Vốn làm nghề sửa cơ khí nhiều năm nhưng gia đình ông Phạm Văn Hùng (làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) quyết định chuyển hướng sang trồng dâu, nuôi tằm từ giữa năm 2021.
Sau nhiều năm học hỏi mô hình, gia đình ông Hùng đang sở hữu hơn 4ha diện tích đất trồng dâu. Nhờ vậy, gia đình ông Hùng có nguồn thu gần 1 tỷ đồng/năm từ nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Hùng cho biết: “Nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm có nguồn thu đều trong năm nên gia đình đã tập tành làm thử. Càng nuôi lại càng ham, gia đình tiếp tục mở rộng lên 4ha trồng dâu, nuôi tằm. Căn nhà rộng khoảng 200m2 cũng tận dụng để đặt giàn nuôi tằm”.
Theo ông Hùng giải tích, một tua nuôi kéo dài trong vòng gần 18 ngày và số kén gia đình ông thu được luôn đạt khoảng 60-70kg. Bình quân 1 tháng, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm.
“Như vụ gần đây nhất, gia đình nuôi 6 hộp tằm, thu nhập 100 triệu đồng/tháng từ việc bán kén. Nhận thấy hiệu quả mang lại từ nuôi tằm, gia đình quyết định đầu tư gần 600 triệu đồng làm trại nuôi, thuê đất trồng dâu, mua con giống, thiết bị phục vụ nuôi tằm. Riêng năm 2023, tôi trồng 4ha dâu và nuôi 1 tua khoảng 5-6 hộp”, ông Hùng phấn khởi nói.
Ở thôn Phú Tân (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), gia đình ông Bùi Văn Tốn có tiếng trong nghề trồng dâu nuôi tằm và cho ra kén chất lượng, năng suất. Một tua nuôi, gia đình ông thu về hơn 80kg.
Ông Tốn chia sẻ, tằm ăn 5-6 lượt lá dâu/ngày. Sáng sớm, gia đình tranh thủ ra vườn cắt lá dâu về bỏ vào máy băm để rải cho tằm ăn. Thời gian tằm ăn rỗi thì phải cho lá nhiều hơn.
Chất lượng lá dâu phải đặt lên hàng đầu. Lá dâu sạch và không dính các thuốc trừ sâu. Khi tằm lỡ ăn những lá bệnh hoặc trúng thuốc hóa học sẽ chết hoặc bị teo lại. Chuồng trại nuôi phải thoáng mát và khử khuẩn sạch sau đợt nuôi.
Vốn là hộ nghèo, anh Rơ Lan Diếp (làng Bạc Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cùng người con đã mạnh dạn chuyển từ cây sắn sang trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Diếp cho hay: “Năm 2022, vợ chồng tôi cùng người con trai mạnh dạn chuyển đổi sang nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ban đầu, người dân trong làng cũng nghi ngờ, e dè trước cây trồng mới lạ này. Phần vì, bà con lo ngại không biết kỹ thuật và đầu ra. Nhưng khi thấy thu nhập đều hàng tháng nên người dân đã sang xin giống dâu về trồng”.
Bà Trương Thị Thu Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng (huyện Chư Prông), cho biết: “Trên địa bàn xã có hàng chục hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có 5 hộ người dân tộc thiểu số. Thu nhập mang lại từ nghề này khá ổn định.
Đây là tín hiệu tích cực về thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo đối với người dân địa phương nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng. Sắp tới, xã sẽ thành lập nông hội nuôi tằm và tăng cường liên kết nhằm tìm thêm đầu ra cho bà con”.
Cũng Trên địa bàn huyện Chư Sê có 3 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ dâu tằm với quy mô hơn 100 ha. Huyện đang kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với các hộ dân tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tất cả các khâu, chú trọng xây dựng vùng sản xuất dâu tằm ứng dụng công nghệ cao.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm