“Nhận thưởng xong, tôi “bật” một thể rồi nghỉ”
Nguyễn Đức Huy, 28 tuổi, làm việc tại bộ phận truyền thông của một công ty thực phẩm có văn phòng ở quận 1, TPHCM. Công việc của Huy là viết content (nội dung), xây dựng các ý tưởng về nội dung, hình ảnh, video sản phẩm.
Trái khoáy ở chỗ, từ ngày công ty thay đổi cơ cấu, bộ phận của Huy được giao cho phòng kinh doanh quản lý. Phòng này công việc phức tạp, nhiều bè phái, Huy khá “lạc tông” ở đây. Đặc biệt, cậu không được lòng vị giám đốc phòng kinh doanh.
Vị giám đốc thường xuyên giao những công việc ngoài chuyên môn cho Huy. Công việc nào “khó nuốt”, nặng nhọc như đi kiểm hàng, nhận hàng, bốc vác hàng hóa… cũng giao Huy làm cậu rất ức chế.
Khi làm không đúng ý, y như rằng Huy sẽ bị lôi vào trong nhóm để mổ xẻ, chê bai.
Mới đây, vào chủ nhật, anh giám đốc gọi điện giao Huy xuống kiểm hàng tại nhà phân phối, trong khi cậu đang đi đám cưới ở Long An. Huy phản ứng lại vì đó không phải là công việc của mình, lại vào ngày nghỉ.
Sếp tỉnh bơ đáp: “Những nhân sự trong phòng cuối tuần đều kẹt việc riêng”. Huy bức xúc vì lý do kiểu công khai thách thức, ai cũng được quyền bận, trừ cậu.
Mấy người bạn đi đám cùng nghe chuyện, bảo Huy “bật” lại ngay, cùng lắm nghỉ việc, sợ gì. Huy lắc đầu: “Thôi! Thôi! Để tôi yên! Chỉ 2 tháng nữa là tôi nhận thưởng tết rồi. Có gì nhận thưởng xong, tôi “bật” một thể rồi nghỉ”.
Thế rồi cậu bỏ dở đám cưới, quay đầu xe máy gần 40 cây số về lại thành phố.
Làm việc tại công ty được 3 năm, đầu năm nay, Huy thực sự muốn nghỉ khi nhận thấy công việc không giúp bản thân phát triển, chưa kể lại thêm đụng độ với sếp.
Tuy nhiên, Huy thấy rõ năm nay tình hình kinh tế khó khăn, không dễ tìm việc làm nên cậu cố cầm cự. Ban đầu, Huy tính chờ cơ hội mới nhưng quay đi quay lại đã gần hết năm.
Tâm trí ngày càng uể oải, quan hệ với sếp ngày càng căng thẳng, về mặt cảm xúc, Huy muốn bỏ việc ngay lập tức. Vậy nhưng, chàng trai trẻ xác định, có gì cũng phải nhịn, phải cười tươi như hoa trong quý cuối, cố gắng chờ thưởng tết xong rồi muốn làm gì thì làm.
“Nhiều bạn bè biết chuyện, nói tội gì phải khổ vì mấy đồng thưởng tết. Với tôi, thưởng tết quan trọng lắm, sĩ diện không ăn được”, Huy cười.
Chàng trai trẻ chia sẻ, công ty mình hàng năm thưởng Tết rất khá, khoảng 3-4 tháng lương. Năm rồi Huy mức thưởng hơn 65 triệu đồng, năm nay, năng suất công việc tăng, Huy tính, thưởng chí ít bằng năm ngoái hoặc thấp lắm cũng 60 triệu đồng.
Nam nhân viên trải lòng, khi mới ra trường, cậu ngại tâm lý nhận thưởng Tết rồi “bùng”, cảm giác mình gian xảo, vô ơn. Còn bây giờ, cậu thấy đây là điều thực tế, hợp lý.
Thưởng Tết có thể giữ chân người lao động
Trải qua một năm 2023 với nhiều áp lực về mặt kinh tế, việc làm, trên thị trường không ít nhân sự rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi với công việc. Trong đó, nhiều người ở cảnh càng về cuối năm càng thấy chán việc, chỉ muốn nghỉ.
Thực tế nhiều nhân sự lăn tăn việc có nên cầm cự chờ thưởng Tết kèm cả sự áy náy “chờ nhận thưởng Tết rồi nghỉ liệu có quá vô ơn?”.
Trên nhiều diễn đàn nhân sự, như lập trường của Huy, nhiều người đưa ra lời khuyên, lúc này có chuyện gì cũng nên “ngậm đắng nuốt cay”, “nhẫn nhịn vì đại sự” để chờ thưởng tết.
Bà Trần Hồng Ngọc Dung, cố vấn nhân sự doanh nghiệp tại TPHCM cho hay, có nên nhịn để chờ thưởng Tết hay không là câu hỏi không có câu trả lời chung cho tất cả.
Thứ nhất, người trong cuộc phải xem xét mức thưởng ở công ty mình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cân nhắc mức thưởng Tết đó ảnh hưởng đến tài chính của mình thế nào. Có người, tiền thưởng Tết là khoản cả năm dành dụm nhưng với nhiều người, khoản này chẳng thấm tháp gì.
Thứ hai, cần cân nhắc khả năng chịu đựng về mặt cảm xúc, trách nhiệm của mình với công việc. Liệu mình có chịu thêm nổi vài tháng cảm xúc tiêu cực trong công việc hay không? Với nhiều người, khi đã quá mệt mỏi thì ở lại thêm một vài ngày cũng đã rất kinh khủng.
Cân nhắc trên những tiêu chí ưu tiên mới có thể trả lời phần nào câu hỏi có nên chịu đựng chờ thưởng tết.
Ngoài ra, theo bà Dung, nhân sự nên cân nhắc về cơ hội việc làm mới, khả năng thích ứng môi trường mới.
Còn về việc người lao động chờ nhận thưởng Tết rồi nghỉ, bà Trần Hồng Ngọc Dung cho rằng không nên phán xét chuyện ơn nghĩa ở đây.
Luật không quy định doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết. Tiền thưởng lâu nay được hiểu một cách nôm na là khoản tiền mà người lao động được thưởng dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm của công ty và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Phần lớn tiền thưởng Tết, nếu có, là khoản người lao động được hưởng cho quá trình làm việc trong năm, chứ không phải để “ràng buộc” tương lai, trừ khi có thỏa thuận, hợp đồng nào đó.
“Một số công ty thưởng Tết cao còn với mục đích để giữ chân người lao động. Tôi đã gặp nhiều người lao động tính nghỉ việc nhưng nhận thưởng Tết cao nên họ tiếp tục ở lại gắn bó”, chuyên gia nhân sự bày tỏ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm