LỜI TÒA SOẠN
Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người đi du học nước ngoài mỗi năm, số lượng cao gấp 2,5 lần giai đoạn trước 2013. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh. Đây luôn được xác định là nguồn nhân lực chất lượng, tiềm năng với đất nước.
Thực tế, ngày càng có nhiều du học sinh chọn trở về vì nhìn thấy những cơ hội, triển vọng tốt, khả năng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Dân trí thực hiện loạt bài viết “Thế hệ kỳ lân “đi để trở về” phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến này và bài toán thu hút, tận dụng, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực được kỳ vọng “về làm chủ” này.
Các cơ quan quản lý lao động xem việc du học là huy động các nguồn lực cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, mang lại thế hệ tiên phong, đi để “về làm chủ”, dẫn dắt nền kinh tế mai này. Xu hướng trở về ngày càng nhiều của lớp du học sinh xuất sắc, theo các chuyên gia, thể hiện nhiều ý nghĩa.
Từ cuộc “về nguồn” trong sáng tới bài toán cơ hội
“Ngày xưa, lý do trở về Việt Nam làm việc của tôi thật đơn giản và trong sáng – cống hiến vì tình yêu dành cho đất nước, cống hiến đem lại niềm tự hào cho gia đình”, ông Nguyễn Tuấn Anh (nguyên Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại bang California, Hoa Kỳ) đang công tác tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn chia sẻ.
Thấm thoắt 10 năm, dù trải qua nhiều thăm trầm trong quá trình về nước làm việc, ông vẫn đang cố gắng hàng ngày để làm mới bản thân, giữ lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ năm nào còn nơi đất khách quê người để tiếp tục đi trên con đường mình lựa chọn.
Ông cũng giống như nhiều bạn trẻ khác về nước gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với môi trường làm việc trong nước. Tuy nhiên điều đó không khiến ông chùn bước.
Mỗi lần thấy nản lòng, ông Nguyễn Tuấn Anh lại suy nghĩ về lý do mình bắt đầu và quyết định thúc đẩy nhanh việc học thạc sĩ tại Mỹ, rút ngắn thời gian làm việc lấy kinh nghiệm ở nước ngoài để trở về nước.
Còn chị Phạm Mỹ Duyên, phụ trách nhân sự tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ kinh doanh Yes (TPHCM) cho biết, chị là du học sinh từng đi học và làm việc ở Mỹ và Trung Quốc. Nhờ cơ hội được tiếp xúc nhiều nền giáo dục, văn hóa, công nghệ và môi trường mà chị có sự so sánh và chọn lọc cái phù hợp nhất tại từng thời điểm áp dụng trong công việc.
“Tôi có thể tự hào là người châu Á, người Việt với kiến thức và giá trị đem lại cho nước sở tại. Tuy nhiên nhen nhóm trong người vẫn là việc mình có thể đem lại giá trị tương ứng tại đất nước của mình. Vì vậy, mỗi ngày học được, thấy được cái mới, cái hay ở nước ngoài đem về Việt Nam áp dụng”, chị Duyên chia sẻ.
Mỗi ngày học được, thấy được cái mới, cái hay ở nước ngoài đem về Việt Nam áp dụng
Trong công việc, chị đem kiến thức, quy trình và hệ thống của nước ngoài, điều chỉnh lại và áp dụng cho công ty, đào tạo cho nhân viên khá hiệu quả. Không chỉ chị, công ty này có hơn 20 nhân sự là du học sinh tại các quốc gia.
“Hiện nay xu hướng du học sinh trở về nước khởi nghiệp, làm việc đang là xu hướng mới. Tuy nhiên, dù người Việt ở đâu, họ đều đã và đang tạo ra giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp cho Việt Nam và cho thế giới”, chị Duyên nhấn mạnh.
8 ngành trọng điểm cần nhân lực trình độ quốc tế
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế Trần Anh Tuấn cho rằng, từ lâu, các đơn vị, doanh nghiệp đã hướng đến việc tìm kiếm nguồn nhân lực là du học sinh, những người học trường quốc tế được chứng nhận về chất lượng đào tạo, tốt nghiệp ở nước ngoài…
Đến nay, các cơ quan quản lý lao động xem du học là thực hiện chính sách xã hội hóa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Du học được xem như là thực hiện chính sách xã hội hóa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nguồn nhân lực chất lượng cao này, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghệ cao, được xem như là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM trong những năm qua như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học – công nghệ gen, công nghệ vật liệu mới, tự động hóa…
Những năm gần đây, TPHCM đang cần và tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực trình độ quốc tế theo con đường khuyến khích du học như trên với 8 ngành trọng điểm là công nghệ thông tin – truyền thông, cơ khí – tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính – ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao và nhân sự quản lý cho các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế – xã hội sẽ còn tăng mạnh khi kinh tế ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ chuyển biến trình độ sản xuất ngày càng sâu rộng. Cơ chế kinh tế thị trường quyết định xu hướng nhân lực có trình độ, kỹ năng cao sẽ được chú trọng tuyển chọn và đãi ngộ hợp lý.
Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, vị này cho rằng không nên ảo tưởng du học sinh đều là lao động chất lượng cao. Cũng không phải lao động chất lượng cao về nước là có được công việc dễ dàng, lương cao, đãi ngộ tốt và thành công.
“Bằng cấp cao hay thấp, bằng cấp trong nước hay quốc tế là điều kiện quan trọng khi xét tuyển một nhân sự nhưng không phải là yếu tố quyết định trong đánh giá chất lượng nhân lực, cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất để dẫn đến thành công”, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Chính vì vậy, ông cho rằng kiếm được việc dễ hay không, lương cao hay thấp thì nhân tố quan trọng nhất là trình độ, kỹ năng phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của vị trí việc làm đó, đảm bảo kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề, năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả…
Từ thực tiễn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế đưa ra lời khuyên, du học sinh muốn về nước thành công cũng phải đánh giá xu hướng phát triển của thị trường lao động, nhu cầu thực tế của thị trường so với ngành nghề, kỹ năng, bằng cấp và năng lực của bản thân.
Do đó, để khuyến khích du học sinh về nước thì thông tin thị trường lao động trong thời điểm hiện nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“Thông tin này phải đảm bảo phong phú, toàn diện để vừa phản ánh đặc điểm thị trường lao động Việt Nam theo từng địa bàn, vừa thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp và các chương trình khởi nghiệp sáng tạo”, vị này cho biết thêm.
Để khuyến khích du học sinh về nước thì thông tin thị trường lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu kết nối việc làm tốt cho nhóm nhân lực này, tôi chắc rằng số lượng du học sinh về nước làm việc sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn.
Với thông tin đầy đủ, ông Trần Anh Tuấn nhận định, du học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm cơ hội để trở về. Khi trở về, họ có thể nhanh chóng tiếp cận việc làm và các chính sách việc làm trong nước phù hợp với năng lực bản thân. Thuận lợi này khuyến khích họ về nước tốt hơn là các chính sách ưu đãi cá biệt.
Tuy nhiên, vị này thẳng thắn nhìn nhận, thông tin thị trường lao động của chúng ta hiện nay vẫn còn yếu. Hệ thống quản lý lao động, giới thiệu việc làm của nhà nước hiện chỉ chú trọng đến nhóm lao động phổ thông, lao động lương thấp mà ít có thông tin về nhóm lao động chất lượng cao. Do đó, hiệu quả kết nối việc làm cho nhóm nhân lực chất lượng cao hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
“Nếu kết nối việc làm tốt cho nhóm nhân lực này, tôi chắc rằng số lượng du học sinh về nước làm việc sẽ còn tăng trưởng nhanh hơn”, ông Trần Tuấn Anh kỳ vọng.
Bài toán đón “kỳ lân”
Quan sát từ thực tế cung ứng lao động, Giám đốc nhân sự Navigos Group (đơn vị chuyên cung ứng nhân sự cao cấp tại Việt Nam) Phạm Thị Hoài Linh cho biết, trong thời gian trở lại đây, số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài nói chung và các nhân sự là du học sinh nói riêng, trở về Việt Nam làm việc ngày càng nhiều.
Nhóm lao động về nước làm việc không chỉ bao gồm các du học sinh mới ra trường hoặc có 1-2 năm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài mà ngay cả những lao động đã có nhiều năm kinh nghiệm, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều ngành cũng đang dịch chuyển về Việt Nam.
Theo bà Linh, với nhóm lao động là những chuyên gia lâu năm trong ngành, họ đã ở những vị trí, cấp bậc cao, có vị thế nhất định trên thị trường lao động và có tên tuổi nhất định trong quá trình làm việc nên sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào thị trường lao động trong nước.
Bên cạnh đó, thế hệ du học sinh vừa tốt nghiệp, hoàn thành quá trình học tập ở nước ngoài và quay lại Việt Nam khởi nghiệp, đi tiên phong sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Bởi tỷ lệ người đi học và trở về nước ngày càng nhiều nên thị trường lao động, chặng đường khởi đầu cũng cạnh tranh hơn.
Các chuyên gia hàng đầu trong ngành cũng đang dịch chuyển nhiều về Việt Nam (Ảnh: Hải Long – Lê Hoa).
Đối với nhóm nhân sự này, Giám đốc nhân sự Navigos Group nhận định, thế mạnh nổi trội nhất có thể dễ dàng nhận thấy đó là khả năng ngoại ngữ, sự độc lập, chủ động trong công việc và cởi mở về tư duy.
“Đặc biệt là khi có trải nghiệm ở những môi trường đa quốc gia, tiếp xúc với nhiều bạn bè từ nhiều nước, các nhân sự có sự nhìn nhận về thế giới quan sẽ khác. Bởi vậy, khi vào môi trường làm việc, mỗi người sẽ phát huy được tính năng động sáng tạo, nhanh nhạy, nhìn nhận vấn đề ở các khía cạnh để đưa ra cách giải quyết phù hợp”, bà Linh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bà Linh cho rằng, điểm mạnh cũng chính là nhược điểm của nhóm nhân lực trẻ khi về nước làm việc. Đầu tiên, đó là sự định vị bản thân cao. Nguyên nhân là khi đi du học, có sự đầu tư lớn từ gia đình hoặc trình độ học vấn tốt và đạt được học bổng thì sự tự hào bản thân của mỗi cá nhân rất lớn.
Do đó, khi về Việt Nam tìm việc, những người này kỳ vọng một công việc với mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn trong khi mức lương hiện tại doanh nghiệp ở Việt Nam chi trả thường thấp hơn so với các nước phát triển do sự khác biệt về mức sống. Vì vậy, nhiều người dễ hụt hẫng khi nhận “offer” (đặt hàng) công việc từ doanh nghiệp.
Tiếp đến là sự khác biệt về mặt văn hóa, môi trường làm việc. Vì ở môi trường doanh nghiệp tại Việt Nam, cách vận hành, tổ chức, giao tiếp cũng sẽ rất khác biệt so với khi ở nước ngoài nên các nhân sự “Tây học” sẽ phải dành thời gian làm quen môi trường, giao tiếp và bắt nhịp được với văn hóa để hòa nhập khi về nước làm việc.
“Dù là ưu nhược điểm ra sao, người chọn trở về đều cần hiểu rõ bản thân mình trước tiên, biết điểm mạnh của mình ở đâu để phát huy và những khía cạnh cần điều chỉnh, từ đó đặt định vị bản thân đúng chỗ và thích nghi được với môi trường làm việc trong nước”, bà Linh đưa ra lời khuyên.
Luxshare- ICT (ở Bắc Giang), doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các đối tác lớn trên thế giới, có kế hoạch tuyển hàng nghìn lao động trong quý I. Đáng lưu ý, có đến 1/3 lao động trong tổng số cần tuyển dụng là công nhân kỹ thuật và cấp quản lý.
Bên cạnh việc tuyển dụng công nhân trực tiếp, công ty rất quan tâm đến nhóm lao động có trình độ, tay nghề. Ông Đỗ Quân, Giám đốc Nhân sự của công ty cho biết, trong những năm gần đây, tỷ lệ người Việt Nam đảm nhận vị trí cấp cao trong bộ máy doanh nghiệp tăng nhanh chóng.
Với phương châm bản địa hóa nhân tài, công ty có phương án đào tạo cho cán bộ cấp cao, đặc biệt nhiều người Việt giữ chức giám đốc bộ phận. Trong số đó, đối tượng du học sinh cũng là nhóm được công ty chú trọng tuyển dụng, ưu tiên với những người du học ở Trung Quốc.
Hằng năm, mỗi bộ phận quan trọng đều có nhu cầu tuyển dụng lao động là du học sinh về nước. Theo ông Đỗ Quân, nhóm lao động này đã được đào tạo bài bản, có kiến thức, kỹ năng nên công ty luôn có những chính sách riêng tuyển dụng nhân tài.
Bài: Tùng Nguyên – Lê Hoa – Xuân Trường
Ảnh: Hải Long – Tùng Nguyên – Lê Hoa – NVCC
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm