tâm nghỉ việc, đi học tiếng Hàn để đi xuất khẩu lao động.
Anh Giáp chọn đi Hàn làm nông nghiệp với hy vọng sẽ mang kiến thức học hỏi được về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Với nghị lực, ý chí mãnh liệt đó, sau khi về nước cuối năm 2019, anh dồn hết số vốn tích cóp được sau 4 năm làm việc ở xứ sở Kim Chi về quê lập nghiệp, xây dựng trang trại trồng dâu và rau sạch.
“Thời gian đầu cũng gian nan lắm. Khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, việc mua giống dâu từ Hàn về gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian chờ đợi, lúc mua được về rồi lại thiếu phân bón, có phân bón thì nguồn nước chưa xử lý được… nên dâu xuống giống xong chết hết. Phải mất 1-2 lần như vậy, tôi mới đưa ra được quy trình sản xuất chuẩn và cây dâu mới phát triển tốt, cho quả”, anh Gió kể.
Hiện tại, mỗi cân dâu tây tại vườn của anh Gió được bán ra với giá 200.000-400.000 đồng, tùy thời điểm. Anh chia sẻ, so với dâu Việt Nam, giống dâu tây của Hàn Quốc cho quả to, mọng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, quả thơm ngon hơn nên giá trị cũng cao hơn. Năm 2020 -2021, dù đối mặt với dịch bệnh, nhưng trang trại trồng dâu của anh mỗi năm cũng mang về khoản lãi 300 triệu đồng.
Tương lai, anh dự định mở rộng mô hình trồng dâu, làm nhà nuôi cấy và sản xuất cây giống. Ngoài ra, anh cũng đang xây dựng trang trại theo hướng vừa sản xuất vừa làm du lịch cộng đồng theo mùa vụ.
“Nếu có cơ hội, tôi sẽ đi làm việc tại Hàn Quốc thêm một lần nữa và vẫn đăng ký làm việc trong ngành nông nghiệp. Tôi muốn qua đó để học hỏi thêm một số kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp hiện đại về áp dụng cho sản xuất kinh doanh”, anh Gió nói.
Nâng cao chất lượng lao động Việt xuất cảnh
Năm 2023, hoạt động xuất khẩu lao động tiếp tục có bước phát triển vượt bậc, mang lại những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Để có kết quả đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống, trước hết là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Thực tế, chỉ 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu “xuất khẩu lao động” đã vượt mục tiêu cả năm 2023.
Cục Quản lý lao động ngoài nước ước tính, hết tháng 12/2023, cả nước đưa được hơn 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 8,5% so với năm 2022. Đây là con số lao động xuất cảnh cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, số người đi Nhật Bản làm việc chiếm khoảng 50% (gần 80.000 người).
Tính chung sau 10 năm thực hiện chính sách đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, Việt Nam có khoảng 650.000 người xuất cảnh, trong đó riêng thị trường Nhật Bản hơn 300.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) hơn 260.000 người, Hàn Quốc khoảng 50.000 người, còn lại ở các thị trường khác. Nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trung bình mỗi năm đem lại nguồn lợi cho đất nước từ 3,5 – 4 tỷ USD.
Để có được thành quả đó, thời gian qua, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, nâng quyền lợi cho lao động Việt Nam tại các cuộc gặp gỡ, làm việc với cơ quan chức năng các nước tiếp nhận.
Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh Việt, nhất là đối với các lĩnh vực mà nước này thiếu hụt nhân lực, trao đổi để phía Nhật đẩy mạnh việc tiếp nhận nhân lực chất lượng có kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng và tay nghề cao…
Ghi nhận những ý kiến đó, hiện Nhật Bản đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động qua chương trình kỹ năng đặc định với mức lương, chế độ tốt hơn chương trình thực tập sinh. Với thay đổi mới này, người lao động sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề hơn. Đây là kết quả tích cực ghi nhận sau những chuyến đi Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giữa tháng 12 năm 2023.
Ngoài thị trường này, trong năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH cũng nỗ lực đàm phán với Hàn Quốc để ký Thỏa thuận triển khai Hiệp định về bảo hiểm xã hội. Đến nay, Hiệp định hợp tác song phương về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ hai nước và Thỏa thuận hành chính thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội đã được ký kết.
Hiệp định và Thỏa thuận hành chính cùng có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước.
Theo các chuyên gia về lao động, thành tựu mà xuất khẩu lao động mang lại là không thể phủ nhận, song vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng nguồn nhân lực này sau khi về nước. Những lao động này là tài nguyên đáng quý khi có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, học được tác phong công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại…
Hiện việc đưa lao động trình độ chuyên môn đi chưa đạt yêu cầu. Nhiều nước có đơn hàng cần lao động có chuyên môn và kỹ năng nghề, như hàn, điện, cơ khí, phay, cắt gọt… nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được.
Thực tế, tới 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Việc đưa lao động “xuất ngoại” những năm qua mới đạt mục tiêu giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo, chất lượng nguồn lao động vẫn còn hạn chế.
Thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp. Thay vào đó, ngành lao động chú trọng vào chất lượng để tăng giá trị của lao động.
Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành LĐ-TB&XH hướng đến là đưa hợp tác về lao động với các nước lên tầm cao mới, chuyển sang chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. “Đã đến lúc Việt Nam cần giảm mạnh việc đưa lao động không có tay nghề, kỹ năng hoặc có trình độ thấp đi làm việc ở nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, với vai trò cơ quan chuyên môn, được giao nhiệm vụ tiếp tục đàm phán, tìm kiếm các thị trường chất lượng, thu nhập cao để đưa lao động đi, hướng tới các nước phát triển như châu Âu, Australia…
Mục tiêu hàng năm là duy trì số lượng khoảng 100.000 người xuất cảnh. Về chất lượng, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu tăng dần số lao động được đào tạo bài bản, ít nhất là nửa năm trở lên, không chỉ ở trình độ sơ cấp như hiện nay. Tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ nâng dần từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người lao động xuất cảnh phải được đào tạo bài bản trước khi đi. Chất lượng, ý thức lao động xuất khẩu cũng cần được cải thiện để giải quyết nhiều vấn đề, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp; giải bài toán việc làm sau khi về nước…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm