Mang bằng cử nhân, thạc sỹ đi chạy xe ôm
“Hôm nay đi làm, vô tình trò chuyện với một đồng nghiệp thì biết anh ấy có bằng thạc sỹ”, anh Nguyễn Huỳnh Chí Thanh (SN 1993, ngụ tại TPHCM), tài xế xe ôm công nghệ hỉ hả kể.
Chuyện tài xế xe ôm công nghệ, người cười người khóc, vỡ mộng vì nghề, theo anh Thanh, tùy thuộc lớn vào cá nhân mỗi người.
Anh Thanh bộc bạch, bản thân anh cũng có 2 bằng cử nhân ngành luật. Tốt nghiệp đại học năm 2015, anh từng có nhiều năm làm trưởng phòng kinh doanh tại một công ty bất động sản, với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, sau 8 năm làm văn phòng, anh quyết định nghỉ việc khi thị trường bất động sản bão hòa. Dừng việc, anh đăng ký làm tài xế xe ôm công nghệ.
Từ một người làm quản lý với thu nhập khiến nhiều người ngưỡng mộ, anh Thanh chợt nhận về ánh mắt khinh thường và hoài nghi từ gia đình, bạn bè vì đi chạy xe ôm.
“Làm tài xế xe công nghệ, phải vượt qua nỗi “sợ” và “ngại”. Tôi mất hơn 1 tuần để hết ngại khi gặp gia đình, bạn bè lúc đang làm tài xế và không còn sợ cảnh khách chửi, “bom” hàng”, anh Thanh nói.
Mỗi ngày, anh Thanh làm việc 5-6 tiếng, kiếm thu nhập 200.000-240.000 đồng. Số tiền này chỉ đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt trong tháng. Vì vậy, anh thường tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm.
Anh Thanh cho hay nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi biết anh bỏ việc lương cao để đi chạy xe ôm.
“Khi còn làm quản lý, số tiền tôi kiếm được một năm có thể mua ô tô 500 triệu đồng, nhưng đổi lại là áp lực vô cùng to lớn. Tôi chọn làm tài xế vì công việc này tự do và có nhiều thời gian “chết”. Bản thân tôi tận dụng được thời gian đó để làm được nhiều việc khác hoặc chăm sóc gia đình, mở rộng mối quan hệ”, anh Thanh giải thích.
Ngoài sự tự do, chủ động được thời gian, nam tài xế cho hay anh còn có được nhiều kỷ niệm vui, buồn và bài học cuộc sống sau hơn 1 năm làm công việc này.
“Ám ảnh nhất là những lúc bị “bom” hàng hay khách bắt chờ rất lâu. Nhưng bản tính vốn chịu khó, tôi nghĩ đó chỉ đơn thuần là thử thách của công việc và bất kỳ nghề nào cũng có. Tôi cũng gặp được nhiều khách hàng tốt tính, dạy cho tôi nhiều bài học và kinh nghiệm khởi nghiệp”, Thanh bộc bạch.
Phát triển công việc
Theo anh Thanh, công việc chân chính nào cũng xứng đáng được trân trọng và có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, các tài xế xe ôm công nghệ nếu xem đây là công việc chính, cố bám trụ lâu dài thì 5-10 năm nữa chỉ “dậm chân tại chỗ”, bị tuột lại phía sau.
Nam tài xế chia sẻ, chỉ sau 1 năm làm tài xế xe ôm công nghệ, anh đã mua được chung cư tại TPHCM và khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ. Nhiều người ngỡ rằng đó là số tiền anh kiếm được từ nghề làm tài xế và tỏ ra hoài nghi. Song, anh tiết lộ nghề tài xế chỉ là “bàn đạp” để anh tìm kiếm, tiếp cận nhiều cơ hội khác.
“Trong những khoảng “thời gian chết” ấy, tôi tận dụng khi đầu óc thoải mái để quay video đăng lên mạng xã hội TikTok, viết tản văn và gặp gỡ bạn bè, mở rộng cơ hội làm ăn. Sáng thì tôi học Anh văn, tối thì viết nội dung cho các video rồi chuẩn bị xuất bản 2 cuốn tản văn của riêng mình”, anh Thanh tiết lộ.
Nam tài xế cho hay, bất kỳ ngành nghề nào cũng sẽ có người lương cao và lương thấp. Thu nhập của người làm nghề sẽ phụ thuộc vào cách người đó phát triển, mở rộng công việc của chính mình.
“Tôi có một người bạn làm marketing (quảng cáo). Anh ấy không chỉ làm công cho các doanh nghiệp thông thường mà tận dụng kiến thức công việc của mình để làm TikTok, mở lớp dạy thiết kế,… nên có được thu nhập cao hơn nhiều bạn làm marketing khác.
Cũng giống như tôi, tôi lấy “chất liệu” từ nghề tài xế để làm nội dung mạng xã hội hoặc tận dụng mối quan hệ, câu chuyện và bài học từ khách hàng để lên kế hoạch khởi nghiệp sau này. Từ đó, nhờ nghề tài xế mà tôi có thêm nhiều nguồn thu nhập khác”, anh bộc bạch.
Cùng suy nghĩ với anh Thanh, nam tài xế Hoàng Nguyên (35 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng cầm tấm bằng cử nhân kỹ thuật phần mềm đi lái xe ôm.
Sau 8 năm làm việc, vì xem công việc này là nguồn thu nhập chính, anh Nguyên không khỏi hối hận và phải thốt lên rằng: “Tôi đã đốt thời gian và tương lai của mình!”.
Giờ đây, anh Nguyên chưa đến 40 tuổi nhưng đã có nhiều triệu chứng về bệnh liên quan đến xương khớp. Làm việc ngoài trời liên tục, ăn uống thất thường đã khiến các bệnh về tiêu hóa bộc phát hành hạ anh. Không những vậy, hiện nay thu nhập của tài xế Nguyên bị giảm đến 50%.
Nam tài xế chia sẻ, anh hi vọng những người trẻ chỉ nên xem nghề này là công việc tạm thời, bởi nó không có sự đảm bảo về lâu dài. Qua đó, người trẻ cần học một nghề nào đó, cần có chuyên môn, tay nghề thì mới mong có cơ hội thăng tiến, ổn định công việc và cuộc sống.
Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công bố năm 2021 cho thấy một hãng xe ôm công nghệ lớn có khoảng 200.000 tài xế, làm việc ở 46 tỉnh, thành. Trong đó, 26% tài xế có trình độ từ cao đẳng trở lên; 11% có trình độ từ trung cấp, cao đẳng; đến 12% tài xế có trình độ đại học.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần lớn tài xế xe ôm công nghệ có thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, sau khi trừ chiết khấu, họ chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, chưa tính đến 30% chi phí cho các khoản khác.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm