Ngày 19/3, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip với nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của một nam thanh niên trên địa bàn TPHCM.
Các đoạn clip đều cho thấy nam thanh niên này ăn mặc lịch sự, di chuyển bằng ô tô và mang theo một túi đồ. Người này tiến vào các cửa hàng một cách tự nhiên, thường là chọn đúng lúc chủ tiệm đi vắng, chỉ có nhân viên bán hàng.
Trong đoạn clip, nam thanh niên nói với nhân viên tiệm: “Anh giao hàng cho chủ tiệm, em nhận giúp anh nhé. Tổng đơn là 1.850.000 đồng”.
Sau đó, khi thấy nhân viên nghi ngờ, người này liền giả vờ gọi điện thoại cho chủ tiệm để xác nhận giao dịch.
Chị Nhung, chủ tiệm làm đẹp tại quận 8 (TPHCM), cho hay nhân viên của chị là một trong những nạn nhân nhắm đến của thanh niên nói trên. Theo chị Nhung, sự việc xảy ra khoảng 9h30 ngày 19/2.
“Đây là lần đầu tiệm chúng tôi gặp trường hợp như vậy. Hôm đó tôi đi vắng, chỉ có nhân viên trông tiệm. May mắn vì trước đó đã có nhiều đoạn clip ghi lại những phi vụ lừa của đối tượng đăng lên mạng xã hội để cảnh báo nên nhân viên của tôi không bị mắc bẫy”, chị Nhung nói.
Chị Nhung kể, khi phát hiện bất thường, nhân viên dọa sẽ trình báo công an, nam thanh niên liền đòi lại món hàng, giả vờ là hàng giao nhầm cho tiệm rồi nhanh chân chạy thoát.
Trên địa bàn TPHCM, một nhân viên của một quán cà phê ở quận 2 cũng gặp tình huống tương tự vào ngày 8/3. Khi nhân viên yêu cầu gọi cho chủ tiệm, người này cũng lấy cớ giao nhầm và bỏ đi.
Đáng chú ý, nam thanh niên lừa đảo này cũng có ngoại hình, giọng nói và thủ đoạn giống y hệt đối tượng trong các đoạn clip nói trên.
Các vụ việc liên tiếp xảy ra khiến chủ tiệm cà phê không khỏi lo lắng nên đã đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội để cảnh báo.
Năm ngoái, tại TPHCM cũng xuất hiện một nam thanh niên giả làm shipper để lừa tiền của hàng loạt các cửa hàng.
Luật sư Trần Minh Hùng nhận định, những thủ đoạn lừa đảo như giả làm người giao hàng đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Đối với sự việc nói trên, luật sự chỉ rõ những tính toán “chuyên nghiệp” của đối tượng lừa đảo khi định lừa lấy 1,85 triệu đồng. Theo quy định, số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng sẽ khó xử lý hình sự với người có hành vi gian dối vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
“Đối tượng lần đầu vi phạm, chiếm đoạt số tiền dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm và mức tiền chiếm đoạt. Tuy nhiên, luật cũng có quy định trường hợp tái phạm, thực hiện hành vi nhiều lần là căn cứ để xử lý hình sự”, luật sư nói.
Theo đó, cá nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng có sẽ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi trên.
Đối với đối tượng từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội như cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (chưa được xóa án tích mà còn vi phạm);… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mức hình phạt với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm