Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII diễn ra sáng 14.8, tại Hà Nội.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, dự báo thị trường lao động 6 tháng cuối năm tiếp tục chịu nhiều rủi ro và thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng.
Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột giữa Nga – Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Dự báo, tình hình khó khăn còn tiếp tục kéo dài đến hết năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong 5 tháng đầu năm, có 509.903 lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương, chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp.
Căn cứ tình hình thực tế, Thường trực Ðoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Ðoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ.
Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 1.4 – 31.12. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31.1.2024. Thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động chậm nhất ngày 31.3.2024.
Về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự thủ tục hồ sơ được giữ nguyên theo Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn từ 1 – 3 triệu đồng.
Đối với trường hợp không phải là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn.
Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) thì được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên công đoàn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam dự kiến tổng kinh phí cho đợt hỗ trợ tiếp theo khoảng 145 tỉ đồng.
Trước đó, theo Nghị quyết số 06/NQ-TLÐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành ngày 16.1 về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, đến nay các cấp công đoàn đã tiếp nhận hơn 86.000 đoàn viên, người lao động. Số trường hợp đủ điều kiện thẩm định, duyệt và hoàn thành chi hỗ trợ là 81.676 người, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 114 tỉ đồng.
Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.000 người (chiếm 54,79% số lao động bị ảnh hưởng); số lao động giảm giờ làm là 195.039 người (chiếm 38,25% lao động bị ảnh hưởng); số lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.003 người (chiếm 3,33% lao động bị ảnh hưởng); số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người (chiếm 1,64% lao động bị ảnh hưởng).
Tại các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị đã có 192.000 người bị giảm, mất việc. Trong đó, giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương chiếm 32,45%; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương chiếm 1,77%; chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 65,78% tổng số người.
Tại hội nghị sáng nay, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhân sự giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Theo đó, Bộ Chính trị phân bổ cho Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam được giới thiệu tham gia quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031 tối đa 3 người, gồm: 2 nhân sự giới thiệu quy hoạch Ủy viên T.Ư Đảng chính thức; 1 nhân sự giới thiệu quy hoạch Ủy viên T.Ư dự khuyết từ nguồn nhân sự tại chỗ.
Kết quả, 3 nhân sự của Tổng LĐLĐ Việt Nam đều được tín nhiệm giới thiệu cao từ 96,6% trở lên.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm