“CẮT NHÂN SỰ CHƯA XONG, Ở ĐÂU MÀ TUYỂN !”
Bộ hồ sơ ứng tuyển công việc của chúng tôi gồm có: sơ yếu lý lịch tự thuật, đơn ứng tuyển công việc, bản sao CCCD, giấy khám sức khỏe còn trong thời hạn 6 tháng, hình 3 x 4, 4 x 6, bằng THPT…
Cầm bộ hồ sơ này, khoảng 9 giờ 30 ngày 24.8, trời nắng hầm hập, chúng tôi chạy xe máy từ trong trung tâm thành phố đi đến Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM). Đây là khu công nghiệp đa ngành, trú đóng ở các trục giao thông rất thuận lợi khi đường gần nhất là QL1 nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Thế nên có rất đông công nhân, người lao động gốc miền Tây đến đây sinh cơ lập nghiệp, gắn bó hàng chục năm trời.
Còn nhớ thời điểm năm 2022 sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, cũng là năm TP.HCM triển khai hàng loạt chính sách để phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm người lao động, nhất là với lao động ngành chế biến, chế tạo. Hay chỉ vừa mới sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, khi rảo quanh Khu công nghiệp Tân Tạo hay các khu chế xuất, khu công nghiệp khác, chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp giăng băng rôn, áp phích tuyển dụng ngay trước cổng với nhiều chính sách đãi ngộ, phúc lợi hấp dẫn… Khi đó, nhu cầu tuyển dụng rất phổ biến.
Nhưng nay, trái với chuyện “khát” nhân lực đó, là hình ảnh những băng rôn tuyển dụng bạc màu còn treo hai bên đường. Đi từ QL1 về trục đường chính trung tâm trong Khu công nghiệp Tân Tạo, hướng ra kênh Tham Lương, tầm giờ gần trưa, chúng tôi chỉ thấy vài người bán vé số ngồi tránh nắng trên vỉa hè. Một phụ nữ đẩy hàng bánh, lau mồ hôi trán, gợi ý khi chúng tôi trình bày đi tìm việc: “Kiếm việc mùa này hơi khó. Thấy xe bán hàng của tôi là biết, có ai mua đâu, khó khăn nên người ta hạn chế mua sắm hay ăn ngoài. Giờ muốn tìm việc, thấy cô cậu còn trẻ, hay là đi qua Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thử xem”.
“Nhưng công ty này mới cắt giảm nhân sự thêm mấy ngàn lao động nữa”, chúng tôi đáp, khiến người phụ nữ bất ngờ. “Cắt giảm nữa hả. Vậy phải đi qua phía cầu Đường C kia, phía dưới khu công nghiệp, qua khu bên đó chắc sẽ có việc hơn, bên khu này không có ai tuyển đâu”, chị chắc nịch.
Đi theo chỉ dẫn, chúng tôi rẽ vào các đường nhánh trong khu công nghiệp. Nhưng phải một lúc lâu, chúng tôi mới tìm thấy một bảng tuyển dụng. Tại một công ty sản xuất thép, nam bảo vệ tên T. khua tay, lắc đầu: “Công ty nếu giờ có tuyển thì chỉ tuyển thợ hàn có kinh nghiệm thôi, bên khối nhân sự – hành chính còn đang rà soát, giảm nhân viên chưa xong thì lấy đâu ra mà tuyển thêm nữa, giờ không tuyển nhiều hay ồ ạt như xưa đâu”. Một công ty may treo bảng tuyển dụng, nhưng hỏi ra mới biết hiện chỉ tuyển kế toán trình độ đại học, lương gần 10 triệu đồng/tháng, chứ không tuyển thêm công nhân.
Cách đó vài trăm mét, một công ty khác chuyên sản xuất điện gia dụng, dán một bảng tuyển dụng lớn ngay phía cổng công ty, ghi tuyển lao động phổ thông từ 18 – 25 tuổi, trình độ văn hóa lớp 6 trở lên; tuyển bảo vệ nam có kinh nghiệm 1 năm trở lên, tuổi từ 25 – 35, sức khỏe tốt, trình độ văn hóa 12/12. Hồ sơ công việc yêu cầu như các giấy tờ thông thường nên chúng tôi đến chỗ phòng bảo vệ. Khi chưa kịp trình bày, bảo vệ liền nói: “Công ty không tuyển nữa!”. “Nhưng bảng tuyển dụng treo lớn vậy mà anh!”, chúng tôi nói. “Tôi không biết, nhưng phòng nhân sự nói với bảo vệ rằng ai hỏi tìm việc thì trả lời không tuyển, còn cái bảng tuyển dụng ngoài cổng là do chưa gỡ thôi”, người bảo vệ nói.
Lúc này, trời đã trưa, nhiệt độ tới 32 độ C, chúng tôi đã chạy gần 2 tiếng trong lẫn ngoài khu công nghiệp, dần thấy bất lực.
“HAI ANH CHỊ CŨNG ĐI XIN VIỆC HẢ?”
Khi ra về bằng đường lớn, ngay nút giao dưới đường Trần Văn Giàu với QL1, chúng tôi thấy một bảng tuyển dụng lớn, bắt mắt của một công ty chế biến thủy hải sản được treo ở cổng ra vào. Nội dung ghi công ty cần tuyển lao động phổ thông bóc tôm, mực… với đầy đủ chế độ phúc lợi cơ bản, thu nhập có thể từ 7 – 15 triệu đồng/tháng. Lương học việc 1 tháng đầu từ 6 – 7 triệu đồng.
Có vài người dừng xe máy đứng trước bảng, chụp ảnh bảng tuyển dụng rồi đi. Chị Mỵ Nương (35 tuổi) dựng xe đạp trước bảng tuyển dụng, lấy áo khoác che người vì trời nắng, lau mồ hôi đang nhễ nhại trên trán rồi hỏi: “Hai anh chị cũng đi xin việc hả?”.
Chị Nương quê Sóc Trăng, trở lại TP.HCM mưu sinh sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát năm 2021. Chị vào làm ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nhưng mới mất việc hồi tháng 7.2023; chồng chị cũng làm ở công ty này và may mắn vẫn còn được giữ lại. Xem kỹ bảng tuyển dụng, đến chỗ điều kiện tuyển dụng, tuyển công nhân nam, nữ từ 18 – 40 tuổi, chị tặc lưỡi: “May quá, mình 35 tuổi”.
Trước giỏ xe đạp của chị Nương là một bình nước. Chị nói: “Sáng giờ tôi đi tìm việc, chạy quanh khu công nghiệp vậy đó. Ngoại trừ thời gian dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, đi chợ trong ngày thì tôi lại đạp xe đi tìm việc. Nay thấy được bảng tuyển dụng này, quá mừng”.
Chị Nương kêu cửa công ty, có người đàn ông ra mở, nói: “Xin việc hả. Về chuẩn bị hồ sơ như bên ngoài đầy đủ rồi sáng mai 7 giờ 30 quay lại phỏng vấn. Bên này không tuyển lao động thời vụ, phỏng vấn được là vào đào tạo rồi làm luôn”.
Hỏi cụ thể hồ sơ công việc cần gì, người đàn ông này nói gồm có: đơn xin việc, hình 3 x 4, bản sơ yếu lý lịch, bản sao CCCD, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận hạnh kiểm công chứng. Chúng tôi thắc mắc giấy xác nhận hạnh kiểm là gì và nếu chưa chuẩn bị kịp thì thế nào, người đàn ông đáp nhanh rồi đóng cửa cổng: “Đó là giấy xác nhận của công an ở nơi đăng ký thường trú của người lao động để xác nhận không có tiền án, tiền sự. Nếu không có bây giờ thì khi phỏng vấn xong, trong thời hạn một tuần kể từ ngày nhận việc, cần hoàn thiện hồ sơ”.
Chị Nương băn khoăn: “Giờ vào làm chỗ công ty thủy sản này thì phải học lại công việc từ đầu nên hơi e dè. Tôi sẽ coi thêm rồi mới quyết định”. Suốt buổi đứng trước cổng công ty, chị Nương không đề cập đến lương bổng. Chị nói chuyện tiền nong bây giờ khoan tính tới, có công việc trước để ổn định và thu nhập mỗi tháng mới là quan trọng.
“Nhà còn hai đứa con nhỏ, nếu chỉ chờ đồng lương của chồng thì không trụ nổi”, chị Nương thở dài, chào tạm biệt rồi lên xe đạp về nhà. (còn tiếp)
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm