Đây là một trong những nội dung trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Theo Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, thông qua đại hội công đoàn các cấp, công đoàn Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng nay 2.12, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước 8 vấn đề lớn. Một trong những vấn đề được người lao động mong mỏi là điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động.
Theo đó, đoàn viên, công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14): “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, theo ý kiến người lao động, hiện số ngày nghỉ của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5 – 6 ngày. Vì vậy, người lao động đề nghị nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hằng năm vào thời điểm thích hợp.
Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ 2 – 5.9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Sớm giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ BHXH
Một nội dung khác được người lao động kiến nghị là tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội (BHXH), an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng BHXH, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.
Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự.
Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm