Bà Phan Thị Kim Lan, Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP, cho biết hiện nay, tín dụng đen là vấn nạn đối với công nhân lao động có thu nhập thấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn, cải thiện cuộc sống gia tăng, nhiều người lao động vì không tiếp cận được vốn vay từ các kênh tín dụng chính thức, đã rơi vào vòng xoáy lãi nặng, bẫy tín dụng đen.
Vừa qua, CEP xây dựng đề án “CEP của tổ chức công đoàn tham gia phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động”, tổ chức tại 9 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang. CEP cũng đã ký kết với công đoàn của 9 tỉnh này cung cấp gói vay hơn 50.000 tỉ đồng cho 1,41 triệu lượt công nhân vay lãi suất thấp trong thời gian 5 năm (2023 – 2028).
Riêng chương trình “CEP chia sẻ yêu thương, cùng công nhân và người lao động phòng chống tín dụng đen” là hoạt động triển khai nội dung ký kết này, với tổng kinh phí thực hiện hơn 14 tỉ đồng.
Tại TP.HCM, trong năm 2023, CEP sẽ hỗ trợ vốn vay cho hơn 110.000 lượt công nhân với doanh số hơn 3.532 tỉ đồng, hỗ trợ hơn 14.705 khách hàng công nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động trọng tâm như trợ vốn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn để có thêm việc làm, thu nhập; giáo dục tài chính; trao học bổng cho con khách hàng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây, sửa nhà; hỗ trợ công nhân bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen…
Tại sự kiện sáng nay, CEP đã hỗ trợ vốn vay cho 13 công nhân lao động với tổng số tiền hơn 285 triệu đồng; trao 5 bếp ấm cho công nhân khó khăn đang ở trọ (trị giá 20 triệu đồng); hỗ trợ 2 trường hợp công nhân sửa, xây nhà (65 triệu đồng); hỗ trợ một công nhân 35 triệu đồng để hoàn trả tiền vay tín dụng đen và trao 35 suất học bổng trị giá 75 triệu đồng cho con em công nhân khó khăn.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm