Đồi cam 2.000 gốc trồng trên diện tích rộng 1,6ha của anh Đoàn Ngọc Bảo (SN 1990) nằm ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Huyện vùng cao nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn nên khí hậu nơi đây giao thoa giữa tính chất nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều của miền Nam và cái rét cắt da thịt của mùa đông miền Bắc. Địa phương này còn có thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, khoáng chất, thích hợp để phát triển cây ăn quả.
Một tháng nay, đồi cam của anh Bảo đã chín vàng, bước vào giai đoạn thu hoạch, xuất bán đi nhiều nơi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên, anh Đoàn Ngọc Bảo có cơ hội vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Thế nhưng, năm 2015, anh Bảo đã quyết định bỏ công việc nhà nước, trở về quê khởi nghiệp để thỏa khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
“Tôi vốn là kỹ sư nông nghiệp nên quyết định làm điều khác biệt cho cây cam nhằm nâng tầm giá trị sản vật này. Đó là trồng cam theo hướng sinh thái hữu cơ. Chỉ có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn sạch như vậy mới có thể đứng vững trên thị trường”, anh Bảo chia sẻ.
Với khát vọng đó, anh Bảo quyết tâm trồng cam theo quy trình xanh, sạch, an toàn. Đó là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế phân bón hóa học, chỉ dùng phân bón vi sinh hữu cơ, phân chuồng hoai mục ủ men vi sinh.
Anh Bảo tự chế dung dịch từ ớt cay, tỏi, gừng, rượu, quả bồ hòn để phun phòng ngừa sâu bệnh cho cam; dùng túi vải không dệt bọc từng quả bảo vệ cam, tránh bị côn trùng gây hại.
Ngoài ra, anh chọn cách trồng cỏ dưới các gốc cam để tạo độ ẩm, hạn chế xói mòn. Cỏ tốt lên sẽ được cắt phủ gốc cam tạo sinh khối che phủ.
Đặc biệt, anh Bảo cũng dùng cách “lấy độc trị độc”, nuôi hàng vạn con kiến vàng trên cây cam làm thiên địch diệt các loại sâu bọ như bọ xít, rầy mềm, các loại sâu, rệp sáp, kiến hôi và nhện.
Vườn cam sạch theo hướng sinh thái hữu cơ luôn thu hút được khách hàng, du khách, người dân trong và ngoài tỉnh đến tận nơi tham quan, học hỏi.
Theo anh Bảo, thời gian tới, anh sẽ phát triển thêm mô hình nông trại trải nghiệm ăn nghỉ dưới gốc cam để thu hút du khách.
Nhờ hướng đi đúng đắn, anh Bảo đã thu được thành quả với gần 2.000 gốc cam. Riêng năm 2023, vườn cam của anh dự kiến cho thu hoạch trên 10 tấn, xuất đi thị trường trong và ngoài tỉnh như Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM.
Trừ các khoản chi phí, chủ vườn tính có thể thu lãi 400 triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thời vụ và 10 lao động thường xuyên.
Cam được trồng tại vườn đồi của anh Bảo được khách hàng ưa chuộng vì hương vị ngọt thanh, tép cam giòn, phảng phất mùi mật ong dìu dịu.
Hiện nay, cam của trang trại anh Bảo đã hoàn thiện bộ truy xuất nguồn gốc, nhận diện thương hiệu. Sản phẩm của anh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm