Rạng sáng, không khí mua bán, trao đổi, xem đào dọc quốc lộ 15C, đoạn qua huyện biên giới Mường Lát đã rộn rã. Người xếp đào, vận chuyển đào lên xe, người chào mua, xem đào,…
Gần 20 năm “săn” đào đá phục vụ dịp Tết, anh Đinh Văn Tình, bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, cho biết đào đá được nhiều khách ưa chuộng bởi nét đẹp mộc mạc nhưng vô cùng cuốn hút.
“Đào được bà con đồng bào Mông trồng trên sườn đồi có độ dốc lớn. Do khí hậu miền biên khắc nghiệt nên thân cây mốc meo, xù xì. Cây đào lâu năm sẽ có thế đẹp, thân to, có nụ, hoa, lộc và cả địa y, tầm gửi bám vào”, anh Tình cho hay.
Theo anh Tình, đào đá có tuổi đời lâu năm, rêu mọc trên thân càng nhiều thì càng đắt giá. Người sành chơi đào, bỏ vài chục triệu đồng mua những cành đào có đường kính gần 20cm, thân sần sùi, đen sì, nhiều đốt như cành cây khô. Tuy nhiên, khi ánh nắng mùa xuân ấm áp tràn về, những cành cây ấy lại bật ra chồi, nụ rồi nở hoa phớt hồng rất đẹp.
Giá đào đá năm nay cao hơn những năm trước 15-20%. Tùy túi tiền, khách hàng có thể mua được những cành đào hợp ý mình với giá từ 500.000 đồng đến gần 20 triệu đồng.
“Bán loại đào mốc này không lo ế mà chỉ lo “cháy” hàng”. Có năm đến 27 Tết tôi đã bán hết gần 200 cành đào, thu lãi vài chục triệu đồng. Riêng năm nay, tôi nhập 300 cành đào, hiện đã có khách đặt 50 cành. Khoảng 20 tháng Chạp, tôi gửi xe về thành phố Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc cho khách”, anh Tình nói.
Theo anh Tình, với bà con đồng bào Mông ở Nhi Sơn, Pù Nhi, đào đá là một sản vật quý nên chỉ khi được giá bà con mới bán và bán với số lượng hạn chế. Để tìm được những cành đào đẹp, hút khách, anh đã đến tận các bản nơi đồng bào Mông sinh sống đặt hàng từ 2 tháng trước. Khi bà con đồng ý bán, anh “xuống” tiền, giữ hàng. Đến ngày hẹn, bà con sẽ mang đào xuống bản.
Dựng chiếc xe máy bên đường, anh Lâu Văn Phớ, bản Pù Toong, xã Pù Nhi hồ hởi mời khách xem, mua đào. Nhà anh Phớ có gần 100 gốc đào 20 năm tuổi. Thấy đào mốc của bà con được khách hàng ưa chuộng, 5 năm nay, anh Phớ kiêm thêm nghề thu mua đào rồi mang ra trung tâm xã bán.
“Năm ngoái đến 27 Tết khách liên tục gọi điện mua đào nhưng tôi không còn. Mỗi năm tôi chỉ bán khoảng 100 cành (20 cành của gia đình, 80 cành gom được của bà con trong bản). Bán vừa phải để còn giữ gìn giống đào cổ nữa”, anh Phớ vui vẻ nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm đào để loại cây này ra hoa đúng dịp, anh Phớ cho biết, đầu tháng 11 âm lịch, bà con đồng bào Mông bắt đầu tuốt lá. Việc tuốt lá là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Năm nào thời tiết nắng ấm thì tuốt lá muộn hơn 2-5 ngày, ngược lại thời tiết rét nhiều thì tuốt lá sớm hơn.
Đào dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc mà bán lại được giá, nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng đào. Cây đào đã và đang từng bước trở thành loại cây trồng chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cho bà con đồng bào Mông.
Mong muốn có cành đào đá rêu phong chơi Tết, anh Vi Văn Băng, xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa đã vượt hơn 50km lên xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát để mua.
Theo anh Băng, hoa đào mốc có màu phớt hồng, nhẹ nhàng, tinh tế và thanh lịch, thân cây đào mốc càng xù xì, bám nhiều rêu thì gia chủ càng gặp được nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm