Ngày 28.6, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm lĩnh vực lao động – người có công và xã hội. Tham dự có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã thẩm định và cấp giấy phép lao động cho 7.639 người nước ngoài (giảm 900 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái là 8.539).
Mặc dù Sở LĐ-TB-XH đã có nỗ lực, nhất là tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp, song vấn đề cấp giấy phép cho lao động nước ngoài thời gian qua vẫn bị đánh giá là chưa đáp ứng thực tiễn. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của đơn vị đứng chót bảng.
Rà soát, xem xét lại việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở LĐ-TB-XH rà soát, xem xét lại việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trong thời gian qua. Đặc biệt là thống kê lại quá trình, thời gian xử lý những trường hợp cấp giấy phép, xem xét khâu nào tốn nhiều thời gian, sức lực nhất để cải thiện.
Dẫn chứng một trường hợp doanh nghiệp than khó khi xin giấy phép cho lao động nước ngoài nhưng bị trả hồ sơ nhiều lần vì giải trình chưa thuyết phục, ông Dương Anh Đức đề nghị Sở LĐ-TB-XH cần có hướng dẫn doanh nghiệp cách giải trình cụ thể để đạt yêu cầu.
“Vì doanh nghiệp không phải là người trong hệ thống của chúng ta nên không phải lúc nào họ cũng hiểu hết nên đòi hỏi cán bộ dành thời gian để giải thích trực tiếp với họ. Nhiều doanh nghiệp đến đây rất nhiều lần, tuyệt vọng nên phải thuê đơn vị tư vấn, nhưng cuối cùng cũng giải quyết không xong. Như vậy, chúng ta phải phục vụ hai lần, thế nên cần phải tìm cách thực hiện hiệu quả hơn”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Sở LĐ-TB-XH xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ và khoa học để tránh trường hợp xử lý quá hạn.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức. Đồng thời nhấn mạnh rằng toàn hệ thống đơn vị sẽ đổi mới trong từng công việc, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc quy định về kỷ cương, kỷ luật, văn hóa trong giao tiếp của cán bộ, công nhân viên để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Cấp giấy phép cho người nước ngoài, khó ở điểm nào?
Cụ thể như nhiều tổ chức, doanh nghiệp phản ánh việc cấp giấy phép cho lao động gặp nhiều khó khăn khi Nghị quyết 105/2021 của Chính phủ hết hiệu lực. Nghị quyết này trước đó đã nới lỏng một một số điều kiện người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để giúp doanh nghiệp ổn định nhân lực trong bối cảnh Covid-19.
Một số điều kiện quy định cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài hiện nay làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian, phát sinh chi phí. Đơn cử như bỏ quy định sử dụng giấy phép lao động đã được cấp thay thế cho kinh nghiệm làm việc, mà bắt buộc phải có văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc của tổ chức ở nước ngoài; hoặc bỏ quy định cung cấp bản sao hộ chiếu mà thay vào đó bản sao hộ chiếu có chứng thực…
Việc này không thuộc thẩm quyền điều chỉnh của địa phương mà phải có ý kiến của Chính phủ đối với các quy định thực thi pháp luật.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm