Thông tin trên được lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 21.7.
Giảm thời gian chờ đợi từ 10 phút xuống còn 5 – 10 giây
Theo BHXH Việt Nam, sau hơn 6 tháng triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên thẻ CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT tại 5 bệnh viện (ở Hà Nội và Quảng Bình); bộ phận một cửa ở BHXH một số địa phương như BHXH Q.Đống Đa (Hà Nội), BHXH Bình Dương… đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH.
Với công nghệ mới, người dân đi khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH chỉ cần đặt CCCD và ngón tay trỏ lên máy kiểm tra, máy tính sẽ hiện kết quả xác nhận chủ căn cước là một.
Qua thực tế triển khai tại địa phương, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho hay trước đây, tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế phải tự xác thực CCCD và thẻ BHYT bằng mắt thường khi tiếp đón bệnh nhân, quy trình phải thực hiện tối thiểu 4 bước, thời gian ước tính khoảng 10 phút/địa điểm. Người dân mệt mỏi, chán nản khi phải chờ đợi đến lượt làm thủ tục.
“Việc đưa ứng dụng sinh trắc vân tay vào khám, chữa bệnh đã giúp giảm thời gian làm thủ tục xuống còn từ 5 – 10 giây, đảm bảo công bằng, giảm tải nhân lực, tiết kiệm hàng tỉ đồng/năm. Đặc biệt, việc ứng dụng này sẽ giảm tình trạng mượn thẻ, gian lận trong khám, chữa bệnh”, ông Phong chia sẻ.
Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, sau 8 tháng triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước gắn chip trong tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính và đặt lịch làm việc trực tuyến, đã có khoảng 20.000 người nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa được xác thực sinh trắc, bình quân mỗi ngày 200 – 220 người.
“Qua quá trình thực hiện, cơ quan BHXH đã phát hiện 3 đối tượng sử dụng CCCD gắn chip nghi ngờ là giả để hưởng BHXH 1 lần, tổng số tiền nếu được tiếp nhận và giải quyết ước tính lên đến gần 200 triệu đồng.
Chúng tôi đã báo cáo với cơ quan công an xác minh, xử lý; đồng thời thông báo đến BHXH các tỉnh lưu ý và cảnh giác trước tình hình giả mạo giấy tờ tùy thân trong tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH, đặc biệt là tình hình giả mạo CCCD gắn chip”, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương nói.
Đề nghị sớm triển khai ứng dụng trên toàn quốc
Cho rằng hiện nay một số loại giấy tờ (đặc biệt là giấy tờ tùy thân) được làm giả một cách tinh vi, khó nhận dạng bằng mắt thường, bà Lý kiến nghị: “Việc hỗ trợ công cụ để có thể xác thực danh tính người thụ hưởng chế độ hết sức cấp bách. BHXH Việt Nam sớm triển khai ứng dụng này trên toàn quốc, nâng cấp phần mềm nghiệp vụ để lưu lại thông tin lẫn lịch sử sinh trắc của người làm hồ sơ, sau này còn đối chiếu”.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ còn có những vướng mắc, thiếu hành lang pháp lý như: quy định về việc thực hiện xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh BHYT; quy định về việc lưu trữ, sử dụng thông tin sinh trắc…
Trước những lợi ích của việc ứng dụng sinh trắc mang lại cho cả người dân, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH, tới đây, BHXH Việt Nam sẽ đề nghị Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Công an ban hành quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết bị xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip và lưu trữ lịch sử truy vấn thông tin sinh trắc; đồng thời chủ trì tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh, nâng cấp phần mềm, trang bị thiết bị đọc thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip để mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia; hạn chế gian lận, trục lợi Quỹ BHXH, BHYT.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm