Ngày 20.10, thông tin với Tin Tức Tuyển Dụng, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, sau những giải pháp, chính sách kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất công nghiệp tại TP.HCM có dấu hiệu phục hồi, sức tiêu thụ hàng hóa cải thiện, ngành du lịch duy trì mức tăng khá ổn định và tác động tích cực tới các ngành dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, vui chơi giải trí…
Dù vậy, TP.HCM còn đối mặt nhiều thách thức khi thị trường bất động sản còn gặp khó; hoạt động xuất nhập khẩu tăng chậm; người lao động mất việc do cắt giảm lao động còn xảy ra, nhất là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may – giày da, chế biến gỗ, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử…
Với nền kinh tế mở cửa, hội nhập, khi tình hình kinh tế thế giới khó khăn thì hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị tác động, doanh nghiệp phải giãn việc, giảm nhân công, thị trường lao động vì đó chịu nhiều biến động.
“Chúng ta biết rằng thị trường không ngừng phát triển và biến đổi, nhu cầu nhân lực đòi hỏi ngày càng cao để theo kịp khoa học công nghệ và những rủi ro của nền kinh tế. Nếu biết nắm bắt và tìm ra hướng đi mới phù hợp thì đây cũng sẽ là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để thay đổi và chuyển mình”, ông Thinh nói.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh, hiện nay, tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực phân bổ ở nhiều trình độ khác nhau, cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng ngành, nghề tuyển dụng. Tuy nhiên, thị trường lao động – việc làm ngày càng năng động và cạnh tranh quyết liệt, nên người lao động tìm việc khó khăn hơn.
Với bối cảnh hiện nay, nếu người lao động không có kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp hay không có khả năng dùng máy móc, làm việc số hóa thì sẽ khó tìm việc.
Chưa kể khi doanh nghiệp cải tổ lại hệ thống, lao động ở độ tuổi trung niên mất việc, nếu không có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc mới, sẽ dễ bị thất nghiệp.
Do đó, người lao động cần tích cực chủ động nâng cao kiến thức và trình độ, đa dạng hóa kỹ năng, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công việc.
Nhất là trong thời gian bị giãn việc, hoãn việc cần chủ động tham gia các lớp đào tạo nghề để chuyển hướng tìm kiếm công việc ở những ngành nghề phù hợp.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho hay những tháng cuối năm 2023, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh dịp tết, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý 4/2023 cần khoảng 75.500 – 81.500 chỗ làm việc, trong đó nhu cầu nhân lực ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,58%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 20,37%, cao đẳng chiếm 24,09%, trung cấp chiếm 27,7%, sơ cấp chiếm 13,42%.
Cạnh đó, các doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ… nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm 14,42%.
Ông Lê Văn Thinh cho hay trong những tháng cuối năm 2023, đơn vị đề ra các giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, giải pháp dự báo. TP.HCM tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, lao động để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Cạnh đó, dự báo chính xác tình hình cung – cầu lao động; giám sát tình hình chi trả tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Thứ hai, giải pháp việc làm. TP.HCM sẽ tổ chức 12 sàn giao dịch việc làm trong thời gian tới, trong đó có sàn kết nối với 13 tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, đề xuất UBND TP.HCM ký kết chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố đang có lực lượng lao động làm việc tại TP.HCM nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người lao động các địa phương kết nối.
Thứ ba, giải pháp hỗ trợ tài chính. TP.HCM sẽ đẩy mạnh truyền thông với doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ của nhà nước về đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Cạnh đó, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tự tạo việc làm hoặc phát triển hoạt động sản xuất.
Thứ tư, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. TP.HCM sẽ đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cho 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo định hướng hiện đại, rút ngắn khoảng cách với thực tế sản xuất.
Đồng thời, đổi mới quy trình, phương pháp phát triển chương trình đào tạo nghề; xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm