Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản, mới đây VASEP đã kiến nghị, đề xuất một số chính sách liên quan đến lĩnh vực BHXH.
Cụ thể, VASEP đề xuất giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người sử dụng lao động là 1% xuống 0,5%; tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; giãn thời gian nộp tiền vào Quỹ BHXH bắt buộc.
Trước đề xuất trên, BHXH Việt Nam cho biết, luật Việc làm quy định mức đóng BHTN của người sử dụng lao động là 1%, nếu giảm xuống 0,5% thì phải được sự đồng ý của Quốc hội.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không quy định về việc tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Do đó, kiến nghị của VASEP về tạm dừng đóng bảo hiểm này đến hết năm 2023 cũng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Đối với việc giãn thời gian nộp tiền vào Quỹ BHXH bắt buộc, cơ quan BHXH Việt Nam khẳng định, quy định này cũng không thuộc thẩm quyền của ngành bảo hiểm mà thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, BHXH Việt Nam cho hay đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hoàn thiện phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động từ Quỹ BHXH, BHTN và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Trong đó, có đề xuất tạm dừng đóng vào Quỹ BHXH và hỗ trợ người lao động từ Quỹ BHTN. Các đề xuất trên đã bao trùm kiến nghị của VASEP về chính sách bảo hiểm.
Theo cơ quan bảo hiểm, chính sách trên sẽ giúp người sử dụng lao động giãn các khoản chi phí phát sinh, tập trung nguồn lực phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Hỗ trợ này cũng giúp người lao động tại các doanh nghiệp gặp khó khăn ổn định cuộc sống, gắn bó với đơn vị, giảm phát sinh biến động lao động trên thị trường.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện đề xuất chính sách khi có yêu cầu.
Trước đó, trong tháng 7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị giảm mức đóng Quỹ BHTN cho doanh nghiệp đến hết năm 2023; nghiên cứu, sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023, cho các doanh nghiệp giãn nộp BHXH từ 3 – 6 tháng.
Ngoài ra, Phó thủ tướng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản trong giai đoạn hiện nay.
Trong văn bản gửi Chính phủ, VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỉ USD, giảm 27,9%. Các doanh nghiệp trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh dịch Covid-19.
Các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đã giảm từ 20 – 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.
Đặc biệt, các doanh nghiệp còn lo lắng vì đối mặt với 2 vấn đề lớn là nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm, cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không đủ sức để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay. Không ít doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm