Ngày 25.8, sau buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Nobland Việt Nam (đóng ở khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM; lĩnh vực may mặc) vào sáng cùng ngày, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đề nghị công ty tạm dừng phương án cắt giảm lao động.
Đồng thời, đề nghị công ty có phương án cũng như thông báo đến tập thể người lao động trước khi cắt giảm lao động.
Hôm qua (24.8), Công ty TNHH Nobland Việt Nam có thông báo danh sách 611 người lao động sẽ chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 10.9 tới vì lý do tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn, nguồn hàng sụt giảm nên cần thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động.
Việc chi trả cho người lao động được công ty đưa ra bao gồm tiền phép năm cho số ngày phép chưa sử dụng hết, tiền lương những ngày làm việc tới thời điểm nghỉ việc và trợ cấp mất việc đối với người lao động đủ điều kiện theo điều 47 bộ luật Lao động 2019.
Trong danh sách công nhân Công ty TNHH Nobland Việt Nam bị mất việc, người nhận thấp nhất là 2 tháng lương. Còn lại, thời gian tính hưởng trợ cấp mất việc cho công nhân sẽ trừ thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp (do cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả) từ năm 2009 đến nay.
Tuy nhiên, công nhân phản ứng, cho rằng danh sách này công bố “bất ngờ” vì chưa được tổ chức công đoàn cơ sở trao đổi, hỏi ý kiến liên quan. Trong khi đó đa số người lao động thuộc diện cắt giảm đều đã làm lâu năm tại công ty. Thế nên, chiều 24.8, khoảng 50 người đã ngừng việc, xuống văn phòng công ty chất vấn.
Người lao động của công ty này cũng có đơn xin cứu xét đến Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Phòng LĐ-TB-XH Q.12 và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Nhiều công nhân nói việc cắt giảm lao động tại công ty nhằm muốn người lao động thay đổi chế độ hưởng lương thời gian (lương cứng theo tháng) thành lương tính theo sản phẩm. Tính toán của người lao động cho biết nếu chấp nhận phương án này thì lương của họ sẽ giảm xuống một nửa.
Việc muốn chuyển đổi hình thức lương này của Công ty TNHH Nobland Việt Nam đã được thông báo với người lao động hồi cuối năm 2021. Sau đó, có 1.000 công nhân lao động đã đình công, không chấp nhận phương án lương mới vì cho rằng quyền lợi liên quan bị ảnh hưởng.
Tại thời điểm đó, sau khi làm việc với tổ công tác của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM và các đơn vị quản lý lao động, công ty đồng ý tính lương thời gian theo hợp đồng cũ.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm