Mấy ngày qua, cua nuôi ở Cà Mau xảy ra tình trạng bệnh chết bất thường, nhiều nhất ở huyện Đầm Dơi và Năm Căn với diện tích hơn 1.800ha. Cà Mau được xem là “thủ phủ” cua ở Đồng bằng sông Cửu Long và cua tỉnh này cũng nổi tiếng cả nước.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, qua thống kê có hơn 500 hộ dân bị thiệt hại, với mức độ từ 5-40%. Cua chết xuất hiện ở tất cả các kích cỡ 10-15 con/kg cho đến 3-4 con/kg.
Kiểm tra cảm quan bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy cua bị sạm màu, yếu, hoạt động chậm chạp,…. Những con cua này chết ngay trong vuông nuôi hoặc bắt lên bờ sau vài giờ đến một ngày.
Cua chết bị đen mang, màu nhợt, thân ốp, bên trong rỗng thịt hoặc cơ thịt nhão và chuyển màu hồng. Trong khi đó, tôm và các loài vật khác trong cùng vuông nuôi như ghẹ, ba khía,… chưa phát hiện bệnh bất thường.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau nhận định, có thể do nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao đã ảnh hưởng sức khỏe cua. Cua chết hầu hết có ký sinh trùng giáp xác chân đều trong xoang thân, vi khuẩn gây hoại tử gan tụy và các chủng vi khuẩn khác gây bệnh.
Theo người dân địa phương, tình trạng cua chết vào mùa nắng hạn đã xảy ra từ vài năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nhiều hộ nuôi bị thiệt hại không nhỏ, có người 50-70%.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau cho biết, hiện chưa có biện pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh ký sinh trùng giáp xác chân đều và các chủng vi khuẩn gây bệnh trên cua.
Ngành chức năng khuyến cáo người nuôi cua cần bình tĩnh, không hoang mang, chủ quan mà chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi.
Trước mắt, người dân cần thu hoạch ngay số cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại; không nên thả thêm con giống vào nuôi; cấp thêm nước vào vuông nuôi nhằm hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng cao;…
Đối với số cua bị chết, người nuôi nên thu gom mang đi chôn và xử lý bằng vôi nóng để tránh lây lan mầm bệnh ra xung quanh.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm