Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trà Tân (sau đây gọi tắt là Công ty Trà Tân) là công ty 100% vốn nhà nước. Do làm ăn thua lỗ, năm 2016, công ty này buộc phải đóng cửa. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi tiến hành giải thể công ty theo quy định.
Lúc này, Công ty Trà Tân còn khoản nợ hơn 2 tỷ đồng, phần lớn trong số này là nợ lương, bảo hiểm của cán bộ, nhân viên. Do chưa thanh toán hết công nợ nên công ty không thể giải thể.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị được chuyển từ hình thức giải thể sang phá sản đối với Công ty Trà Tân. Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn của Trung ương, loại hình doanh nghiệp này chỉ có hình thức giải thể, không có hình thức phá sản.
Vì vướng mắc nêu trên nên tỉnh Quảng Ngãi không thể xử lý dứt điểm đối với Công ty Trà Tân. Tỉnh này quyết định giữ lại 3 lao động chủ chốt gồm giám đốc, phó giám đốc (nghỉ hưu năm 2018) và một trưởng phòng nhằm giải quyết các thủ tục liên quan.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Trà Tân, do công ty làm ăn thua lỗ, sau đó đóng cửa mà không thể giải thể, phá sản nên nhiều cán bộ, nhân viên bị nợ lương. Riêng bản thân ông và Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính bị nợ lương từ năm 2012 đến nay.
Tính đến thời điểm này, ông Dũng đã quá tuổi hưu 7 năm, sức khỏe không tốt nhưng trên thực tế vẫn chưa được nghỉ hưu để hưởng chế độ. Ngược lại, do công ty nợ bảo hiểm xã hội nên hàng chục năm qua bản thân ông không có chế độ bảo hiểm.
“Sự việc kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi và nhiều lao động khác. Tôi mong muốn tỉnh và các bộ, ngành Trung ương có hướng giải quyết dứt điểm vướng mắc của công ty, thanh toán đầy đủ các chế độ cho người lao động”, ông Dũng kiến nghị.
Cùng rơi vào tình cảnh làm lãnh đạo bất đắc dĩ, ông Lê Hồng Dũng, Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, nói rằng sự việc kéo dài khiến ông cảm thấy rất mệt mỏi.
Ông Dũng cho biết, bản thân ông bị nợ lương, bảo hiểm xã hội gần 11 năm. Năm 2016, ông được giữ lại cùng ban giám đốc xử lý hồ sơ, giấy tờ của công ty. Từ đó đến nay, ông buộc phải bám trụ với công ty trên danh nghĩa trưởng phòng.
“Tôi còn tuổi lao động nhưng mấy năm nay không có việc để làm. Trên thực tế tôi vẫn là trưởng phòng của Công ty Trà Tân nên không thể chuyển công tác khác”, ông Dũng nói.
Không chỉ không có lương mà vị lãnh đạo bất đắc dĩ này cũng không có chế độ bảo hiểm y tế phòng lúc ốm đau. Theo ông Dũng, do công ty nợ bảo hiểm quá nhiều nên ông cũng không thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn giải thể Công ty Trà Tân.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, số vốn hiện có của công ty là 78,9 triệu đồng. Trong khi đó, khoản nợ lên đến hơn 5,2 tỷ đồng, hầu hết là nợ lương và các khoản bảo hiểm cho người lao động. Để công ty có thể áp dụng hình thức giải thể buộc phải trả hết số nợ này.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ hơn 5,1 tỷ đồng. Khoản kinh phí này giúp Công ty Trà Tân thanh toán dứt điểm các khoản nợ, đủ điều kiện giải thể.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn việc giải thể đối với Công ty Trà Tân. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vướng mắc, thực hiện giải thể đối với Công ty Trà Tân.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm