Sân bay Long Thành cần 13.769 việc làm
Để xây dựng sân bay Long Thành (H.Long Thành), Đồng Nai phải giải phóng 5.000 ha mặt bằng, gần 5.500 hộ gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu phải di dời. Ngoài việc bố trí tái định cư, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề rất được Đồng Nai quan tâm và UBND tỉnh giao cho Sở LĐ-TB-XH chủ trì.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã nhận định việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành là nhiệm vụ cấp bách. Vào năm 2020, phía Đồng Nai đã chủ động phối hợp Cục Hàng không Việt Nam tìm hiểu về nhu cầu nhân lực phục vụ cho sân bay Long Thành và được đơn vị này thông báo con số dự kiến là 13.769 người. Trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý là 473; chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp sản xuất kinh doanh là 12.686; số còn lại là lao động khác. Ngay khi có số liệu này, Đồng Nai đã tuyên truyền cho người dân ở vùng sân bay cũng như trong tỉnh nắm.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, do tính đặc thù của chuyên ngành hàng không, cũng như cơ sở pháp lý quy định của nhà nước đối với tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn đòi hỏi rất cao khi tuyển dụng, cho nên mới đây (tháng 10.2023, Sở LĐ-TB-XH tỉnh có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam và Viện Khoa học công nghệ Hàng không Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn các nội dung đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao phục vụ sân bay Long Thành.
Đến giữa tháng 11.2023, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản phản hồi, cho biết đến nay đơn vị này đã cấp phép đào tạo, huấn luyện cho 25 cơ sở để liên kết, hợp tác đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành hàng không.
Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành
Trao đổi với PV Tin Tức Tuyển Dụng, ông Nguyễn Hữu Khánh Linh (Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai), cho hay sau khi tiếp nhận thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, sở đã thông báo đến các trường trên địa bàn để họ chủ động liên kết.
Đến nay đã có Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) liên kết với 2 đơn vị là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) và Học viện hàng không Vietjet để đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không, như: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
Song song đó, sở có đề xuất cho thành lập trường (theo hướng xã hội hóa) đào tạo nghề chuyên sâu về ngành hàng không, cung cấp cho thị trường những lao động chuyên nghiệp trong ngành hàng không. Theo đề xuất này, trong giai đoạn 2023 – 2025, kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng 1 trường trung cấp tại xã Bình Sơn (H.Long Thành), quy mô đào tạo tối thiểu 500 người/năm. Ngành nghề đào tạo liên quan đến dịch vụ, kỹ thuật ngành hàng không, phục vụ sân bay Long Thành.
Các năm tiếp theo, có thể kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng các trường trung cấp hoặc cao đẳng quy mô tương tự tại các huyện vệ tinh sân bay Long Thành như Nhơn Trạch, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành và các thị trường lao động khác.
Trả lời PV Tin Tức Tuyển Dụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, cho rằng nếu ngay tại Đồng Nai có trường đào tạo chuyên về ngành hàng không thì sẽ lợi thế rất nhiều cho con em trong tỉnh, giảm bớt được chi phí trong quá trình theo học. Tạo thêm cơ hội cho con em của người dân đã “nhường đất” cho dự án và những thanh niên khác trong tỉnh được đào tạo, làm việc tại sân bay Long Thành trong tương lai.
Đã có đơn vị đặt vấn đề
Đầu tháng 12.2023, liên doanh Công ty CPQT Kend và Công ty CPĐT Việt Nam đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất thuê/mua đất để thành lập trường đào tạo nhân lực hàng không, du lịch. Cụ thể, Liên danh này mong muốn được thành lập trường (diện tích từ 4 ha trở lên) vị trí gần sân bay Long Thành và khu tái định cư sân bay. Công ty CPQT Kend là chủ sở hữu Trường cao đẳng quốc tế Kend, 1 trong 25 cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hàng không.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm