Thương vụ quyết định ngã rẽ cuộc đời của anh nông dân
Nhìn dáng vẻ chất phác và lối nói chuyện thật thà, ít ai biết rằng, ông Hoàng Bá Thông (53 tuổi, xóm Tân Cát, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) lại là tay luyện trâu chọi cừ khôi. Người nông dân này bén duyên với nghề buôn, luyện trâu chọi hết sức tình cờ.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, ông Thông chỉ biết đến trâu kéo cày, thỉnh thoảng có chăng là được xem những trận chiến của hai chú trâu “nghiệp dư”. Ông chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ làm nghề lái trâu và huấn luyện trâu tham dự những giải chọi trâu lớn trong và ngoài nước.
Ông Thông kể, năm 2004, tình cờ một người quen ghé qua, nhờ anh giới thiệu nhà nào bán trâu đực, yêu cầu là phải “máu chiến”. Nghĩ quan hệ bạn bè, ông Thông đi tìm giúp. Không ngờ, chú trâu ông Thông giới thiệu cho bạn mua năm đó giành giải 3 cuộc thi chọi trâu ở Đồ Sơn.
“Tôi thấy mình có duyên với nghề “cò” trâu. Nghĩa là nhìn thấy con trâu nào có khả năng chọi hay thì giới thiệu cho người ta mua, lấy hoa hồng thôi. Dần dần, tôi tự mình đi mua trâu về bán lại cho các tay chọi trâu, như thế lãi hơn”, ông Thông kể.
Lúc đầu ông Thông cũng chỉ buôn bán cò con, vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên chỉ loanh quanh mấy huyện lân cận tìm trâu mộc, sừng to và dùng đánh giá cảm quan của mình để “đo độ chiến” của trâu. Lâu dần, nhờ tích lũy được vốn và kinh nghiệm, ông mở rộng địa bàn.
Bước chân của người đàn ông này đã đi khắp các huyện có tiếng nuôi trâu chọi trong tỉnh, rồi vào tận Tây Nguyên, Tây Nam để “tầm” trâu. Dần dà, ông sang cả Lào, Campuchia và Thái Lan để “săn” trâu mộc.
Trâu mộc là chưa qua huấn luyện để có thể chọi. Khi mua về, ông Thông chăm sóc kỹ và bắt đầu huấn luyện. Thông thường, trâu mộc thường ở mức 600-650kg, về vỗ béo lên 750-800kg là có thể bắt đầu huấn luyện.
Theo ông Thông, trâu ở mỗi địa phương sẽ có từng đặc tính riêng, do vậy, người huấn luyện phải có mắt quan sát để các đòn đánh dựa trên thế mạnh của từng con.
“Mỗi năm trung bình tôi mua và xuất bán khoảng 200 con trâu chọi. Trước đây, trâu chọi bán đi Hải Phòng, Vĩnh Phúc, khoảng 10 năm trở lại đây, khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc”, ông Thông tiết lộ.
Thời điểm này, ông Thông đang có trong tay khoảng 40 con trâu chọi. Điều đặc biệt, người đàn ông này không nuôi nhốt tập trung trâu chọi mà thuê các hộ dân trong làng nuôi. Trong làng hiện có 20 hộ dân nhận nuôi trâu cho ông Thông. Hộ nhận nuôi sẽ được trả 1,5 triệu đồng/con/tháng chưa kể các khoản “bo” của chủ khi trâu bán được giá.
Anh Nguyễn Văn Xân hiện nhận chăm sóc 4 con trâu chọi cho ông Thông. Mỗi tháng, gia đình anh Xân có thu nhập 6 triệu đồng từ công việc chăm trâu, ngoài ra gia đình được toàn quyền sử dụng sức kéo của trâu phục vụ sản xuất nông nghiệp và lấy phân trâu để chăm bón cho ruộng vườn.
Bí quyết “tầm” và huấn luyện trâu chiến
Theo ông Thông, không phải con trâu đực nào cũng có thể chọi được và chọi hay. Người “tầm” trâu phải biết đánh giá khả năng chiến đấu của trâu thông qua các đặc tính và hình dáng của nó.
“Trâu chiến phải là trâu đực, ánh mắt linh hoạt, khoang khoáy (xoáy trên mình trâu) đẹp, 5 xoáy, da và lông đen, móng sò, đuôi trai…”, ông Thông chia sẻ về bí quyết chọn trâu.
Trâu mua khắp nơi, đưa về làng, được ông Thông tiêm phòng đầy đủ và vỗ béo. Theo người đàn ông này, thể lực sung mãn là một trong những điều kiện quan trọng quyết định độ “máu chiến” của trâu chọi.
Ông Thông nói tiếp: “Hàng ngày, trâu phải được tắm sạch sẽ và ăn no. Ngoài cỏ voi là thức ăn chủ lực, tôi cho trâu ăn thêm mía, mật mía và cám ngô. Những thức ăn này sẽ giúp trâu có thể lực sung mãn, thịt săn chắc. Nuôi trâu chọi đặc biệt không cho ăn cám công nghiệp vì như thế thịt sẽ nhão, trâu mất động lực để chiến đấu”.
Cùng với tăng cường thể lực cho trâu, ông Thông bắt đầu công cuộc huấn luyện. Việc đầu tiên là cho 2 con trâu… đứng nhìn nhau. Việc nhìn đối thủ sẽ kích thích máu chiến đấu trong mỗi chú trâu. Với trâu chọi, khả năng chiến đấu đã có sẵn trong máu, sẵn sàng lao vào “tử thương” đối thủ. Người luyện trâu giỏi phải nhìn được các thế mạnh của nó để bồi dưỡng thêm như các đòn hổ lao, móc hàm, móc mắt…
Tất nhiên sau những đợt huấn luyện thực chiến giữa các chú trâu chọi, cũng có những con mang thương tích nhưng người luyện trâu phải chấp nhận điều đó, dù việc chăm sóc vết thương và phục hồi thể lực cho trâu mất nhiều thời gian hơn.
20 năm trong nghề, ông Thông đã tạo được thương hiệu riêng và nổi tiếng mát tay trong chọn và huấn luyện trâu chọi. Trước mùa chọi trâu, các tay chọi ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc sẽ vào tận nơi trực tiếp đánh giá khả năng chiến đấu của từng con trâu trước khi xuống tiền. Khách mua trâu chọi Đồ Sơn (Hải Phòng) thường bắt đầu đi tầm trâu chiến vào độ tháng 8 âm lịch, trong khi đó, khách mua trâu chọi cho hội Hải Lựu (Vĩnh Phúc) sẽ tìm mua trâu từ khoảng tháng Giêng.
“Phần lớn khách hàng của tôi là người Trung Quốc. Việc mua bán được thực hiện qua mạng xã hội. Tôi sẽ quay video từng con trâu, các trận đấu luyện và gửi cho họ. Nếu ưng họ sẽ chuyển tiền đặt cọc rồi cho xe tải thùng về chở. Khi trâu lên thùng, việc thanh toán cũng phải hoàn tất”, ông Thông nói.
Ông Thông cũng truyền nghề cho cậu con trai Hoàng Bảo Trung (32 tuổi). Mặc dù còn trẻ nhưng Trung đã tạo lập được thị trường riêng của mình và hỗ trợ bố trong việc giao dịch với thương lái Trung Quốc.
Giá trâu chọi thường đắt gấp 4-5 lần trâu thường, có khi hơn. Theo tiết lộ của người đàn ông có 20 năm kinh nghiệm này, thường mỗi con trâu khi bán qua tay, anh lãi ngay vài chục triệu đồng.
“Con trâu đắt nhất tôi mua là giống trâu chọi Campuchia, giá 170 triệu đồng, sau đó bán cho khách Trung Quốc, giá 200 triệu đồng, bỏ túi 30 triệu đồng. Có những con trâu vừa về đến nhà khách đã mua luôn”, ông Thông bật mí.
Tuy nhiên, đây không phải là con trâu có giá đắt nhất mà ông Thông bán. Cách đây ít lâu, anh vừa giúp một vị khách Trung Quốc mua một con trâu chọi giá 400 triệu đồng.
“Với những ai đã đam mê chọi trâu thì giá cả không thành vấn đề, miễn chọn được trâu chọi hay. Tuy nhiên, con trâu này quá đắt, tôi không dám mạo hiểm mua về nên chỉ đóng vai trò trung gian để kết nối bên bán và bên mua”, ông Thông cho biết nhưng không tiết lộ khoản hoa hồng sau thương vụ này.
Theo ông Dương Công Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, trên địa bàn xã có nhiều hộ dân nuôi và luyện trâu chọi nhưng quy mô lớn nhất là hộ ông Hoàng Bá Thông, các hộ còn lại nuôi nhỏ lẻ 1-2 con.
“Trước đây, người dân xã Bình Sơn nuôi trâu chọi bán đi Hải Phòng, Vĩnh Phúc, nơi có các lễ hội chọi trâu lớn, còn hiện nay chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc. So với trâu thịt thì trâu chọi có giá trị kinh tế cao hơn, có những con bán với giá gấp 4-5 lần trâu thường”, ông Ngọc cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm