Tâm huyết với ẩm thực Việt
22h, một nhà hàng Việt trên đường Nathan (Yau Ma Tei, đảo Cửu Long, Hồng Kông, Trung Quốc) vẫn sáng đèn khi bên ngoài trời tối om, thỉnh thoảng chỉ có vài người qua lại.
Trong nhà hàng rộng 170 m2 ấy, một mình chị Dung, chủ quán, vẫn đang loay hoay nấu ăn, chuẩn bị nguyên liệu cho giờ mở cửa vào ngày mai.
Chị Lê Thị Ngọc Dung (54 tuổi) cho hay chị đã mở nhà hàng này được hơn 10 năm. Mỗi ngày, chị đều giữ thói quen đến quán làm việc từ 22h đến 12h hôm sau, rồi ở lại quản lý nhà hàng thêm 4 tiếng nữa mới về nhà nghỉ.
Nhà hàng mở cửa 6 ngày/tuần, nhưng không ngày nào là chị Dung nghỉ ngơi. Vào ngày đóng cửa nhà hàng, chị Dung vẫn sẽ đến để tự tay dọn vệ sinh, kiểm tra máy móc, nguyên liệu.
Vắt kiệt sức cho nhà hàng khi giấc ngủ chưa đầy 4 tiếng/ngày nhưng bà chủ vẫn luôn mỉm cười khi bản thân hái được nhiều “quả ngọt” sau hành trình khởi nghiệp đầy vất vả.
“Tôi tự tay nấu, chuẩn bị nguyên liệu. Vào giờ mở cửa, nhân viên chỉ việc đến bán cho khách thôi. Nhiều người hỏi tôi làm chủ mà sao bận rộn và vất vả như vậy. Lí do là vì tôi muốn mọi thứ phải do tự tay mình làm, như vậy thì mới không có sai sót, bản thân mới yên tâm”, chị Dung nói.
Nhà hàng của chị Dung bán nhiều món ăn Việt, có giá dao động 65-70 HKD/phần (khoảng 211.000-227.000 đồng). Trong đó, bún riêu, phở gà, bún thịt nướng, bánh mì, các loại bánh ngọt là những món được thực khách yêu thích nhất.
Mỗi ngày, nhà hàng mở cửa từ 11h đến 21h. Thực khách đến đông nên chị Dung phải thuê hơn 10 nhân công thay phiên nhau đứng bếp, phục vụ.
Giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu của nhà hàng có thể lên đến 7.500 USD/ngày (190 triệu đồng) nhưng giờ đã giảm xuống còn 3.000-4.000 USD/ngày (76-101 triệu đồng). Trong đó, các chi phí chưa kể tiền mặt bằng đã chiếm hơn một nửa.
Thấy thực khách đến ủng hộ càng đông, vẻ mặt hạnh phúc khi ăn món Việt do người Việt nấu, chị Dung vừa hạnh phúc, vừa tự dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn.
“Không chỉ người bản địa mà người Việt đến ủng hộ rất đông. Vì thế, mọi công đoạn đều phải được chuẩn bị thật chỉn chu. Tôi cũng đặt ra tiêu chuẩn về nguyên liệu khá khắt khe. Ví dụ như chả thì tôi nhập từ Việt Nam, rau nhập từ Thái Lan còn bún lấy từ Hồng Kông”, chị Dung cho biết.
“Người Việt không bao giờ bỏ cuộc”
Năm 1997, chị Dung cùng gia đình đến Hồng Kông sinh sống. Thời điểm ấy, chị chỉ là một nội trợ, thỉnh thoảng xin làm việc tại các công ty gần nơi mình sống.
Xa quê hàng chục năm, chị Dung lúc nào cũng thèm món ăn Việt. Dù có lân la khắp các hàng quán bán đồ ăn Việt ở Hồng Kông, chị Dung cũng không thỏa mãn được cơn thèm món ăn dân dã, quê hương.
“Hầu như ngày nào cũng thèm đồ ăn Việt. Ví dụ như món bánh mì, mỗi khi về thăm nhà ở Việt Nam, tôi đều dành phần lớn thời gian mua bánh mì ăn, thậm chí còn mua mang qua Hồng Kông cho các con cùng ăn”, chị Dung kể.
Bản thân chị Dung lại thích nấu ăn, đặc biệt là món ăn Việt Nam. Chị thường dành thời gian nấu nhiều món tặng cho người thân, bạn bè. Với niềm đam mê và thấu hiểu ẩm thực quê hương, “tay nghề” của chị Dung cũng dành được nhiều lời khen.
Thấy vậy, chị nảy ra ý tưởng mở cửa hàng bánh mì bán cho người dân bản địa ăn thử. Đối với chị, việc kinh doanh này vừa giúp chị kiếm thêm thu nhập, lại vừa thỏa mãn sở thích nấu ăn, làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.
Khởi nghiệp với 100.000 USD trong tay, chị Dung bắt đầu chọn một mặt bằng nhỏ 24 m2 để làm cửa hàng bán bánh mì, thuê 1 nhân viên đứng phụ. Mọi việc ở quán ăn đều do một tay chị Dung quán xuyến.
“Ở Hồng Kông, muốn mở một quán ăn nhỏ cũng là điều không đơn giản. Có nhiều quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà người chủ phải tuân theo. Hơn nữa, tôi không rõ khẩu vị của người Hồng Kông ra sao nên phải từ từ lắng nghe, điều chỉnh lại mọi công thức.
Nhiều người hiểu lầm người Hồng Kông ăn nhiều dầu mỡ nhưng thực tế họ không thích như vậy. Họ cũng không ăn quá ngọt hay quá mặn. Mở quán như làm dâu trăm họ vậy, mỗi người góp ý mỗi khác, bản thân phải thật sự kiên nhẫn, biết cách chọn lọc và điều chỉnh”, chị bộc bạch.
Phải mất nửa năm sau, việc kinh doanh mới bắt đầu ổn định. Lúc này, không chỉ người bản địa mà người Việt đến Hồng Kông học tập, làm việc cũng tìm đến quán ăn của chị Dung nhiều hơn. Từ chỉ bán một món bánh mì, chị Dung học nấu và bán thêm nhiều món ăn Việt khác.
Thấy công việc ăn nên làm ra, chị mở thêm một nhà hàng ở đảo Hồng Kông. Nhưng 5 năm sau, vì nhiều lí do, chị Dung đành phải đóng cửa chi nhánh thứ hai. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là không thuê được nhân công.
“Từ trước đến nay, việc tuyển dụng và quản lý nhân công là điều khó khăn nhất. Đó cũng là lí do tôi không cho phép bản thân nghỉ ngơi mà phải tự tay hoàn thiện từng công đoạn ở nhà hàng chứa đầy tâm huyết của mình”, chị chia sẻ.
Những tưởng công việc làm ăn sẽ tốt đẹp như trước, giai đoạn dịch Covid-19 đã khiến nhà hàng của chị như đứng ở bờ vực “dẹp tiệm”. Chứng kiến không ít nhà hàng khác rơi vào cảnh đóng cửa, chị Dung càng hồi hộp hơn.
“Có những ngày phải bán mang đi, thậm chí là đóng cửa. Khoảng thời gian ấy kéo dài 2 năm, vô cùng khó khăn, tưởng chừng tôi đã không cầm cự nổi”, chị Dung mừng rỡ, nói.
Sau giai đoạn Covid-19, bà chủ thở phào vì mọi thứ bình thường trở lại. Dù doanh thu không được như trước, chị Dung vẫn cảm thấy may mắn khi nhà hàng của mình vẫn cầm cự được.
“Đối với tôi, người Việt là không bao giờ bỏ cuộc. Mặc dù hết khó khăn này tới khó khăn khác đến với mình, tôi vẫn chấp nhận và vượt qua. Đối với tôi, khởi nghiệp khiến cho tôi thay đổi tích cực. Tôi không còn nóng nảy, hấp tấp như ngày trẻ mà trở nên kiên nhẫn, lắng nghe nhiều hơn.
Vui nhất là được quảng bá ẩm thực Việt đến người nước ngoài và xoa dịu nỗi nhớ quê hương của người Việt tại đây. Có nhiều người sống ở Hồng Kông mấy chục năm, chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt, nhưng họ vẫn nhớ, vẫn xúc động khi được ăn món Việt. Điều đó cũng là động lực để tôi gắn bó và phát triển nhà hàng đến ngày hôm nay”, chị Dung trải lòng.
Ảnh: Weekendhk.com, nhân vật cung cấp
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm