Lao động tự do có thể tham gia công đoàn?
Ngày 21/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo Lấy ý kiến về hồ sơ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại TPHCM.
Tại hội thảo, ông Vũ Minh Tiến, Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề nghị lãnh đạo phong trào công đoàn địa phương các tỉnh phía Nam đóng góp những ý kiến từ thực tiễn hoạt động để sửa đổi luật Công đoàn sát với thực tế cuộc sống.
Ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh: “Sửa đổi làm sao phát huy được vị trí, vai trò vốn có của Công đoàn Việt Nam hơn 90 năm qua, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế hiện nay”.
Tại hội nghị, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, trao đổi các nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo ông Quảng, dự thảo luật lần này có nhiều điểm bổ sung so với dự thảo đầu năm 2023 khi trình Chính phủ.
Vấn đề đầu tiên ông đề nghị các đại biểu quan tâm thảo luận là đề xuất mở rộng cho người lao động tự do, không có quan hệ lao động tham gia công đoàn. Đề xuất này mở rộng hệ thống công đoàn và phù hợp với hệ thống pháp luật lao động hiện nay, làm cơ sở để đưa các nghiệp đoàn cơ sở gia nhập công đoàn.
Theo ông Quảng, đề xuất đưa các nghiệp đoàn cơ sở gia nhập công đoàn đã được bàn thảo từ khi xây dựng luật Công đoàn 2012 nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, thực tế hoạt động hiện nay, hệ thống công đoàn có 550 nghiệp đoàn, việc mở rộng là phù hợp xu hướng, với luật Lao động hiện hành.
Về tổ chức công đoàn các cấp, ông Quảng nhắc đến các đề xuất về biên chế công chức, viên chức; bổ sung 2 quyền cơ bản cho tổ chức Công đoàn là giám sát, chủ trì giám sát và phản biện xã hội; tài chính công đoàn…
Cán bộ công đoàn đối mặt chuyện bị đánh, bị sa thải
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, đề nghị vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm nghiên cứu khi sửa đổi luật là các điều khoản bảo vệ hoạt động của cán bộ công đoàn.
Ông phát biểu: “Tôi mới nghe tin có anh em công đoàn đi xuống doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của người lao động, rồi bị đánh. Cán bộ công đoàn bảo vệ người lao động, còn ai bảo vệ cán bộ công đoàn?”.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, cũng phản ánh việc nhiều cán bộ công đoàn bị chủ sử dụng lao động sa thải khi đứng về phía người lao động. Có vụ việc, cán bộ công đoàn đề nghị Trung tâm tư vấn pháp luật bảo vệ quyền lợi mà trung tâm không giúp được vì doanh nghiệp tìm cách lách luật.
Ông Vũ Ngọc Hà nhắc đến điều khoản bảo đảm cho cán bộ công đoàn làm việc. Luật quy định đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành Công đoàn cấp trên.
Tuy nhiên, người trong Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đều là nhân viên của doanh nghiệp. Có trường hợp, chủ doanh nghiệp muốn sa thải Chủ tịch Công đoàn cơ sở, họ lách luật bằng cách lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở công ty. Khi lấy ý kiến, chỉ duy nhất ông Chủ tịch Công đoàn bỏ phiếu chống, còn lại những thành viên khác trong Ban chấp hành đều đồng ý sa thải chính ông Chủ tịch Công đoàn.
“Việc này chúng ta cần xem xét lại để bảo vệ cán bộ công đoàn tốt hơn, nếu đã cấm thì cấm luôn”, ông Vũ Ngọc Hà nói.
Ông Trần Ngọc Vân, cán bộ công đoàn Bình Dương, cũng đồng tình với ý kiến của ông Vũ Ngọc Hà vì thực tế hoạt động tại Bình Dương cũng xảy ra nhiều trường hợp tương tự.
Ông Vân chia sẻ: “Nhìn các điều khoản trong luật thì có vẻ đầy đủ để bảo vệ cán bộ công đoàn nhưng thực tế khi quan hệ đổ vỡ, chủ sử dụng lao động có hàng trăm cách để chèn ép, sa thải cán bộ công đoàn”.
Một vấn đề khác mà ông Trần Văn Triều đề nghị ban soạn thảo luật Công đoàn (sửa đổi) quan tâm nghiên cứu điều chỉnh là quy định tổ chức công đoàn đại diện để bảo vệ quyền lợi cho người lao động quy định tại Điều 10.
Ông đề nghị làm rõ khái niệm đại diện tập thể người lao động để khởi kiện, tham gia tố tụng khi quyền lợi người lao động bị xâm phạm.
“Thời gian qua chúng tôi bị vướng cái này rất nhiều, nhất là ở những vụ doanh nghiệp có hàng ngàn người nợ bảo hiểm xã hội thì làm sao để tất cả đều làm thủ tục ủy quyền cho mình. Những doanh nghiệp lớn, nhiều người lao động, có người muốn kiện mà có người không muốn thì làm sao? Cần làm rõ vấn đề này để bảo vệ người lao động tốt hơn”, ông Triều đề xuất.
Dự án Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa XV (tháng 5, 6/2024), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XV (tháng 10, 11/2024).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm