Cơ hội mới
Chuyên gia phát triển giáo dục, du học nghề tại TPHCM, ThS Nguyễn Hoàng Tiến, nhận định Đức là quốc gia có dân số già hóa nhanh. Từ nay đến năm 2030, đất nước Tây Âu này dự kiến thiếu hơn 5 triệu lao động.
Vì thế, Đức đang có những chính sách mở, tạo cơ hội cho nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề ở Việt Nam đến Đức làm việc và định cư. Trong đó, có thể kể đến các chính sách như miễn 100% học phí; đảm bảo 100% cơ hội định cư và bảo lãnh người thân; vừa học vừa làm có lương ngay từ tháng đầu tiên nhập cảnh,…
Trước bối cảnh đó, để mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lao động Việt, các đơn vị môi giới lao động Việt sang nước ngoài làm việc đang ráo riết mở rộng nhiều chương trình, tìm người sang Đức làm việc, như chương trình chuyển đổi văn bằng điều dưỡng Việt Nam sang văn bằng điều dưỡng của Đức.
Đây là chương trình được tài trợ bởi chính phủ Đức, với mục tiêu tuyển dụng người lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ứng viên tham gia dự án phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành điều dưỡng đa khoa; có chứng chỉ hành nghề; không quá 38 tuổi; trải qua 18-26 tháng để ôn luyện bằng B1, B2 tiếng Đức và trải qua vòng phỏng vấn với doanh nghiệp Đức.
“Nếu được chọn, ứng viên sẽ vừa được đào tạo lý thuyết, thực hành 40 giờ/tuần ngay tại cơ sở của doanh nghiệp Đức, vừa được trả lương trong 6-12 tháng. Sau khi tốt nghiệp, lao động Việt có thể được làm nhân viên chính thức với mức lương 3.000 euro/tháng (khoảng 80 triệu đồng)”, vị ThS cho hay.
Đáng chú ý, sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, người lao động có thể bảo lãnh người thân đến Đức.
700.000 việc làm còn trống
Ngoài chương trình này, Đức cũng ban hành nhiều chính sách thu hút lao động nước ngoài như du học nghề, du học đại học, thực tập sinh định cư, đầu bếp định cư,… với thu nhập 25-67 triệu đồng/tháng và cơ hội bảo lãnh người thân trong gia đình.
Trong 3 năm du học nghề, mức lương của người lao động sẽ tăng lần lượt theo mỗi năm từ 23 triệu lên 26 triệu, 28 triệu đồng đối với một số ngành dịch vụ; từ 28 triệu lên 31 triệu, 33 triệu đồng đối với nhóm ngành sức khỏe.
“Sau khi có bằng nghề của Cộng hòa Liên Bang Đức, người lao động còn có thu nhập lên đến 60 triệu đồng/tháng đối với một số ngành dịch vụ và hơn 75 triệu đồng đối với nhóm ngành sức khỏe. Ứng viên nếu đi theo diện du học nghề, phải kiên trì học tập, làm việc 3 năm rồi lấy bằng nghề thì mới có thu nhập cao và ổn định”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Tiến nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp Đức, ông Nhật Anh Hoffmann thông tin, Đức hiện là một trong những quốc gia cần nguồn nhân lực lớn từ nước ngoài cho các ngành như điều dưỡng, dịch vụ, điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng… Tuy nhiên, quốc gia này hướng đến đào tạo và tuyển dụng những lao động có tay nghề cao. Vậy nên “cơ hội mở” nhưng không dễ.
Nói về nguồn nhân lực từ Việt Nan, ông Thomas Malcherek, Giám đốc điều hành Phòng Thủ công nghệ TP Erfurt, cho biết sinh viên Việt Nam có trình độ sơ cấp nghề trở lên đến Đức du học nghề, được phân đến các doanh nghiệp địa phương sẽ nhận sự hướng dẫn tận tình của đồng nghiệp chứ không áp kỷ luật “cứng” như tại các doanh nghiệp lớn.
Khi du học nghề tại Đức, người học được trả trợ cấp khoảng 26 triệu đồng/tháng. Đức đang thiếu trầm trọng nhân lực nên sau quá trình học nghề, có chứng chỉ nghề phù hợp, sinh viên Việt sẽ dễ dàng tìm được việc làm, có cơ hội định cư.
Ông Thomas Malcherek nhấn mạnh đến ngành bếp nói riêng và ngành du lịch, nhà hàng – khách sạn nói chung hiện là lĩnh vực Đức rất cần lao động.
Từ ngày 18/11/2023, Đức đã thay đổi Luật nhập cư sửa đổi, nhằm thu hút ít nhất 60.000 lao động/năm. Luật này cho phép bất kỳ ai có chứng chỉ hành nghề đều được làm việc tại Đức, thậm chí có thể chọn học và làm một công việc khác.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cho hay quốc gia này đang trống đến 700.000 vị trí việc làm. Tình trạng dân số già tại Đức có thể sẽ gây ra thiếu hụt 7 triệu lao động có tay nghề vào năm 2035.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Chính phủ Việt Nam vào ngày 24/1, Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier cũng đã bày tỏ rằng lực lượng lao động Việt Nam sẽ sớm có cơ hội được làm việc tại Đức, cải thiện tích cực tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức thời gian tới.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm