Sau hàng chục năm kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế vườn, ông Ðặng Văn Cấp sở hữu 10ha hồ tiêu, dừa và các loại cây ăn quả đang cho thu hoạch. Từ chỗ chạy ăn từng bữa, gia đình ông trở nên giàu có, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, có năm thu tiền tỷ.
Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền
Theo ông chia sẻ, để có mô hình trồng cây ăn quả như hôm nay, ông nhiều phen lên bờ xuống ruộng, vậy ông có thể nói thêm về hành trình khởi nghiệp?
– Nói về phát triển kinh tế vườn ở địa phương, tôi thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”. Năm 1989, thời hợp tác xã, tôi chọn cây dừa ta để khởi nghiệp. Sau khi khai hoang, san ủi xong 10ha đất, tôi trồng ngay 1.200 cây dừa.
Lúc này, tôi 41 tuổi, chẳng còn trẻ nữa. Sau 6 năm trồng và chăm sóc, cây dừa cho quả nhưng giá ngoài thị trường thời điểm đó thấp, kéo dài nhiều năm sau.
Có thời điểm dừa bán chưa được 1.000 đồng/trái. Tôi chuyển sang trồng cây điều, cây keo lai, nhưng không sáng sủa hơn.
Năm 2016, trong một lần vào Bình Phước thăm con, thấy bà con trong đó trồng cây hồ tiêu cho leo trụ rất hiệu quả, tôi bàn với vợ cầm sổ đỏ nhà vay vốn trồng tiêu.
Được vợ ủng hộ, tôi mua giống về trồng 200 gốc hồ tiêu và cho tiêu bám vào thân cây dừa. Ba năm sau, tiêu bắt đầu cho thu hoạch. Ngay vụ đầu tiên, tôi đã thu được 400 kg, bán với giá 200 nghìn đồng/kg, thu lãi khá.
Thấy cây hồ tiêu nhiều triển vọng, tôi tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích, đến nay, có 7.000 cây hồ tiêu đang cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu hoạch hơn nửa tỷ đồng, năm được mùa thu hơn 1 tỷ đồng…
Được vài năm, nhận thấy giá hồ tiêu có xu hướng giảm, trong khi một số loại cây ăn quả, như bưởi da xanh đang được thị trường ưa chuộng, năm 2019, tôi trồng thử 30 cây bưởi da xanh và phát triển lên 1.000 cây khi nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng Hoài Ân rất phù hợp với loại cây này. Từ năm 2022 đến nay, tôi trồng tiếp 150 cây dâu da, 30 cây sầu riêng. Hiện sầu riêng đã cho trái bói, dâu da thu hoạch được 1 năm.
Sầu riêng là cây trồng khó và mới nhất là dâu da, nhiều người dân ở địa phương trồng không ra trái, vậy ông có bí quyết gì để chăm sóc từng loại cây trồng?
– Cũng chẳng có bí quyết gì cả, tôi biết tới đâu làm tới đó thôi. Trong sản xuất, tôi coi trọng các yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước tưới là yếu tố quyết định sự sinh trưởng của cây. Do vậy, tôi đào giếng lấy nước đảm bảo nước tưới hàng ngày. Sau này, tôi nâng cấp hệ thống tưới nước nhỏ giọt dưới gốc cây, vừa đảm bảo nước tưới vào mùa khô vừa tiết kiệm nước.
Trước khi trồng một giống cây mới, tôi phải nghiên cứu, thuê cả chuyên gia về kiểm tra điều kiện đất đai, thổ nhưỡng rồi trồng thử nghiệm. Trong quá trình chăm sóc, tôi ưu tiên dùng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, giúp cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất, cây phát triển tốt.
Không có thành công nào mà không thất bại
Tổng doanh thu từ mô hình kinh tế vườn của gia đình ông bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi ròng 450-500 triệu đồng. Song nghề nông thường hay chịu cảnh “được mùa mất giá”, điều đó ảnh hưởng gì đến tái đầu tư cũng như đời sống có bị ảnh hưởng?
– Thời kỳ đầu khởi nghiệp với cây dừa ta là khó khăn nhất. Hồi đó, tôi ấp ủ trồng xong vùng nguyên liệu sẽ xây dựng một nhà máy sơ chế, sản xuất dầu dừa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ dầu dừa giảm mạnh và nhiều lý do khách nên ý tưởng bị phá sản. Tôi chuyển sang trồng cây điều và cây keo lai cũng không hiệu quả. Số tiền “chôn vào đất” khi đó rất nhiều nhưng không thu lợi gì, khiến cuộc sống gia đình khá chật vật.
Song thời điểm đó, trong cái rủi có cái may, tôi đi làm thuê rồi đầu tư 2 lò gạch thủ công ở xã Ân Tường Đông và xã Ân Nghĩa. Nguồn thu từ việc bán gạch giúp tôi cáng đáng chuyện kinh tế gia đình và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.
Tôi nghĩ người phụ đất chứ đất không bao giờ phụ người, nếu mình cùng ăn, cùng ở, bám đất thì đất sẽ trả công xứng đáng cho mình.
Tấm gương cho con cháu, thế hệ trẻ noi theo
Năm 2023, ông là một trong số ít nông dân Bình Định được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều người, hẳn ông rất vui?
– Tôi rất vinh dự vì những nỗ lực, cố gắng của mình được ghi nhận. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy áp lực phải làm sao để luôn xứng đáng với các danh hiệu, tiếp tục phát triển kinh tế hơn nữa, để đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội.
Hiện có 7 lao động làm việc ổn định cho tôi với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng và khoảng 60 lao động thời vụ, chủ yếu làm trong mùa thu hoạch. Những hộ dân trong thôn, xã có nhu cầu thoát nghèo nhưng chưa nắm bắt được kỹ thuật trồng trọt, tôi sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn họ chân thành. Đến nay, có 5 hộ làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Thu nhập tốt từ nghề nông, tôi tham gia công tác xã hội, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ phòng chống thiên tai và ủng hộ vật chất cho thanh niên lên đường nhập ngũ…
Theo ông, để làm kinh tế vườn thành công, nông dân cần phải làm gì?
– Nông dân phải dám nghĩ, dám làm; kiên trì, chuyên cần trong lao động, sản xuất. Nhưng thời nay, nhiều thứ thay đổi rất nhanh, nông dân cần nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường để làm ra các loại nông sản có giá trị cao, được thị trường chấp nhận.
Sản phẩm phải có nơi tiêu thụ cụ thể, rõ ràng; ký kết bao tiêu sản phẩm với mức giá sàn phù hợp, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có thêm chính sách, nhất là hỗ trợ vốn vay phát triển trồng trọt, để nông dân có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng hết các chính sách.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm