Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế để thay thế lao động thủ công, không có tính sáng tạo, dù nhanh và hiệu quả hơn nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người. Người lao động luôn có giá trị riêng.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động (ManpowerGroup) Việt Nam cho biết, AI đã và đang dần thay thế người lao động trong những công việc mang tính lặp đi lặp lại, không đòi hỏi tính sáng tạo và liên quan nhiều đến các nhiệm vụ hành chính, dù bất kể ở ngành nghề nào.
Ông Sơn dẫn chứng những công việc điển hình như nhân viên thu ngân, chăm sóc khách hàng, giao dịch viên, phiên dịch viên, nhân viên sản xuất, nhân viên nhập liệu… Trong tương lai, AI với sự phát triển mạnh mẽ hơn có thể thay thế một phần những công việc có mức độ tinh vi và phức tạp hơn, như các công việc liên quan đến thiết kế đồ họa, phân tích và tổng hợp dữ liệu, đào tạo, biên soạn nội dung…
Theo Giám đốc vận hành ManpowerGroup, thuật ngữ “useless class” (những người vô dụng) có thể trở thành hiện thực nhưng sẽ chỉ phổ biến ở những quốc gia có sự ứng dụng AI cũng như công nghệ rất cao.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của việc ứng dụng số hóa và trí tuệ nhân tạo nên việc thay thế hoàn toàn người lao động bằng AI vẫn chưa xảy ra.
Ngoài ra, xét về khía cạnh văn hóa, khác với các quốc gia phương Tây – nơi từ lâu đã rất nghiêm túc về bài toán hiệu suất và chi phí lao động, các nước ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á vẫn luôn đề cao yếu tố con người và tính nhân văn. Rất nhiều công việc do con người thực hiện vẫn được đánh giá cao hơn, điển hình như các sản phẩm thủ công được ưa chuộng thay vì sản phẩm công nghiệp. Do vậy, nhà quản lý, doanh nghiệp có thể tạm thời yên tâm về vai trò và vị trí của người lao động trên thị trường.
Nói về nhận định con người ngày càng “lép vế” trước trí tuệ nhân tạo, ông Sơn cho rằng, xét về tốc độ thực hiện công việc, tốc độ tư duy, khả năng học hỏi và phát triển, hiệu suất, tính ổn định, sự nhất quán, có thể nói con người thua kém ở nhiều tiêu chí so với máy móc và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, người lao động có không ít ưu điểm vượt trội hơn. Họ có cảm xúc, lý trí, sự sáng tạo, linh hoạt và khó đoán trước. AI cũng như máy móc nói chung là sản phẩm do con người tạo ra, chỉ hoạt động dựa trên các thuật toán, sẽ có những hạn chế không thể khắc phục.
Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, top 5 nhóm kỹ năng mềm mà người lao động bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần có bao gồm: Tin cậy và kỷ luật, khả năng sáng tạo và đề xuất ý tưởng, tư duy phản biện và kỹ năng phân tích, kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề, khả năng phục hồi và thích ứng.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp cần tìm cách cân đối, hài hòa các mục tiêu về lợi nhuận với chiến lược nhân sự. Cần đảm bảo tính nhân văn trong việc lên kế hoạch, quản lý và phân bổ nhân lực, làm sao để đảm bảo quyền lợi, an sinh và việc làm bền vững cho người lao động. Bởi nói cho cùng, con người chính là nguồn tài nguyên quý giá nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên có sự liên hệ chặt chẽ với Nhà nước để có được các phân tích, dự báo về nhu cầu nhân sự trong từng giai đoạn phát triển, từ đó định hướng đào tạo kỹ năng cho người lao động để vừa đảm bảo việc làm cho người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc công ty tuyển dụng Navigos Search miền Bắc cho biết, trí tuệ nhân tạo không loại bỏ công việc mà còn tạo ra cơ hội mới và thay đổi cách con người làm việc. Dù những lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo lấy mất nhiều công việc của con người khá hiện thực nhưng cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy công cụ này đang tạo ra cơ hội mới và sự tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực.
Theo chỉ số xu hướng công việc năm 2023 được Microsoft công bố trong năm nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AI sẽ mang lại giá trị tại nơi làm việc bằng cách tăng năng suất làm việc (35%) hơn là lo ngại AI sẽ “cướp” hết việc làm của người lao động.
Thực tế, cứ 10 người lao động Việt Nam thì có 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al không chỉ cho các công việc hành chính mà còn cho công việc phân tích và thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc.
Theo bà Giang, thực tế cho thấy, ở một số ngành nghề có tính chất công việc lặp đi lặp lại, dựa theo quy tắc, mô hình cố định thì việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa hay công nghệ hóa đã được nhân rộng để giảm bớt nhu cầu lao động. Tuy nhiên, AI chưa thể đe dọa những những nhân sự đảm nhiệm các công việc có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự nhạy bén, linh hoạt, khả năng giải quyết vấn đề, tương tác xã hội…
Với những “người vô dụng” (useless class), do không có kỹ năng, tụt hậu, không có khả năng được tuyển dụng, tình thế còn khó khăn hơn những người thất nghiệp. Đó là sự sàng lọc tất yếu trong tiến trình phát triển. Các nhà tuyển dụng dự báo hai hướng diễn biến ngược chiều, 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra song song với 83 triệu việc làm sẽ biến mất trong 5 năm tới.
Bà Giang phân tích, như vậy, AI không lấy đi việc làm của con người mà chính người sử dụng lao động chủ động dùng AI đảm nhận những công việc truyền thống. Người lao động sẽ vươn lên chiếm lĩnh những công việc mới được tạo ra từ xu hướng này. Vậy nên, tư duy tích cực thì nên tìm cách thích nghi trong thời đại AI hơn là lo sợ.
“Chúng ta cần trang bị ngay cho bản thân hoặc các thế hệ tiếp theo những kiến thức và kỹ năng để có thể chuyển mình. Khi AI mang lại những lợi ích, tiện dụng, hiệu quả, mỗi nhân sự có điều kiện tập trung vào những nhiệm vụ có tính sáng tạo và giá trị cao hơn”, bà Giang nói.
Báo cáo lương & thị trường lao động 2024 của Navigos Group cho thấy, khi được hỏi về những kỹ năng cốt lõi mà Ứng viên/ người lao động cho rằng cần tập trung phát triển trong năm 2023, kéo dài đến năm 2024, ngoại ngữ và tư duy phân tích cùng đứng đầu với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau là 55,1%. Kết quả này khá tương đồng khi tham chiếu với những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cũng chỉ ra 10 kỹ năng sẽ cần thiết cho cột mốc 2030 và 3 kỹ năng quan trọng nhất là Judgement & Decision Making (Đánh giá và Ra quyết định), Fluency of Ideas (Ý tưởng lưu thoát) và Active Learning (Chủ động học). Bên cạnh đó, sử dụng và kiểm soát công nghệ cũng là một kỹ năng cần được chú trọng để một người lao động có thể bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ.
Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo tác động rất nhiều ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến phân tích, chẩn đoán, dịch vụ, giáo dục. Thậm chí nhiều ngành nghề sẽ biến mất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Vũ Quốc Bình nhận định, trong bối cảnh AI len lỏi rất nhiều vào đời sống như hiện nay, để cạnh tranh, người lao động phải có rất nhiều kỹ năng mới. Ngoài kỹ năng chuyên môn, chuyên ngành, người lao động cần được cung cấp những kỹ năng mềm như kỹ năng tự học, kỹ năng số để thích ứng với sự thay đổi liên tục về công nghệ trong các lĩnh vực nghề nghiệp.
Ông Bình chỉ ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến giáo dục nghề nghiệp. Ở đó, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp bên cạnh đào tạo đón đầu xu hướng, đào tạo nhân lực trẻ sau trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chuẩn đào tạo của cả Việt Nam và quốc tế, giáo dục nghề nghiệp còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo lại cho khối lao động hiện tham gia thị trường lao động, đào tạo chuyển nghề, đào tạo thích ứng.
“Theo đó, chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp cũng cung cấp ngay cho người học những kiến thức nền tảng về AI trong từng lĩnh vực để người lao động biết cách sử dụng AI như một công cụ đắc lực cho công việc của mình”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, việc dạy nghề cũng hướng đến tương lai, đẩy mạnh phát triển sản xuất nội địa. Ông Bình dẫn chứng, trong ngành công nghiệp ô tô, bộ phận kỹ thuật viên đang hướng tới việc tự thiết kế được một số ứng dụng trong những sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chuyển dịch khi tiếp nhận công nghiệp chip bán dẫn về Việt Nam.
Những thay đổi nhanh chóng trên thực tế đặt ra đòi hỏi lớn với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đó là phải nhanh chóng gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay từ khâu thiết kế chính sách, tạo việc làm cho người lao động theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.
Đồng quan điểm, ông Sơn cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và sự thay đổi liên tục của thế giới việc làm dưới tác động của chuyển đổi số, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh với những người lao động khác, kể cả là máy móc hay AI, người lao động cần không ngừng học hỏi các kiến thức, trau dồi và nâng cao các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm.
“Họ cần nắm bắt những xu hướng mới trong công việc, ngành nghề, sẵn sàng thay đổi cách thức tư duy và làm việc, cải thiện thái độ làm việc và tính chuyên nghiệp, từ đó đạt được hiệu suất công việc cao và được doanh nghiệp trọng dụng”, ông Sơn nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình nhận định, trong bối cảnh AI len lỏi rất nhiều vào đời sống như hiện nay thì đòi hỏi người lao động phải có rất nhiều kỹ năng mới. Ngoài kỹ năng chuyên môn, chuyên ngành, người lao động cần được cung cấp những kỹ năng mềm như kỹ năng tự học, kỹ năng số để thích ứng với sự thay đổi liên tục về công nghệ trong các lĩnh vực nghề nghiệp.
Ông Bình chỉ ra rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến giáo dục nghề nghiệp. Ở đó, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp bên cạnh đào tạo đón đầu, tức đào tạo các em sau trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chuẩn đào tạo của cả Việt Nam và quốc tế, giáo dục nghề nghiệp còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đào tạo lại cho khối lao động đang tham gia vào thị trường lao động. Hiện một bộ phận lớn các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề, đào tạo thích ứng cho người lao động của mình.
“Chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp phải cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng về AI trong từng lĩnh vực, từ đó họ biết cách sử dụng AI như một công cụ đắc lực.
Bên cạnh đó, việc dạy nghề cũng cần hướng đến tương lai, đẩy mạnh phát triển sản xuất nội địa. Khi chúng tôi quan sát ngành ô tô, bộ phận kỹ thuật viên đang hướng tới việc họ tự thiết kế được một số ứng dụng trong những sản phẩm của Việt Nam. Khi tiếp nhận công nghệ của nước ngoài, họ hoàn toàn chiếm được khâu giá trị gia tăng này thay vì chỉ lắp ráp. Đây cũng là xu hướng chuyển dịch khi tiếp nhận công nghiệp chip bán dẫn về Việt Nam.
Điều này đặt ra bài toán với giáo dục nghề nghiệp, đó là phải nhanh chóng gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay từ khâu thiết kế chính sách, tạo việc làm cho người lao động theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số”, ông Bình cho hay.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chỉ ra ba bài toán cần giải quyết để nâng cao chất lượng cho lực lượng lao động của Việt Nam.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức để chính lao động phải có nhu cầu trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Xu hướng cũ của thị trường lao động tại Việt Nam là làm gia công vì có lao động dồi dào, trẻ và giá rẻ. Tuy nhiên xu hướng đó đã cũ, người lao động chuyển dịch dần sang xuất khẩu lao động, tới những thị trường giá trị cao hơn.
Thứ hai là phải giúp người lao động nhận thức, kỹ năng nghề rất cần thiết trong suốt cuộc đời. Kỹ năng càng giỏi thì cơ hội việc làm càng cao.
“Kỹ năng nghề chứ không phải tấm bằng đại học mới giúp người lao động có việc làm. Cần định hướng nghề nghiệp cho nhân lực trẻ từ sớm để các em có lựa chọn phù hợp với khả năng, sở thích và nhu cầu thị trường, tránh lãng phí thời gian và chi phí học tập khi lựa chọn sai”, Phó Tổng cục trưởng khuyến cáo.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng của người học thì bản thân các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị được đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị, hệ thống quản trị và mối gắn kết với các đối tác có liên quan. Nói cách khác, muốn đào tạo ra trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Thầy dạy nghề giỏi trước hết phải là người thợ giỏi vì công việc đặc thù này yêu cầu lớn nhất là kỹ năng thực hành.
Dù phải đối mặt với những bài toán khó trong thời đại AI, nhưng theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, cơ hội việc làm cho lao động vẫn rất nhiều bởi máy móc không thể thay thế con người làm mọi việc.
“AI làm được rất nhiều việc nhưng những việc phức tạp vẫn phải có bàn tay con người. Do đó, các trường nghề cần đưa vào chương trình học những kỹ năng mới để giảng dạy cho học sinh. Có thể xem đây là bước chuẩn bị lực lượng để khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới vào sản xuất là có sẵn lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu” ông Bình tâm niệm.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Thiết kế: Đức Bình
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm