Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và Nhật Bản về tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định, dự kiến Bộ LĐ-TB-XH sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng và lĩnh vực nông nghiệp.
Để có tư cách lưu trú kỹ năng đặc định trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng, người lao động sẽ phải tham gia kỳ thi đánh giá kỹ năng, dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 1.3, 4.3 và 5.3 tại Hà Nội. Lệ phí thi là 172.000 đồng.
Đối với bài thi đánh giá năng lực tiếng Nhật chuyên ngành chăm sóc điều dưỡng, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ thông báo chi tiết sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị.
Đối với kỳ thi đánh giá kỹ năng trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tổ chức tương tự như với kỳ thi đánh giá kỹ năng chăm sóc điều dưỡng. Tuy nhiên, người tham dự kỳ thi này sẽ phải nộp lệ phí thi cao hơn, khoảng 664.000 đồng.
Để tham dự kỳ thi, thí sinh không yêu cầu về trình độ học vấn, nhưng cần đảm bảo từ đủ 17 tuổi trở lên.
Thí sinh có thể chọn một trong các ngày nêu trên để dự thi. Kỳ thi có giới hạn số lượng thí sinh dự thi. Nếu số lượng đăng ký đạt giới hạn thì việc tiếp nhận đăng ký thi có thể kết thúc trước thời hạn, vì vậy thí sinh nên đăng ký thi càng sớm càng tốt.
Theo quy định tại Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Tư pháp Nhật Bản, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong danh sách xác nhận được cấp bởi Bộ LĐ-TB-XH, gồm những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
Bản ghi nhớ hợp tác cũng quy định rõ quyền lợi của người lao động Việt Nam như: lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản.
Ngoài ra, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi khác liên quan tới chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại bao gồm chi phí trở về Việt Nam sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của các lao động kỹ năng đặc định.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, việc triển khai chương trình trên cơ sở bản thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế, đồng thời giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong một số ngành quan trọng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 14 ngành nghề Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định nước ngoài gồm: xây dựng; đóng tàu; nông nghiệp; thực phẩm; nhà hàng ăn uống; ngư nghiệp; vệ sinh tòa nhà; công nghiệp rèn đúc; điện và thông tin điện tử; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô; hàn cơ khí; lưu trú khách sạn; chăm sóc điều dưỡng; hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý.
Lao động – Việc làm | thanhnien.vn
Nguồn: Sưu Tầm